ĐHQG HN “bật mí” cấu trúc bài thi tuyển theo năng lực năm 2014

10/03/2014 05:57
Xuân Trung
(GDVN) - Lãnh đạo ĐHQG HN cho biết, năm 2014 ĐHQGHN triển khai thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức đánh giá năng lực.

Thực hiện chủ trương Đổi mới tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, ĐHQG HN bắt đầu triển khai đổi mới tuyển sinh đại học chính quy theo phương thức đánh giá năng lực, thí điểm đối với các chương trình đào tạo:

chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế (nhiệm vụ chiến lược). Các chương trình đào tạo chuẩn sẽ xem xét, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2015. 

Theo đó, năm 2014, ĐHQG HN vẫn tổ chức thi 3 chung theo quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh trúng tuyển sau khi đã nhập học vào các ngành đào tạo của ĐHQG HN sẽ được tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chung để chọn vào học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014 sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014 sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa

Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến: thí sinh sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện bậc trung học phổ thông, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT).

Đối với chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế: thí sinh sẽ tham dự bài thi đánh giá năng lực chung, ngoại ngữ và xét hồ sơ (kết quả học tập, rèn luyện bậc trung học phổ thông, kết quả kỳ thi tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT).

Tùy thuộc vào điều kiện và yêu cầu của chương trình đào tạo, các trường, khoa có thể quy định thêm việc kiểm tra ngoại ngữ đối với thí sinh dự thi vào chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến. 

Bên cạnh đó, ĐHQG HN cũng đã xây dựng một dự thảo ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đánh giá năng lực học tập để phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học.

Cụ thể, đặc tính của bài thi sẽ mô tả cấu trúc chung bài thi nhằm đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết cho người vào học đại học là tư duy logic, tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề.

Tổng thời gian thực hiện bài thi là 195 phút (3 giờ 15 phút), không tính thời gian nghỉ giữa các phần (nếu có). Bộ Test bao gồm 6 phần nhỏ (section), trong đó 3 phần cho nội dung đánh giá Lập luận định tính và 3 phần cho nội dung đánh giá Lập luận định lượng.

Dẫn chứng cụ thể của một dạng này sẽ tập trung đánh gía về viết phân tích lập luận: Lĩnh vực được đề cập trong các câu hỏi là Khoa học xã hội/ Nghị luận xã hội, Lịch sử, địa lí, , văn học, du lịch, khoa học đời sống, sinh học.

Song song với tự luận sẽ có thêm phần trắc nghiệm locgic với thời gian 30 phút, phần này theo đánh giá sẽ kiểm tra tư duy logic, tư duy sáng tạo và Giải quyết vấn đề với các cấp độ hiểu, phân tích, tổng hợp và đánh giá vấn đề…

Đối với môn chuyên biệt trong việc đánh giá năng lực, theo ĐHQG HN dự kiến các môn chuyên biệt sử dụng kiến thức thuộc các lĩnh vực chuyên môn như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử và Ngoại ngữ.

Mục đích của các bài thi này là đánh giá các năng lực chuyên biệt của ứng viên sử dụng những kiến thức trong các lĩnh vực kể trên. Kết quả đánh giá này sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng để tuyển chọn những người sẽ vào học đại học tại Việt Nam.

Đối với các môn Toán học, Ngữ Văn, Lịch sử, bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ có dạng trắc nghiệm tự luận. Thời lượng các bài thi này sẽ là 120 phút.

Đối với bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt này, các câu hỏi thi sẽ bao gồm nhiều ý nhỏ được tính điểm. Phân bổ theo mức độ khó; 30%, dễ; 20% và trung bình; 50%. 

Xuân Trung