Đại biểu Quốc hội đề nghị thận trọng khi giảm biên chế giáo dục và y tế

31/10/2017 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Cao Đình Thưởng nêu vấn đề này tại phiên thảo luận thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016.

Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, công cuộc đổi mới và cải cách bộ máy hiện nay phải được thực hiện đồng bộ, tổng thể của cả hệ thống chính trị mà trước hết là bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và cả lực lượng vũ trang chứ không chỉ bộ máy hành chính nhà nước. 

Để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, theo tôi phải đổi mới từ cấp trên, từ Trung ương và bộ ngành thay vì bắt đầu từ cơ sở như cách làm của chúng ta lâu nay. Như vậy mới có tính mục tiêu và định hướng để cấp dưới có căn cứ thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng đề nghị thận trọng khi giảm biên chế giáo dục và y tế. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng đề nghị thận trọng khi giảm biên chế giáo dục và y tế. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Đồng thời, Đại biểu Thưởng bày tỏ băn khoăn khi thực hiện tinh giản biên chế thì lĩnh vực giáo dục và y tế thực hiện thế nào?

Hiện nay, định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, định mức biên chế cho sự nghiệp, các cơ sở y tế Nhà nước phụ thuộc vào quy mô trường lớp và quy mô giường bệnh trong khi biên chế viên chức ở nhiều địa phương chiếm tỷ lệ rất lớn, Phú Thọ là 94,2%.

Hiện nay, Phú Thọ thiếu 4.624 biên chế giáo viên, 737 biên chế sự nghiệp y tế so với định mức giao sau khi nghiên cứu rất kỹ. Cho nên việc ấn định tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp từ năm 2015 đến năm 2021 sẽ khó thực hiện cho địa phương. 

Đại biểu Thưởng nêu thí dụ, tại Phú Thọ cứ 4 cháu mầm non dưới 3 tuổi thì có 3 cháu không được đến nhà trẻ, nhóm trẻ hoặc ở tiểu học rất nhiều trường sĩ số đã đội lên con số trên 50 học sinh/lớp, thậm chí trên 55 học sinh/lớp. 

“Điều này là rất bất cập, trong khi đó chúng ta đang thiếu giáo viên.  Vì vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu tỷ lệ tinh giản đối với đối tượng được tinh giản, các thành phần khác cho phù hợp nhất là đối với sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp y tế”, ông Thường kiến nghị. 

Đại biểu Quốc hội đề nghị thận trọng khi giảm biên chế giáo dục và y tế ảnh 2

Bộ trưởng Nhạ đang thuyết phục các bộ ngành cải thiện mức lương cho thầy cô

Mặt khác, một trong những bất cập khó khăn của việc tinh giản biên chế đó là công tác đánh giá, phân loại cán bộ chưa sát thực chất nên không có cơ sở đưa vào diện tinh giản biên chế để cho thôi việc, hưởng chế độ chính sách;

Số đối tượng thuộc diện tinh giản thực chất phần lớn là những cán bộ công chức sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi nghỉ hưu. 

“Về vấn đề này tôi đề nghị cần đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ, đồng thời rà soát công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức để tránh việc ngồi nhầm chỗ, tuyển nhầm người. 

Nếu theo lộ trình đến năm 2030 chúng ta phải giảm tối thiểu 30% so với hiện nay thì nhiều vấn đề đặt ra trong đó có việc cho ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ đi đôi với việc tuyển chọn bổ sung cán bộ trẻ, có đức, có tài vào cơ quan nhà nước. 

Còn nếu chỉ giảm mà không tuyển dụng mới thì phải xem xét lại công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục hiện nay xem để tồn tại như thế nào. Nếu cứ đào tạo ồ ạt như hiện nay sẽ tạo ra sự lãng phí rất lớn, sinh viên sẽ đi đâu, về đâu sau khi ra trường”, ông Thưởng phân tích.

Đại biểu Thưởng cũng lưu ý việc thí điểm thực hiện hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như thanh tra và kiểm tra tổ chức nội vụ văn phòng… thành một đầu mối cần phải được luật hóa để tránh chồng chéo, nhầm lẫn nhiệm vụ, bao biện làm thay hoặc lấn sân nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Phải tinh gọn thực chất tránh tình trạng như trước đây điều mà dân gian hay nói "tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối đi". 

Cuối cùng, song song với việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tinh giản biên chế thì điều cần tiếp tục nghiên cứu cải cách chế độ chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, người lao động là việc rất quan trọng. 

Mức lương tối thiểu hiện nay chưa tạo động lực, nhất là đối với người có trình độ năng lực chuyên môn chuyên tâm gắn bó cống hiến với công việc.

Ngọc Quang