Đất nghèo nuôi chí lớn

31/12/2014 10:06
Thảo Nguyên
(GDVN) - Vùng đất Quảng Nam chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn nhưng tinh thần hiếu học của trẻ em nơi đây khó nơi nào sách kịp.

Đất học Thăng Bình

Suốt 5 năm qua, em Trịnh Thị Băng Tâm, học sinh lớp 4 của trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, xã Bình Nam (Thăng Bình – Quảng Nam) luôn có tên trong danh sách những học sinh giỏi nhất trường. Tâm còn là học sinh biết vượt khó vươn lên. Nhà tâm nghèo lắm! Từ lúc sinh ra, Tâm còn chưa biết mặt bố. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do mẹ lo liệu. Cô bé 10 tuổi còn bị bệnh thận. Những ngày trái nắng trở trời, cơn đau lại hành hạ em.

Một mình mẹ vất vả làm lụng bươn trải, cả nhà bữa đói bữa no. Chốn nương thân của hai mẹ con Tâm chỉ là căn nhà cấp 4 đơn sơ. Khúc ruột miền Trung như túi bão của cả nước. Quê của Tâm thì nằm trọn trong cái túi bão ấy. Mỗi lần trở về nhà sau những cơn cuồng nộ của thiên nhiên, mẹ con Tâm mừng rơi nước mắt vì ông trời còn chưa lấy đi nơi nương náu ấy của hai mẹ con.

Vùng đất Quảng Nam chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn nhưng tinh thần hiếu học của trẻ em nơi đây khó nơi nào sách kịp.
Vùng đất Quảng Nam chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn nhưng tinh thần hiếu học của trẻ em nơi đây khó nơi nào sách kịp.

Vất vả là thế, Tâm luôn chí thú học hành. Mẹ thường động viên con gái là cố gắng học hành cho tốt để sau này thành người có ích cho xã hội. Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, năm nào Tâm cũng là học sinh giỏi của trường. Mỗi ngày trôi qua đối với Tâm là một ngày vui. Tâm bảo: “Em phải vui thì mẹ mới vui theo chứ”. Bạn bè, thầy cô của trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, đều yêu mến bạn học sinh giỏi tên Tâm. Bà con hàng xóm ai cũng thương, cũng quý con bé Tâm xinh xắn, lại ngoan ngoãn nữa.

Gia cảnh khó khăn nên không phải lúc nào Tâm cũng có đầy đủ đồ dùng học tập. Cô bé phải hết sức tiết kiệm từng quyển vở, cái bút chì. Bạn bè cùng lớp biết hoàn cảnh của Tâm, thỉnh thoảng cũng san sẻ cả đồ dùng học tập cho bạn. Tuy nhiên ở vùng quê nghèo này, sự giúp đỡ của mọi người có hạn. Tâm bảo: “Con chỉ ước mình có một bộ bút viết, bút màu thật đẹp để làm bài cô giao. Vậy là con thích rồi”.

Cũng giống như Tâm rất nhiều học sinh khác ở vùng “cát bụi gió bay” này cũng đang hàng ngày, hàng giờ vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập. Ban lãnh đạo trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ luôn có những biện pháp kịp thời để động viên học sinh đến trường.   

26.000 học sinh sẽ được tiếp sức đến trường

Không riêng gì vùng đất Thăng Bình, ở các xã vùng sâu vùng xa có rất nhiều em học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em có nguy cơ phải nghỉ học sớm.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tọa, cả nước có hơn 1,1 triệu em học sinh ngoài nhà trường (tức là những em chưa từng đi học hoặc bỏ học) ở độ tuổi 5 - 14 tuổi. Cả nước có 2,67% trẻ em từ 5 -17 tuổi chưa bao giờ đi học, tập trung chủ yếu ở một số nhóm dân tộc thiểu số, sinh sống ở những nơi vùng sâu vùng xa. Tỷ lệ đi học nhưng phải bỏ dở giữa chừng cũng rất cao, vì các lý do liên quan đến điều kiện kinh tế, nhận thức của gia đình, hay khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng, đi lại nơi vùng cao. Đây là những vấn đề nhức nhối mà Hội khuyến học Việt Nam cũng như các cơ quan ban ngành thuộc Bộ Giáo dục đào tạo phải suy nghĩ, trăn trở để tìm hướng xử lý.

Giúp các em đến trường và được ăn no mặc ấm là việc mà nhiều tổ chức cá nhân đã và đang làm. Đây cũng chính là chủ trương mà chương trình “Vì em hiếu học” đã và đang hướng tới. Theo đó, mỗi năm sẽ có 26.000 học sinh ở những xã biên giới, vùng khó khăn nhận được sự giúp đỡ của chương trình. Hội khuyến học của xã sẽ lựa chọn 10 em nhỏ xứng đáng nhất để trao học bổng hàng năm, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Số tiền này sẽ được quy đổi sang dụng cụ học tập, phương tiện đến trường hoặc các khoản học phí cho các em.

Ý nghĩa của chương trình "Vì em hiếu học" nằm ở chỗ tiếp sức cho những học sinh khó khăn mà hiếu học có thêm cơ hội được đến trường. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Nguyễn Thị Nghĩa xúc động khi nói về Chương trình: “Đã có nhiều tổ chức, cá nhân triển khai các hoạt động khuyến học. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều em học sinh phải bỏ học giữa chừng hoặc được đi học nhưng trong điều kiện thiếu thốn. Trong bối cảnh đó, chương trình “Vì em hiếu học” ra đời với cam kết kéo dài trong 10 năm là một hoạt động thiết thực và có ý nghĩa lớn”.

Thảo Nguyên