Đại học: Vào cũng dễ, ra chẳng khó khăn, vậy chất lượng ở đâu?

01/07/2017 07:16
Phan Tuyết
(GDVN) - Tới lúc, vào đại học cũng dễ mà tốt nghiệp đại học cũng chẳng khó khăn thì tình trạng “phổ cập đại học” toàn dân như một số người lo sợ còn đáng buồn hơn nữa.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta, nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ quy định về điểm sàn xét tuyển “lẽ ra giáo dục đại học phải siết chặt đầu ra, sàng lọc quá trình đào tạo thì chúng ta lại chỉ chăm chăm quản lý đầu vào”.

Học thì lười, làm thì dở, đứng núi nọ trông núi kia, thất nghiệp còn kêu ai?

Chuyện mở đầu vào, siết chặt đầu ra trong giáo dục đại học đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của họ được kiểm soát, sinh viên ra trường có kiến thức, chuyên môn vững vàng.

Nếu giáo dục đại học của chúng ta cũng mở cửa đầu vào và siết chặt đầu ra, liệu có đảm bảo sẽ làm một cách nghiêm túc như một số nước đang làm không, hay chúng ta lại tạo điều kiện cho một số người có cơ hội làm những việc khuất tất để hưởng lợi?

Ở bài viết này, xin được kể một số câu chuyện về giáo dục đại học bên xứ người và ngay chính quê hương mình để người đọc có cái nhìn toàn diện và câu trả lời nên hay không thuộc về mỗi chúng ta. 

Hình ảnh thí sinh đăng kí nộp hồ sơ vào trường đại học. (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh thí sinh đăng kí nộp hồ sơ vào trường đại học. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Chuyện học đại học nơi xứ người

Người chị họ của tôi vốn tốt nghiệp một trường đại học trong nước nhưng vì theo chồng qua Mỹ sinh sống, muốn có công việc ổn định nên chị phải đăng kí học ở một trường đại học tại Mỹ. 

Do, bằng tốt nghiệp đại học của nước ta không được họ công nhận nên chị phải học lại từ đầu. Chị nói: đăng kí học quá dễ nhưng tốt nghiệp ra trường lại rất khó. Những kỳ thi diễn ra vô cùng nghiêm túc, nếu bản thân không vận động sẽ chẳng có cách nào qua được. 

Qua tìm hiểu, chị thấy có nhiều sinh viên học tới 6, 7 năm nhưng vẫn chưa thể tốt nghiệp vì không qua được các kỳ thi sát hạch, thi kiểm tra, thi tốt nghiệp. Ngược lại, có sinh viên mới chỉ học 3 năm nhưng đã đủ điều kiện ra trường. Bởi vậy, chị phải học ngày, học đêm vì không có cách nào khác. 

Với sự cố gắng, nỗ lực hết mình của bản thân 4 năm sau chị mới cầm được tấm bằng đại học. Chị nói: “so với những năm tháng học đại học ở quê nhà thì 4 năm học bên này công sức phải bỏ ra nhiều gấp hàng chục lần như thế”.

Chuyện học đại học xứ mình

Không ít sinh viên đại học của ta nói rằng: “sướng như học đại học”. Bởi, thích thì lên giảng đường nghe, không thích thì ở nhà đi chơi, đi làm, miễn thi học phần đạt là được rồi”. 

Đại học: Vào cũng dễ, ra chẳng khó khăn, vậy chất lượng ở đâu? ảnh 2

Đi học ở Việt Nam, nghịch lý càng học cao càng nhàn và rảnh việc.

Nghe vậy, một số sinh viên cười và bật mí “có rất nhiều cách như vào phòng thi mở tài liệu quay bài, nhờ các mối quan hệ thân thiết để xin điểm…có trường hợp mua điểm hẳn hoi”.Không ít sinh viên lợi dụng vào điều này mà thỏa sức chơi bời, chuyện ở nhà tự học và nghiên cứu tài liệu bổ sung kiến thức cho mình hầu như không thấy, nhưng, không học sao có kiến thức để thi hết học phần? 

Có em kể và đưa luôn dẫn chứng:

 “Thầy trưởng khoa trong trường em học nổi tiếng ra đề khó. Môn của thầy sinh viên lúc nào cũng trượt hơn một nửa. Thế nhưng, nếu ai biết điều lại rất dễ đỗ”.

“Biết điều” ở đây được mọi người bật mí là có “phong bì” đi trước bảo kê. Một bạn sinh viên trong lớp có lực học khá môn này nên nhất quyết không chịu đóng tiền chung với cả lớp. Cuối cùng, bạn phải thi đến lần thứ hai mới đỗ.

Những ưu điểm của hai hình thức

Thứ nhất: siết chặt đầu vào đại học, học sinh phải miệt mài học tập mới mong thi đỗ vào trường đại học. Như vậy, những em đỗ đại học phần lớn phải có lực học từ khá trở lên. Nhưng đỗ rồi, không ít em lại cho phép mình thả lỏng, nghỉ ngơi, chểnh mảng học hành. 

Bởi thế, khi tốt nghiệp ra trường, kiến thức học và tích lũy bao năm cũng chẳng có nhiều. Đây cũng là nguyên nhân hàng ngàn sinh viên ra trường vừa hổng về kiến thức, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ.

Thứ hai: bỏ điểm sàn đại học (tức là mở đầu vào nhưng siết chặt đầu ra) thì ai cũng có thể vào được. Chuyện quan trọng bằng cấp vẫn tồn tại trong suy nghĩ nhiều người. Có gia đình sẵn sàng vét đến đồng xu cuối cùng, vay mượn khắp nơi để cho con vào học đại học mà không cần biết sau này các em ra trường sẽ làm gì.

Đại học: Vào cũng dễ, ra chẳng khó khăn, vậy chất lượng ở đâu? ảnh 3

Nghịch lí đại học: Đầu vào hạ hết cỡ, đầu ra nâng kịch khung

Chỉ cần con học đại học là thấy oai, thấy vui, thấy “nở mày nở mặt” với  xóm làng. Chắc chắn, những năm đầu thực hiện, lượng học sinh đăng kí vào các trường đại học sẽ rất đông. Sẽ có những em ra trường chỉ sau vài năm học nhưng có không ít em 5 -7 năm sau vẫn chưa thể tốt nghiệp. 

Lúc này, những học sinh yếu sẽ có suy nghĩ việc mình vào đại học là đúng hay sai lầm, vào học nhưng không thể tốt nghiệp làm tốn kém bao thời gian, tiền bạc của bản thân và gia đình.

Nếu siết chặt đầu ra đại học thì (phải làm nghiêm túc) buộc các em muốn ra trường phải lăn vào học hỏi, tìm tòi, tích lũy kiến thức, chuyên môn. Bù lại, chúng ta sẽ nâng chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường vừa có kiến thức, vừa vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ.

Hình thức nào cũng có những ưu điểm nổi trội, trong các trường đại học của chúng ta, những giảng viên như thầy trưởng khoa vừa nói trên tuy không nhiều nhưng không hoàn toàn là không có. 

Những chuyện như: mua luận văn, đồ án, tiểu luận tốt nghiệp vẫn thường xảy ra hàng năm ở một số trường đại học, nếu những tiêu cực này vẫn tồn tại thì ai có thể dám chắc việc “siết đầu ra” là nghiêm túc, công bằng? 

Sợ rằng tới lúc, vào đại học cũng dễ mà tốt nghiệp đại học cũng chẳng khó khăn gì thì tình trạng “phổ cập đại học” toàn dân như một số người lo sợ còn đáng buồn hơn rất nhiều.

Phan Tuyết