Công nghiệp 4.0 được chọn làm đề thi cho FPT Edu Hackathon 2018

13/04/2018 07:08
Linh Anh
(GDVN) - Nhằm khuyến khích tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ, FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên đã chọn đề thi là Mạng lưới kết nối vạn vật (IoT).

Ngày 10/4, Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) chính thức công bố cuộc thi FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên, dành cho sinh viên công nghệ thông tin, với mức giải thưởng lên tới gần 200 triệu đồng.

Nhằm khuyến khích tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ để giải bài toán thực tiễn của sinh viên, FPT Edu Hackathon mùa đầu tiên đã chọn đề thi là Mạng lưới kết nối vạn vật (IoT).

Đây là cuộc thi được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới.

Theo đó, đặc trưng thú vị nhất của FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi thách thức các thí sinh phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng.

Sản phẩm cuối cùng đem ra tranh tài chính là ứng dụng được đội thi phát triển trong 48 giờ đồng hồ “marathon” không nghỉ.

Thí sinh có thể chuẩn bị ý tưởng hoặc bản thiết kế trước nhưng toàn bộ khâu lập trình phải được thực hiện trong thời gian cuộc thi diễn ra.

Để khởi động cho mùa giải đầu tiên, FPT Edu Hackathon 2018 chọn đề bài với cảm hứng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó yêu cầu các đội tham gia phát triển ý tưởng nhằm tạo ra những ứng dụng để đưa Mạng lưới Vạn vật kết nối (IoT) vào trong các lĩnh vực, giúp người dùng có trải nghiệm về sức mạnh công nghệ nâng tầm cuộc sống.

Mạng lưới kết nối vạn vật được chọn làm đề thi cho FPT Edu Hackathon 2018 (Ảnh: Ban tổ chức)
Mạng lưới kết nối vạn vật được chọn làm đề thi cho FPT Edu Hackathon 2018 (Ảnh: Ban tổ chức)

Khi tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết.

Trong vòng ý tưởng, ban giám khảo sẽ đánh giá năng lực các đội dựa vào ý tưởng dự thi và kết quả thi trên Codefights, nhằm chọn ra 26 đội bước vào vòng sơ loại.

Các đội này sẽ tham gia phỏng vấn để chọn ra 14 đội có ý tưởng và khả năng áp dụng công nghệ tốt nhất bước vào vòng chung kết.

Vòng chung kết là nơi thi tài của 14 đội đến từ 2 bảng thi đấu, cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong thời gian 48 tiếng không nghỉ.

Sau đó, các đội sẽ thực hiện demo sản phẩm và thuyết trình sản phẩm trước ban giám khảo.

Đánh giá sản phẩm của các đội thi là đội ngũ ban giám khảo gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Công nghiệp 4.0 được chọn làm đề thi cho FPT Edu Hackathon 2018 ảnh 2Sinh viên cần chuẩn bị để theo đuổi đam mê khoa học, khởi nghiệp sáng tạo!

Ban giám khảo sẽ chấm điểm theo tiêu chí: ý tưởng tốt, có tính sáng tạo và đột phá (20%); mức độ hoàn thiện của sản phẩm gồm code và demo (50%); tính ứng dụng vào thực tiễn (20%); khả năng ứng dụng rộng rãi (10%).

Ngoài việc đánh giá chất lượng sản phẩm, các chuyên gia còn có vai trò như cố vấn chuyên môn, tham gia định hướng và hỗ trợ các đội trong thời gian diễn ra cuộc thi.

Được biết, để tham gia FPT Edu Hackathon 2018, ngoài đam mê công nghệ, các đội thi còn cần có kiến thức về các ngôn ngữ lập trình, sử dụng platform, thiết kế giao diện phần mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình sản phẩm…

Từ ngày 10/4, các đội thi có thể đăng ký tham gia FPT Edu Hackathon 2018 tại website cuộc thi: http://fpt.edu.vn/hackathon2018

Vòng chung kết cuộc thi diễn ra trong 2 ngày 9-10/6 tại campus Hoà Lạc, Hà Nội.

Linh Anh