Đại học Luật đình chỉ sinh viên vì photo giáo trình là chưa thấu tình đạt lý

15/02/2017 07:17
Dương Thanh Hương
(GDVN) - Việc sinh viên photo giáo trình đưa vào trường, xét về lý thì không thuộc hành vi chịu mức phạt đình chỉ học tập, còn về tình thì không mang tính giáo dục.

 LTS: Sau khi em NTNA. sinh viên năm hai khoa Luật dân sự khóa 40 bị Đại học Luật TP.HCM đình chỉ một năm học vì mang 8 cuốn giáo trình photo vào trường thì đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Có quan điểm cho rằng, việc xử lý như trên là đúng quy định vì "không thể chấp nhận sinh viên luật mà vi phạm pháp luật".

Ngược lại, nhiều người nói việc xử như trên là quá nặng, không đúng luật, không mang tính giáo dục và thiếu nhân văn.

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam gửi đến bạn đọc bài viết của cô Dương Thanh Hương - một giảng viên dạy luật- về vấn đề này.

Luật không quy định photo giáo trình sẽ bị đình chỉ

Tháng 10/2016 Bộ GD&ĐT ra thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016 ban hành quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy.

Quyết định kỷ luật sinh viên NTNA. của Trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: plo.vn
Quyết định kỷ luật sinh viên NTNA. của Trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: plo.vn

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 23/5/2016. Và trong tổng cộng 6 chương, 23 điều của thông tư không hề quy định nếu sinh viên có hành vi photo giáo trình sẽ bị xử lý cho thôi học hay đình chỉ có thời hạn.

Đây là cơ sở pháp lý quy định những hành vi bị cấm và việc xử lý kỷ luật đối với sinh viên chính quy.

Sinh viên bị đình chỉ thi, hủy kết quả vì chậm học phí

Sinh viên bị đình chỉ thi, hủy kết quả vì chậm học phí

Nội quy của nhà trường cũng được xem là cơ sở pháp lý nhưng không được trái hay vượt quá quy định của thông tư này.

Tại điều 9 của thông tư này đã quy định hình thức kỷ luật và nội quy vi phạm như sau:

1. Những sinh viên có hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm có thể được nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

a) Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ nhẹ;

b) Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi vi phạm có tính chất thường xuyên hoặc mới vi phạm lần đầu nhưng mức độ tương đối nghiêm trọng;

c) Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm; sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quy chế đào tạo để quyết định thời hạn đình chỉ học tập theo các mức: đình chỉ một học kỳ, đình chỉ một năm học hoặc đình chỉ theo thời gian sinh viên bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

d) Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục đại học và xã hội; vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.

2. Hình thức kỷ luật của sinh viên từ cảnh cáo trở lên phải được lưu vào hồ sơ quản lý sinh viên và thông báo cho gia đình sinh viên.

Trường hợp sinh viên bị kỷ luật mức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học, cơ sở giáo dục đại học phải gửi thông báo cho địa phương và gia đình sinh viên biết để phối hợp quản lý, giáo dục.

3. Nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định Phụ lục kèm theo Quy chế này.

Ở đây sinh viên NTNA. không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cảnh cáo, cũng không phải đang bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Như vậy, có chăng lãnh đạo trường Đại học Luật TP.HCM đang xếp hành vi này thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm.

Vậy như thế nào được xem là vi phạm nghiêm trọng?

Thiết nghĩ, các hành vi vi phạm nghiêm trọng phải là những hành vi gây nguy hiểm, bất an cho xã hội.

Mà nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề trật tự, trị an trên địa bàn.

Và thực tế hành vi sao chép tám cuốn giáo trình đã tương xứng với mức độ nguy hiểm đó chưa?

Các nhà làm luật và các cơ sở đào tạo luật ắt hẳn biết rất rõ, mọi hành vi vi phạm đều được phân loại mức độ vi phạm như thế nào: giản đơn, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng?

Và liệu rằng, ở một hành vi vi phạm với số lượng tính bằng đơn vị (8 cuốn) như vậy thì có được xem là nghiêm trọng hay không?

Ở một góc độ khác, bản thân nhà trường nếu cho rằng hành vi của sinh viên A. là vi phạm bản quyền (quyền sở hữu trí tuệ) thì đây là quan hệ pháp luật được quy định trong Bộ luật dân sự và Tố tụng dân sự.

Tức là nhà trường phải khởi kiện ra tòa án. Trên cơ sở đó, Tòa xem xét và ra phán quyết.

Lúc đó, mức phạt khi vi phạm bản quyền cũng phải tuân thủ theo luật chứ không phải theo quy định nội bộ của trường (Luật Sở hữu trí tuệ chỉ xử phạt vi phạm bằng tiền).

Những người cầm cán cân công lý cũng phải cân đối lý và tình

Xét về góc độ tình cảm thì hình thức xử phạt của lãnh đạo trường Đại học Luật TP.HCM là thiếu tính nhân văn.

Buộc sinh viên thôi học, chuyện bình thường thôi

Buộc sinh viên thôi học, chuyện bình thường thôi

Bản thân trường phải xem xét lý do và mục đích của việc photo 8 cuốn giáo trình này là gì, trước khi đưa ra hình thức xử phạt như vậy.

Trong bản tưởng trình của sinh viên A. mà các báo đã đưa có nêu: “lúc 12h30 ngày 11-1, em có đem sách photo vào trong trường và bị bảo vệ bắt lại.

Em đem tổng cộng 11 quyển, trong đó 3 quyển sách của trường và 8 cuốn sách photo.

Em đem vào trường với mục đích đưa lại cho em của em, không nhằm mục đích kinh doanh.

Em cho lại sách để em của em tham khảo ở nhà…

…Khi mới vào trường, em không quen biết các anh chị khóa trên nên việc mua lại sách cũ của các anh chị rất khó

và vì muốn giảm bớt tiền, cũng như giảm gánh nặng cho gia đình nên từ học kỳ 1 năm hai em đã sử dụng sách photo...”

Từ đó cô sinh viên này mong quý thầy cô hiểu và thông cảm.

Ở đây, nhà trường cần phải xem xét đến thái độ, lý do và mục đích có đúng như A. tường trình hay không?

Thực tế, hoàn cảnh của nhiều sinh viên rất khó khăn và hiện tượng photo giáo trình không phải là hiếm.

Thời tôi đi học cũng vậy. Thay vì phải bỏ ra một số tiền lớn để mua giáo trình thì cả lớp cùng mang sách gốc đi photo với giá rẻ hơn.

Sinh viên vừa đảm bảo có tài liệu học tập vừa giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.

Quay lại vấn đề đình chỉ học đối với sinh viên này, lãnh đạo Đại học Luật TP.HCM cho rằng, cần phải phạt nghiêm để nâng cao ý thức thực thi pháp luật của sinh viên khi còn đang ngồi ghế nhà trường.

Nếu hiểu và phân tích một cách máy móc, rập khuôn như vậy thì nhà trường dễ đào tạo ra những người cầm giữ cán cân công lý thiếu tình người.

Bởi trước khi dạy luật phải là dạy nhân cách con người. Bên cạnh cái lý, còn có cái tình.

Pháp luật được tạo ra để đảm bảo tính giáo dục và làm cho xã hội tốt lên, an toàn hơn, chứ không phải để trừng trị.

Thêm vào đó, người học luật không chỉ để thực thi pháp luật mà còn kiến tạo, cải cách.

Bởi pháp luật không phải lúc nào cũng đúng và phù hợp với mọi hoàn cảnh.

Dương Thanh Hương