"Đại tướng hội đủ các nhân tố của một bậc vĩ nhân: TRÍ - DŨNG - NHÂN"

06/10/2013 11:51
Ngọc Luân
(GDVN) - Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hội đủ các nhân tố của một bậc vĩ nhân: “TRÍ – DŨNG – NHÂN”

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dấy lên một sự xúc động, tiếc thương mãnh liệt trong lòng dân tộc. Sự ra đi của Đại tướng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và bạn bè Thế giới.

Đặc biệt là trong đội ngũ trí thức khoa học – giáo dục, đội ngũ tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, mà lúc sinh thời, Đại tướng luôn trân trọng và hết lòng dẫn dắt.

Trong niềm đau trước mất mát to lớn này, Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng NCL Việt Nam đã bật lên những cảm xúc ẩn chứa trong lòng mình về vị anh hùng của dân tộc Việt Nam.

PV: Thưa Giáo sư! Giáo sư có thể chia sẻ cảm xúc đầu tiên khi ông hay tin vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc đã qua đời?

GS Trần Hồng Quân: Dẫu biết rằng nhân sinh là vô thường, dẫu biết rằng ngày chia tay của anh Văn với dân tộc rồi cũng sẽ đến, nhưng sao khi tin anh Văn đã ra đi, được báo về, lòng tôi vẫn thấy nặng trĩu đến lạ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trong tâm tôi, anh Văn không chỉ là một người lãnh đạo, một người anh mà còn như một người cha dẫn dắt về tinh thần. Anh Văn ra đi, tôi đã mất đi một trong những người thân yêu nhất của cuộc đời mình…

PV: Theo Giáo sư, điều gì đã làm nên sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

GS Trần Hồng Quân: Nếu như tài cầm quân của Đại tướng trong một bối cảnh lịch sử của dân tộc như vậy thể hiện cái DŨNG của một quân nhân, sự mưu cơ của một vị Tướng trong khả năng vận dụng chiến thuật hợp lý để đánh thắng kẻ thù mạnh thể hiện được cái TRÍ, thì cái cốt lõi của nhân cách Võ Nguyên Giáp lại nằm ở cái chữ NHÂN mà ông thể hiện dối với kẻ thù của mình và đặc biệt là trong đời thường của một vị tướng.

Chính bởi cái NHÂN này của Đại Tướng mà ông được chính những bại tướng của mình từ kinh sợ chuyển sang nể trọng rồi kính phục ông lúc nào không hay.

Một con người chỉ cần hội tụ đủ các yếu tố: TRÍ và DŨNG thôi đã là bậc nhân tài trong thiên hạ rồi. Riêng cái NHÂN này của Đại Tướng đã giúp ông trở nên vĩ đại trong lòng dân tộc và trong tâm khảm của bạn bè Thế giới.  

PV: Được biết, có một thời gian Đại tướng đảm nhận công tác Phó Thủ tướng Chính phủ - phụ trách về lĩnh vực Khoa học – Giáo dục. Vậy, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong giai đoạn lịch sử trên, Giáo sư là một trong những người có nhiều dịp được làm việc và tiếp xúc với Đại tướng. Vậy, đâu là ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất mà Đại tướng để lại trong lòng của Giáo sư?

Giáo sư Trần Hồng Quân
Giáo sư Trần Hồng Quân

GS Trần Hồng Quân: Ngay từ lúc trẻ, cánh thanh niên trong miền Nam chúng tôi đã được nghe danh và rất thần tượng Đại tướng, nhưng đó chỉ là một thần tượng xa vời, vì không biết bao giờ có thể được vinh hạnh gặp mặt ông…   

Mãi đến sau này, khi đảm nhận vị trí Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa TP. HCM, tôi mới có dịp được diện kiến lần đầu tiên với cụ Võ Nguyên Giáp.

Đó là tại một hội nghị về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Có điều ngạc nhiên cho tôi là mặc dù chưa từng được gặp nhau trước đó, nhưng ông lại rất quan tâm đến tôi tại hội nghị này. Có lẽ là qua những bài viết khoa học của tôi trước đó.

Từ đó về sau, với cương vị là Thứ  trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), tôi thường có dịp được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó đang là Phó Thủ tướng, phụ trách Khoa học và Giáo dục.

Tôi rất cảm phục ông, vì một con người tuy lừng danh thế giới như ông nhưng lại có phong thái làm việc hết sức chân tình, dịu dàng. Khi nghe báo cáo thì ông kiên nhẫn, lắng nghe rất chăm chú, hỏi han rất chi tiết, tìm hiểu cặn kẽ.

Ông thường ngợi khen và khuyến khích những điều mới mẻ, sáng tạo. Còn khi ông tổng kết hội nghị thì ông đều chỉ ra những phương hướng mang tính khái quát, những định hướng lớn, quan trọng để mọi người dễ nắm bắt…

Lúc sinh thời, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hết mực trân trọng và yêu mến lực lượng trí thức khoa học của nước nhà
Lúc sinh thời, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp hết mực trân trọng và yêu mến lực lượng trí thức khoa học của nước nhà

Có một kỷ niệm sâu sắc trong tôi rằng, lúc đó, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có mời Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp về dự một cái Hội nghị về Giáo dục quốc tế tổ chức do Bộ tổ chức. Người thuyết trình hôm  đó, là trợ lý Bộ trưởng – anh này còn trẻ và nguyên là nhà giáo nên lúc diễn thuyết, anh ta “hua tay múa chân” rất dữ dội, say sưa giống như là đang đứng trên giảng đường, phong cách đó của anh ta nhìn có vẻ không được khiêm nhường, nên trợ lý của Phó thủ tướng thấy rất e ngại.

Lúc đó tôi cũng bối rối, chưa biết nên xử lý làm sao và nhìn sang Phó Thủ tướng thì thấy lúc này cụ vẫn điềm nhiên, lắng nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng lại đưa ra những câu hỏi làm rõ các chi tiết, chứng tỏ ông rất quan tâm về nội dung, không hề có một ý gì thấy khó chịu về thái độ của diễn giả cả. Sau khi hội nghị kết thúc, ông đã đánh giá rất cao chuyên đề về Giáo dục quốc tế này. Từ đó tôi cảm thấy rằng, cụ rất là nhân hậu, bao dung và không câu nệ vào những tình tiết nhỏ nhặt  

Một lần khác, tôi được đến nhà làm việc riêng với Phó Thủ Tướng, sau khi làm việc xong, ông mới đưa tôi đi dạo trong khu vườn nhỏ trước nhà và căn dặn rất nhiều thứ hết sức chân tình, y như một người anh, một người cha thân thiết. Những tình cảm đó đã dấy lên trong tôi một sự xúc động mãnh liệt và hình ảnh về nhân cách lớn đó của ông đã theo tôi mãi đến tận bây giờ. Những lời dặn dò của ông tôi không bao giờ quên được cho mãi đến hôm nay...

Sau này khi đã về hưu, tôi vẫn còn giữ thói quen hay lo nghĩ đến viêc chung của đất nước. Mỗi giai đoạn đất nước có khó khăn, nhất là trong ngành giáo dục, tôi lại nhớ về hình ảnh của các tiền nhân, nghĩ về cụ Võ Nguyên Giáp, nghĩ rằng nếu như anh Văn còn sức khỏe tốt, thì tôi sẽ xin ý kiến của anh như thế nào, để không chỉ nghe một lời khuyên, một lời kêu gọi, mà còn nghe một sự dẫn dắt anh minh vì lợi ích lớn nhất cho dân tộc.

Với những con người cách mạng thực thụ nói chung và cụ Võ Nguyên Giáp nói riêng, thì với tôi, Đại tướng không chỉ là thần tượng huyền thoại suốt đời mà còn là một người lãnh đạo mẫu mực, vừa là một nhân cách lớn, đồng thời là một người anh hết sức gần gũi, thân thiết. Cụ mất đi là một thiệt thòi lớn cho dân tộc. Tôi cũng tin rằng, suy nghĩ của mình sẽ tương đồng với tất cả đội ngũ trí thức, khoa học có điều kiện tiếp xúc và làm việc với anh Văn lúc đương thời.

PV: Mọi người đã nghe nhiều, thấy nhiều và biết nhiều về hình ảnh một Võ Nguyên Giáp – Đại tướng thống lãnh trong quân đội. Vậy thì một tướng Giáp – đời thường trong hình ảnh một nhà giáo ra sao, thưa Giáo sư?

GS Trần Hồng Quân: Thật ra thì cái thời cụ Võ Nguyên Giáp dạy sử thì lúc đó tôi quá bé. Sau này cũng nghe sách vở nhắc lại. Theo tôi biết thì cụ dạy sử cũng không lâu lắm vì cụ tham gia cách mạng từ rất sớm.

Tôi nghĩ, quá trình giảng dạy và nghiên cứu lịch sử thời trẻ đã giúp ích rất nhiều cho ông trong sự nghiệp cầm binh và sự nghiệp chính trị sau này.

Tuy vậy, ấn tượng của tôi với tất cả những phong thái của cụ Võ Nguyên Giáp khi mà tôi được dịp tiếp xúc thì tôi cảm nhận rằng: không phải mình đang tiếp xúc với một vị tướng lĩnh, mà là tiếp xúc với một nhà giáo.

PV: Theo Giáo sư, Tướng Giáp đã có vị trí - vai trò như thế nào trong lịch sử dân tộc?

GS Trần Hồng Quân: Võ Nguyên Giáp là một con người không những tạo được sự kính phục mà còn tạo được một sự yêu thương rộng rãi, sâu sắc trong nhân dân nói chung và trong giới trí thức nói riêng. Mặc dù ông phụ trách lãnh đạo ngành khoa học và giáo dục trong một thời gian ngắn thôi, tuy nhiên ông đã kịp để lại rất nhiều dấu ấn, có nhiều định hướng và chỉ đạo sâu sắc cho nền khoa học – giáo dục nước nhà.

Cũng có điều tôi thấy làm lạ như thế này, với chừng ấy năm cầm binh, nhưng khi trở về với lĩnh vực khoa học giáo dục thì ông thâm nhập và hòa mình vào rất nhanh chóng. Đặc biệt, ông tập hợp được đội ngũ khoa học cùng đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung vì sự phát triển của đất nước cứ như là bên quân sự ông tập hợp được các tướng lĩnh dưới bàn tay chỉ huy của mình vậy. Đây là một tố chất vô cùng quý báu và hiếm có trên đời mà chúng ta thấy được ở một nhà lãnh đạo lỗi lạc.

Ông là một người văn võ toàn tài…


PV: Chân thành cảm ơn sự chia sẻ quý báu của Giáo sư!
Ngọc Luân