Xung quạnh việc tôn vinh nhà giáo Chu Văn An:

Đã đến lúc cần có một chuẩn mực về danh nhân

07/12/2011 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - "Từ đề xuất của TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho ta thấy đã đến lúc cần có một chuẩn mực về danh nhân" - Nhà sử học Dương Trung Quốc, TTK Hội KHLS Việt Nam.
Ông  Dương Trung Quốc Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, đó là một kiến nghị hay nhưng khó thành hiện thực.
Ông Dương Trung Quốc cho biết, nhìn về tổng thể kiến nghị của TS Hùng rất có ý nghĩa, bản thân ông cũng hết lòng ủng hộ sáng kiến này nhưng xét về điều kiện hiện tại, kiến nghị đó khó trở thành hiện thực do Nhà nước ta chưa có công nhận về mặt pháp lý. 
Tượng vạn thế sư biểu Chu Văn An trong Văn Miếu.
Tượng vạn thế sư biểu Chu Văn An trong Văn Miếu.
Theo ông Dương Trung Quốc, nhà giáo Chu Văn An đã từ lâu đi vào tâm thức của mọi người, đây là một trong những nhà giáo tiêu biểu của nền giáo dục nước nhà. Đã có những hình thức tôn vinh trước đó chứ không hẳn bây giờ mới đề xuất, ngay tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đã coi Chu Văn An là người tiêu biểu cho nền Nho học nước nhà, ông cũng là người nổi tiếng với bản lĩnh tiết tháo.

“Tôi chỉ băn khoăn từ trước tới nay Nhà nước ta chưa từng có sự công nhận nào về mặt pháp lý, gần đây tôi được biết Nhà nước đang xây dựng một hệ thống chuẩn mực cho hình tượng các anh hùng dân tộc. Còn danh nhân thì chưa có một chuẩn mực nào, thế cho nên từ “danh nhân” là hoàn toàn do tâm thức của người dân đặt cho. Vì vậy kiến nghị Nhà nước chính thức tôn vinh Nhà giáo Chu Văn An là thầy giáo mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam, tôi thấy chưa có cơ sở pháp lý nào cả” ông Dương Trung Quốc nhận định.
Tuy vậy, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, khi kiến nghị này được đưa ra sẽ được xã hội đồng thuận về mặt tinh thần  nhưng khó thực hiện vì không dễ để ra văn bản và văn bản này sẽ nằm trong hệ thống nào? 

“Vấn đề này có thể Chính phủ tán thành về nguyên tắc rồi giao cho Bộ Giáo dục, nhưng để có một danh xưng chính thức thì rất khó vì nó không nằm trong hệ thống nào cả. Từ đề xuất của TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho ta thấy đã đến lúc cần có một chuẩn mực về danh nhân do một tổ chức xã hội nghề nghiệp hay do Nhà nước công nhận chính thức” ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, khi kiến nghị này được đưa ra sẽ được xã hội đồng thuận về mặt tinh thần nhưng khó thực hiện vì không dễ để ra văn bản vì văn bản này sẽ nằm trong hệ thống nào? Ảnh Xuân Trung
Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, khi kiến nghị này được đưa ra sẽ được xã hội đồng thuận về mặt tinh thần nhưng khó thực hiện vì không dễ để ra văn bản vì văn bản này sẽ nằm trong hệ thống nào? Ảnh Xuân Trung
Trong kiến nghị của TS sử học Nguyễn Mạnh Hùng có nêu ra 6 đề xuất phải làm, một trong những đề xuất đó là việc Nhà nước thành lập giải thưởng giáo dục Chu Văn An dành cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người và các nhà nghiên cứu có công trình khoa học tác động tích cực đến sự phát triển giáo dục nước nhà.

Về ý kiến này, ông Dương Trung Quốc chia sẻ, việc thành lập một giải thưởng mang tên Chu Văn An là tốt nhưng đưa thành giải thưởng mang cấp nhà nước thì lại không nằm trong hệ thống luật.

Việc kiến nghị đặt tượng Chu Văn An tại sân Bộ Giáo dục và các đơn vị Sở, trường sư phạm theo quan điểm của ông Dương Trung Quốc là không nên bắt buộc, mà trên tinh thần tự nguyện từ các đơn vị giáo dục. 
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, mỗi năm đến ngày 20/11 chúng ta nên khuyến khích nhân dân đến thăm và thắp hương thầy Chu Văn An ở những nơi có tượng  như trường Chu Văn An, Văn Miếu hay trên núi Chí Linh (Hải Dương). Điều đó cũng đã thể hiện sự tôn vinh người thầy Chu Văn An chứ không nhất thiết phải hình thức, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh tới tính tự nguyện chứ không nên bắt buộc, để rồi tìm sự đồng thuận chung và có những giải pháp phù hợp hơn.
Trước đó, TS sử học Nguyễn Mạnh Hùng Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng cùng các cơ quan chức năng đề xuất chính thức tôn vinh nhà giáo Chu Văn An là người thầy mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam.

Ngay sau khi đề nghị được gửi tới Bộ Nội vụ, cơ quan này đã có văn bản từ chối kiến nghị trên với nội dung: “Hiện nay, để tôn vinh các nhà giáo, Luật thi đua khen thưởng chỉ quy định 2 hình thức phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” và “Nhà giáo ưu tú”… Nhà giáo Chu Văn An đã được các thế hệ người dân Việt Nam tôn vinh là người thầy mẫu mực, nếu có một hình thức cụ thể nào đó để ghi nhận công lao của những người đã đi vào lịch sử dân tộc, sẽ không bao quát được tính  tôn vinh của nhà giáo Chu Văn An”.

Vấn đề mà xã hội đang quan tâm hiện nay là: Việc viện dẫn Luật thi đua khen thưởng để áp vào trường hợp Nhà giáo Chu Văn An thì có hợp lý không? Hay nói như ông Dương Trung Quốc: "Đã đến lúc cần có một chuẩn mực về danh nhân do một tổ chức xã hội nghề nghiệp hay do Nhà nước công nhận chính thức."
Sáu kiến nghị của TS Nguyễn Mạnh Hùng

Kiến nghị Nhà nước thành lập giải thưởng giáo dục Chu Văn An dành cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người và các nhà nghiên cứu có công trình khoa học tác động tích cực đến sự phát triển giáo dục nước nhà.  Lễ trao giải nên được tổ chức ngay tại đền thờ Chu Văn An cứ 2 – 3 năm/ 1 lần.
Kiến nghị đặt tượng Thầy Chu Văn An tại sân Bộ Giáo dục – Đào tạo, các Sở Giáo dục – Đào tạo, các Trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm, Trung học Sư phạm, các Viện nghiên cứu giáo dục, các trường học mang tên Chu Văn An trên toàn quốc  (nơi có sân để đặt tượng và hiện chưa có tượng).
Kiến nghị hình thành nghi thức sinh viên các trường sư phạm dâng hương và tuyên thệ trước tượng Thầy Chu Văn An khi mới vào trường và lúc tốt nghiệp ra trường.
Kiến nghị đặt tượng (hoặc hình ảnh kèm tiểu sử) Chu Văn An tại phòng truyền thống các trường học không mang tên danh nhân ( như Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM, Đại học Hồng Bàng, THPT Phú Nhuận…) (nơi có phòng truyền thống).
Tổ chức dâng hương tưởng niệm vào ngày kị Thầy Chu Văn An  vào ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm tại các cơ sở đặt tượng ( hoặc hình ảnh) Chu Văn An.
Ngành giáo dục tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Thầy Chu Văn An vào các năm chẵn.
 
Xuân Trung