Đã đến lúc Hội cha mẹ học sinh phát huy vai trò

17/03/2019 08:14
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhà trường có Hội cha mẹ học sinh, lớp có chi hội, phụ huynh cần họp lại để cắt cử người thay phiên nhau để cùng vào bếp, cùng thưởng thức bữa ăn của trẻ.

Trước thông tin 2 trẻ bị nhiễm sán lợn, khoảng 400 trẻ ra Hà Nội làm xét nghiệm, kết quả có thêm khoảng 47 trẻ dương tính đều học Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) làm không ít người giật mình, sửng sốt.

Nhiều phụ huynh bức xúc kéo đến cổng Trường mầm non Thanh Khương để nói về chuyện con em họ đi học ăn phải thịt lợn nghi nhiễm sán gạo. Ảnh: Vũ Phương.
Nhiều phụ huynh bức xúc kéo đến cổng Trường mầm non Thanh Khương để nói về chuyện con em họ đi học ăn phải thịt lợn nghi nhiễm sán gạo. Ảnh: Vũ Phương.

Có lẽ đây chưa phải là con số học sinh nhiễm sán lợn cuối cùng.

Một số phụ huynh có con học tại những trường học do Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Hương Thành cung cấp thức ăn cũng đang ngồi trên đống lửa vì sợ rằng những đứa con của mình cũng sẽ bị nhiễm bệnh như một số học sinh Trường Mầm non Thanh Khương.

Và hàng trăm, hàng nghìn những bếp ăn bán trú cho học sinh khắp mọi miền đất nước, liệu có tình trạng thực phẩm bẩn bị tuồn vào bếp ăn khiến những đứa trẻ con vô tội phải mang bệnh vào người?

Khó mà khẳng định rằng không có, nhưng nếu nói có thì bằng chứng đâu để người nghe thuyết phục?

Chỉ biết rằng để có “một chân” cung cấp bữa ăn trong trường học nào đó hiện nay cũng chẳng dễ dàng gì.

Có 2 cách phổ biến để trở thành nhà cung cấp bữa ăn cho học sinh trong trường

Thứ nhất: Thông báo và công khai đấu thầu

Thứ hai: Trúng thầu theo kiểu chỉ định thầu.

Đã đến lúc Hội cha mẹ học sinh phát huy vai trò ảnh 2

Liên minh "ma quỷ" trong bếp ăn các trường học (1)

Một người bà con có thâm niên cung cấp suất ăn cho một số trường học nói rằng:

“Cách nào thì nhà thầu cũng phải bỏ ra một số tiền không nhỏ mới đắc thầu”.

Với cách đấu thầu công khai, dù nhà trường có đưa giá thầu ở mức vừa phải nhưng do sự cạnh tranh, các nhà thầu sẽ thi nhau bỏ tiền thầu khá cao để giành chiến thắng.

Khi thắng rồi, cũng đâu có thể bình yên để làm ăn.

Ngoài mức tiền phí cố định phải đóng hàng năm cho nhà trường thì nhà thầu phải đi thêm "cửa sau” cho hiệu trưởng bằng một số phần trăm gọi là giữ chân.

Bởi nếu không thế, vài ba năm nhà trường sẽ tổ chức bỏ thầu một lần thì số tiền phí bỏ ra lại gấp lên nhiều lần như vậy.  

Vậy là, một suất ăn của trẻ ngoài những chi phí bắt buộc như lương của người phục vụ, lãi của nhà thầu, phí nguyên vật liệu, khấu hao tài sản còn phải cõng phí đấu thầu cao do cạnh tranh, phí bôi trơn cho cán bộ để giữ thầu… thì còn đâu là chất lượng?

Với cách trúng thầu theo chỉ định thì trước đó nhà thầu đã “đi tắt” qua nhiều cửa ải từ phòng giáo dục xuống đến hiệu trưởng nhà trường.

Một số nhà thầu tiết lộ, phần trăm bỏ ra cho những cửa ải này cũng không hề ít, thấp nhất cũng 15%, nhiều lên đến 20% trên tổng doanh thu.

Số tiền chi phí dùng “bôi trơn” các cửa ải đương nhiên nhà thầu không thể bỏ tiền lãi của mình ra mà bắt từng khẩu phần ăn của học trò gánh chịu.

Chi phí bỏ ra lớn, tiền học trò nộp lại không nhiều. Vậy muốn mua thực phẩm tươi sống, đảm bảo chất lượng liệu có mua nổi không?

Một người bạn đã nhiều năm cung cấp bữa ăn cho một số trường học nói rằng làm kinh doanh, có lãi họ mới làm. Ai chẳng muốn đồ ăn cho con cháu mình đảm bảo chất lượng nhưng chi phí bỏ ra trước đó lại quá lớn thì biết phải làm sao?

Phụ huynh sẽ làm gì để bảo vệ con mình đây?

Chất lượng từng bữa ăn của trẻ ở trường gần như thả nổi cho nhà trường.

Đã đến lúc Hội cha mẹ học sinh phát huy vai trò ảnh 3

Công ty Hương Thành bị nghi bán thịt có sán, gà thối đang cung cấp cho 19 trường

Giáo viên hằng ngày cho các em ăn, nhiều người cho biết chỉ nhìn vào cách chế biến các món ăn, nhìn vào bữa ăn của học sinh cũng biết được chất lượng ở mức nào.

Thế nhưng, thầy cô phần lớn “câm nín” vì cũng sợ nói ra lại mang vạ vào thân.

Còn nỗi đau, sự phẫn uất nào hơn thế? Chính trong môi trường giáo dục, nơi dạy chữ, dạy người lại trở nên bất an và mất an toàn như vậy?

Dù những bữa ăn học đường đã trở nên không an toàn nhưng phụ huynh cũng không thể cho con ở nhà hay không ăn bán trú.

Chẳng thể trông chờ vào nhà trường, chính phụ huynh cần phải có cách bảo vệ con cái mình.

Nhưng bảo vệ bằng cách nào? Có người nói vui, trông chờ vào lương tâm và trách nhiệm người đứng đầu không ăn hoa hồng rất khó. Phải tự mình bảo vệ con cái mình thôi.

Đây là lúc, Hội cha mẹ học sinh nhà trường cần phát huy vai trò của mình.

Từng lớp cũng có chi hội của lớp, thế nên Hội cha mẹ học sinh cần họp lại để cắt cử người thay phiên nhau để cùng vào bếp, cùng thưởng thức món ăn của con ở trường.

Thiết nghĩ với việc giám sát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, khâu chế biến thế này thì tình trạng thực phẩm bẩn cũng sẽ hạn chế xuất hiện trong các khẩu phần ăn của trẻ.

Phan Tuyết