Cứ có sự cố là đuổi giáo viên thì mới chỉ xử lý phần ngọn

06/03/2017 09:49
Tấn Tài
(GDVN) - “Tôi có điểm lại hai năm gần đây, cứ bốn tháng thì ở Hà Nội lại xảy ra một vụ bạo hành trẻ, riêng thời gian gần đây thì liên tiếp nhiều vụ”.

Đó là thống kê của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội nghị giao ban cụm thi đua số 9 (5 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ), lần thứ nhất năm học 2016 – 2017 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng ngày 4/3.

Dân chủ trong trường học chưa đảm bảo

Tại hội nghị lần này, đại diện năm Sở GD&ĐT của năm địa phương đã trình bày những kết quả đạt được trong năm học 2015 – 2016.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, để xảy ra sự cố rồi đuổi giáo viên ấy là chưa tốt. Ảnh: TT
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, để xảy ra sự cố rồi đuổi giáo viên ấy là chưa tốt. Ảnh: TT

Trong đó, quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp của cụm này tiếp tục được ổn định và phát triển. Cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực được tăng cường.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá việc xã hội hóa tại năm địa phương này diễn ra rất mạnh, đặc biệt là khu vực mầm non với hơn 70% trường là ngoài công lập.

Cứ có sự cố là đuổi giáo viên thì mới chỉ xử lý phần ngọn ảnh 2

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Cô giáo dùng dép đánh trẻ là hành vi phản giáo dục

(GDVN) - Việc cô giáo dùng dép đánh trẻ là hành vi phản giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ.

“Dù tỷ lệ trường ngoài công lập rất cao nhưng chúng ta vẫn đảm bảo được an toàn, không có vấn đề gì xảy ra.

TP.HCM thì có số trường ngoài công lập trên 60%, chỉ có Hà Nội hơi thấp mới 30%, Hải Phòng 25%.

Đây là vùng có những điểm sáng về xã hội hóa và hội nhập quốc tế để các tỉnh khác học tập”.

Tuy nhiên, bà Nghĩa cũng thừa nhận, vùng này đang chịu rất nhiều áp lực từ dân nhập cư, mạng lưới trường lớp quá lớn… nên công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Điển hình, ở Hà Nội vừa rồi có xảy ra những vụ việc khá nghiêm trọng như tại trường tiểu học Nam Trung Yên (hiệu trưởng ngồi trên xe gây tai nạn cho học sinh trong sân trường nhưng chối trách nhiệm – pv).

“Để xảy ra sự việc là trách nhiệm của hiệu trưởng và việc thực hiện dân chủ trong trường học cũng chưa đảm bảo.

Sự việc như ở trường Nam Trung Yên lại đi lấy phiếu khảo sát của giáo viên rồi nói là không thấy ô tô vào trường.

Mà giáo viên không biết nên cứ đánh dấu vào (100% kết quả cho biết, không thấy cháu Kiên va chạm với ô tô nào - pv)”.

Bà Nghĩa thông tin thêm, ngay sau khi sự việc xảy ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu phải kiểm soát vấn đề dân chủ trong trường học.

Thậm chí, phải tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề này. Do đó, bà Nghĩa yêu cầu các Sở GD&ĐT phải thực hiện tốt hơn nữa dân chủ trong trường học.

Hà Nội: Cứ bốn tháng lại có một vụ bạo hành

Về tình trạng bạo hành trẻ, bà Nghĩa đưa ra một con số thống kê sợ bộ là hai năm gần đây, cứ 4 tháng ở Hà Nội lại có một vụ bạo hành.

Cứ có sự cố là đuổi giáo viên thì mới chỉ xử lý phần ngọn ảnh 3

Giáo viên nhóm lớp mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ chỉ bị phạt... 2,5 triệu đồng

(GDVN) - Cơ quan Công an quận Hai Bà Trưng đã tiến hành xử phạt giáo viên nhóm lớp mầm non Sen Vàng vì có hành vi bạo hành trẻ là 2,5 triệu đồng.

Còn thời gian gần đây thì liên tiếp nhiều vụ, như mới đây nhất là vụ việc xảy ra tại trường mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng).

Trước đó, trên trang mạng xã hội có đăng tải clip ghi lại hình ảnh một giáo viên trường này đã dùng dép đánh vào đầu học sinh khiến bé bật khóc.

Vụ việc đã gây bức xúc trong dư luận, sau đó nhà trường đã giải thể nhóm lớp này và gửi lời xin lỗi đến phụ huynh. Từ vụ việc trên, bà Nghĩa đặt câu hỏi, liệu đó có phải là nhà giáo không?

“Bây giờ có một cô nhân viên lên chăm sóc trẻ rồi lấy bút kẻ, lấy dép để đánh trẻ mà không phải là nhà giáo? Lấy một cái cô là sư phạm nghệ thuật thì đấy có phải là giáo viên mầm non không?

Còn Luật giáo dục quy định nhà giáo là gì, đã được thể hiện rõ trong điều 70 của Bộ luật này rồi. Chúng ta có chức danh của từng cấp học về đạo đức, phẩm chất, trình độ…”.

Bà Nghĩa nói tiếp, ngay cả cô giáo tiểu học cũng đánh học sinh rồi khi sự việc bị phát hiện thì nhà trường lại bảo là cô này đang hợp đồng thử việc.

“Khi sự việc xảy ra thì các trường tiến hành đuổi việc những người này. Như vậy, tôi nghĩ đấy chỉ là giải quyết phần ngọn. Đó không phải là giải pháp căn cơ”.

Do đó, bà Nghĩa yêu cầu các Sở giáo dục và các ngành phải tăng cường thanh tra, kiểm tra.

“Ban hành quy định rồi nhưng vẫn phải thanh tra, kiểm soát, chứ đến khi xảy ra sự cố rồi thì xử lý là muộn.

Ngay cả trách nhiệm của các Hiệu trưởng, các cơ sở giáo dục phải được quan tâm, làm rõ. Phải kiểm soát chứ đừng để xảy ra sự cố rồi đuổi giáo viên ấy là chưa tốt” bà Nghĩa cho hay.

Chia sẻ với lãnh đạo các sở, ngành, bà Nghĩa nói, cứ mỗi vấn đề xảy ra ở địa phương thì không phải địa phương làm một mình mà các Vụ, Cục (thuộc Bộ GD&ĐT) rất vất vả.

“Cứ hàng ngày điểm tin, anh em rất lo lắng, hồi hộp xem có vấn đề gì liên quan đến giáo dục ở các địa phương không?

Những trường hợp dạy thêm học thêm trái quy định chẳng hạn, hay như hôm qua ở Phú Thọ thi giải toán qua mạng internet lại thu tiền của học sinh.

Bộ rất vất vả. Nên nếu địa phương làm tốt, yên ổn thì Bộ cũng thơm lây. Chỉ cần có vấn đề nho nhỏ thôi thì Bộ cũng vất vả rồi”.

Bà Nghĩa dẫn chứng thêm, vừa rồi, một số tỉnh đưa giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông xuống dạy mầm non. Khi xảy ra bất cập thì hỏi Bộ mà đây đâu phải chủ trương của Bộ.

“Đây là do các tỉnh, thành quy hoạch, tuyển dụng không hợp lý lại bảo là chủ trương của Bộ đưa ra. Thực tế, Bộ đâu đưa ra chủ trương này mà Bộ chỉ cùng các địa phương giải quyết tình thế” bà Nghĩa lý giải.

Tấn Tài