Cuộc sống người lính đảo lay động tâm hồn thí sinh trong đề Ngữ văn

02/07/2015 13:12
Nhóm PV Giáo dục
(GDVN) - Thí sinh thi THPT quốc gia sáng nay hào hứng với môn Ngữ văn khi đề hỏi về những tình hình thực tế đang diễn ra, tuy nhiên các em đều cảm nhận đề quá dài.

Cuộc sống người lính đảo vào đề thi

Đề Ngữa văn có thời lượng 180 phút với hai mặt giấy A4 khiến nhiều thí sinh “choáng” bởi đề viết dài. Tuy nhiên khi đọc kỹ, nhiều thí sinh tỏ ra hào hứng và thích thú với cách hỏi như vậy.

Đề Ngữ văn có hai phần, phần đọc -  hiểu và phần làm văn.

Phần 1: Đọc – hiểu bao gồm 2 văn bản. Văn bản số 1 trích đoạn bài thơ Hát về một hòn đảo – Trần Đăng Khoa. Một trong những câu hỏi yêu cầu thí sinh chỉ ra: Đoạn thơ đã gợi cho anh/chị tình cảm gì đối với người lính đảo?

Văn bản số 2 nêu vấn đề: Hội chứng vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nỗi đau của người khác.

Phần làm văn, trong đó câu 3 điểm nêu: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc rèn luyện kiến thức”. 

Cuộc sống người lính đảo lay động tâm hồn thí sinh trong đề Ngữ văn ảnh 1

Ảnh minh họa. Xuân Trung

Câu 4 điểm trích đoạn Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu: “Cảm nhận của anh chị về người đàn bà làng chài trong đoạn trích. Từ đó bình luận ngắn gọn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của tác giả”.

Ghi nhận của nhóm phóng viên có mặt tại Cụm thí Đại học Thủy lợi cho biết, có nhiều thí sinh ra sớm hơn thời gian làm bài, các em đều hồ hởi.

Thí sinh Trúc Linh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đề Ngữ văn không khó nhưng khá dài, đề bám sát chương trình học. Phần nghị luận hỏi về thái độ vô cảm của con người  và tích lũy kỹ năng sống.

Đối với câu hỏi vô cảm của con người thí sinh này cho biết, em làm bài chi thành các ý, nói về cách sống của giới trẻ, cách cha mẹ dạy con, cách đối xử của cha mẹ với giới trẻ để hình thành nên cách sống và vô tình cũng có thể tạo nên sự vô cảm với những người xung quanh.

Cùng hội đồng thi, thí sinh Nguyễn Thế Dũng (Hà Nội) nhận định, câu 1 và câu 2 đề hỏi khá thú vị. Đặc biệt là câu nghị luận về rèn luyện kỹ năng sống cần thiết cũng như việc tích lũy kiến thức. Bản thân Dũng tự chấm được 90% của đề sáng nay và cảm thấy rất hài lòng.

Có cùng suy nghĩ về đề dài, thí sinh Nguyễn Đức Huy (vào Nhạc viện Hà Nội) cho hay, nhìn sơ qua thì thấy để bình thường nhưng thí sinh này không làm hết. Huy cho biết, phòng thi của em cán bộ coi thi rất nghiêm khắc.

Thí sinh nói về cách giải quyết câu “kỹ năng sống”

Phóng viên có mặt tại Cụm thi tỉnh Thái Bình cho biết, tại điểm thi Trường THCS Tân Bình, tỉnh Thái Bình thí sinh ra ngoài khá sớm.

Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Đăng Đức, học lớp A14,Trường THPT Bắc Đông Quan, Thái Bình cho biết, đề thi năm nay sắp xếp từ dễ đến khó. Đề sát và giống với đề thi minh họa của công bố trước đó. 

“Đề mở hơn, câu 2 câu nghị luận xã  hội đòi hỏi nhiều kiến thức thực tế. Em vận dụng những điều đã đọc trong sách và xem trên ti vi, em mất khoảng 45 phút. Em đoán mình được 1,5 điểm trong câu nghị luận. Câu 3 là câu em cảm thấy khó nhất. Khi cảm nhận về nhân vật người đàn bà trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, em mất gần 1 tiếng rưỡi” Đức chia sẻ.

Thí sinh Nguyễn Thị Phương Anh, học sinh trường THPT Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết, đề thi năm nay hơi dài và dễ hơn đề minh họa. 

“Em thấy bài 3 điểm về nghị luận xã hội hơi loằng ngoằng. Câu nghị luận  hội hỏi về kĩ năng sống cũng cần thiết như tích lũy kiến thức. Em vận dụng những điều trong cuộc sống, như sự giao tiếp ứng xử với mọi người. Em mất 45 phút. Phần I hơi dài nhưng cũng dễ, đề cho rõ ràng, em đoán mình 6 điểm” thí sinh này tự tin. 

Cũng tại hội đồng thi này, thí sinh Tô Thanh Hà, học sinh trường THPT Tây Tiền Hải nhận xét: “Em thấy đề thi năm nay vừa sức với bọn em, đề dễ hơn đề minh họa. Đề này em không vướng mắc gì nhiều, có thể nói là tạm ổn. Trong đề này chỉ dài thôi. Câu 5 điểm cần suy nghĩ nhiều hơn. Đó là cảm nhận người đàn bà làng chài. Câu nghị luận xã hội em áp dụng những câu chuyện về Việc tử tế của VTV1” Hà tỏ ra am hiểu.

Cuộc sống người lính đảo lay động tâm hồn thí sinh trong đề Ngữ văn ảnh 2

Tại Đại học Sư phạm Hà Nội nhiều thí sinh ra sớm môn Ngữ văn. Ảnh Minh Ngọc

Tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi kết thúc 180 phút buổi thi nhiều thí sinh ra về với nhưng tâm trạng rất khác nhau. 

Em Vũ Phương Anh, trường THPT Trần Phú cho biết : “ Em là dân khối B nên rất ngại những môn học thuộc như môn văn, nhưng trong đề thi năm nay lại có sự đổi mới tích cực đó là đề thi không bắt sinh viên học thuộc  mà là vận dụng nhiều những kiến thức hiểu biết xã hội. 

Em thấy câu hỏi nghị luận xã hội cũng là một câu hỏi khá thú vị liên quan mật thiết đến kỹ năng sống và tích lũy kiến thức rất cần cho thế hệ trẻ như chúng em. Em thấy liên hệ được bản thân rất nhiều. Em nghĩ em đã hoàn thiện khá tốt bài thi lần này".

Cũng trong một tâm trạng khá phấn khởi khi kết thúc môn thi văn em Phùng Tân Cương -THPT Chuyên Vĩnh Phúc chia sẻ: “ Đề thi năm nay thật sự rất thú vị. Em thấy đề bài yêu cầu sự hiểu biết và cách nhìn nhận cuộc sống đa chiều chứ không nặng nề quá nhiều về những kiến thức sách vở sáo rỗng. 

Câu hỏi đề thi văn học có sự liên hệ mật thiết với những vấn đề của cuộc sống như tình yêu biển đảo quê hương, sự vô cảm trong mỗi con người hay tích lũy kiến thức và kĩ năng sống của các bạn trẻ hiện nay. Em nghĩ đây mà một cách ra đề thi khá hay".

Đánh giá về phần thi của mình, em Tạ Lan Anh THPT Bình Xuyên ( Vĩnh Phúc) nói: “Em nghĩ mình hoàn thiện được hơn 90% bài thi. Đề bài môn văn đề cập đến những vấn đề xã hội đáng quan tâm. Đề thi năm nay sát với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra trước đó nên em nghĩ mình sẽ được khoảng 6-7 điểm”.

Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, rất nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi sớm. Theo nhận định của các thí sinh đề Văn năm nay rất sát với chương trình học, vừa sức với các em. 

Thí sinh Vũ Thu Thủy, học sinh trường THPT Mỹ Tho( Nam Định) cho biết: “ Em làm được khoảng 8 mặt giấy, riêng câu nghị luận xã hội em làm được 2 trang, em thấy đề hơi dài chút nên bài chưa được sâu sắc, em thích câu nghị luận xã hội nói lên cảm nghĩ của mình về người lính biển đảo, câu đó đề chỉ yêu cầu từ 5-7 dòng nhưng em rất muốn viết dài thêm nữa”.

Cùng hội đồng thi và cùng trường với Thủy là Nguyễn Văn Thiện, em chia sẻ: “ Tất cả những câu hỏi nghị luận xã hội năm nay đều rất hay, rất thời sự và phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, từ vấn đề nạn bạo lực, bệnh vô cảm, đến bày tỏ tình cảm của mình với những người lính đảo và việc rèn luyện kĩ năng sống, đều là những vấn đề mà mọi người đang quan tâm.

Đặc biệt câu về nạn bạo lực em làm khá tốt, em vì trước đó em đã tham khảo rất nhiều bài viết hay trên mạng về vấn đề này, nên em khá tự tin vào bài làm của mình.”

Thí sinh Vũ Phương Lan, trường THPT Ngô Quyền (Nam Định) cũng cho biết thêm: “ Đề Văn năm nay các bạn trung bình cũng có thể dễ dàng đạt được điểm 5,6. Các bạn khá thì có thể đạt 7,8 điểm, em thấy các bạn phòng em đều viết rất tốt, rất nhiều bạn xin thêm giấy thi, bản thân em trong 3 môn đã thi thì em thấy môn Văn em làm tốt nhất. Đề nghị luận xã hội khá hay, và hấp dẫn các bạn, vì vậy em nghĩ môn Văn không khó để các bạn vượt qua”.

Đề Ngữ văn theo hướng mở nhưng không khó

Theo nhận xét của các giáo viên Ngữ văn (Tuyensinh247) thi nhìn chung, nội dung đề thi THPT Quốc gia năm nay đi vào những vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với con người và cuộc sống hiện đại nhất là với giới trẻ. Hình thức đề có hơi khác so với đề minh họa của của Bộ Giáo dục và  Đào tạo.

Cụ thể là :
Nếu trong đề minh họa, câu 2 phần làm văn là dạng bài so sánh thì ở đề thi chính thức là phân tích nhân vật và bình luận về cách nhìn con người và cuộc sống qua một đoạn văn cụ thể.

Phần đọc hiểu đoạn thơ trong bài “Hát về một hòn đảo” của Trần Đăng Khoa vừa mang tính thời sự, vừa khơi gợi tình yêu Tổ quốc để học sinh không chỉ cảm nhận đoạn thơ mà còn có cơ hội bộc lộ tình yêu đối với những người lính đảo; niềm tự hào về vẻ đẹp của biển đảo quê hương. 

Chính câu hỏi đã khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc. Đặc biệt, câu 4 của phần đọc hiểu còn có “đất” cho thí sinh phát biểu cảm tưởng của bản thân với vấn đề có tầm vóc lớn lao thuộc chính sự. 

Phần đọc hiểu đoạn văn trích trong “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” đã bàn về một vấn đề đang được cả xã hội quan tâm: đó là hội chứng vô cảm, sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn của con người trong xã hội hiện đại.

Phần làm văn: Câu nghị luận xã hội cũng đi vào  vấn đề rèn luyện kĩ năng sống là vấn đề rất thiết thực với học sinh nên không quá khó, học sinh sẽ dễ dàng bày tỏ quan điểm của cá nhân.

Câu nghị luận văn học có trích dẫn đoạn văn nên không gây khó khăn cho học sinh, không cần phải nhớ máy móc kiến thức vẫn có thể làm được.

Tóm lại, theo nhận định của chúng tôi, đề thi năm nay theo hướng mở, hay nhưng không khó, không đánh đố học sinh; giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh, không yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng, phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia đầu tiên theo hướng đổi mới kiểm tra đánh giá của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Nhóm PV Giáo dục