Đâu chỉ giáo viên có lỗi?

23/11/2016 08:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Hiện nay, tình trạng chạy sô học thêm nhiều đến mức học sinh ăn cơm vội trên xe máy. Đây thực sự là bài toán lớn cho ngành Giáo dục Việt Nam.

LTS: Sau khi xem clip ghi lại cảnh hai em học sinh ăn cơm vội trên xe máy, nhiều người cảm thấy xót xa, bất bình vì các em học sinh đang phải chịu áp lực học thêm quá nhiều.

Cô giáo Phan Tuyết đã gửi bài viết này đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!

Hai em học sinh ăn vội cơm hộp trên đường (Ảnh từ clip, nguồn: Vietnamnet.vn)
Hai em học sinh ăn vội cơm hộp trên đường (Ảnh từ clip, nguồn: Vietnamnet.vn)

Đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông điều khiển xe máy chở phía sau hai em học sinh vừa đi vừa xúc cơm ăn vội trên đường đã thu hút được nhiều sự quan tâm của độc giả. 

Nhiều người nói “Đó là sự phản ánh sống động và chân thực nhất thực trạng áp lực của việc học thêm trong ngành giáo dục hiện nay”.

Nói đến áp lực học thêm của học sinh thì phần đông độc giả đều dành lời lên án, công kích nhà trường mà trực tiếp là các thầy cô giáo. 

Phần lớn các ý kiến đều nêu nguyên do việc học thêm bị biến tướng gây áp lực chủ yếu từ giáo viên đã dùng chiêu ép buộc các em phải đi học thêm một cách miễn cưỡng. 

Đâu chỉ giáo viên có lỗi? ảnh 2

Tôi đồng ý hoàn toàn với việc cấm dạy thêm học thêm bị lợi dụng

Trong khi đó, họ lại quên rằng do chương trình học tập quá nặng nề, do cách thi cử mang tính hàn lâm cùng với sự kì vọng quá lớn của phụ huynh nên việc học thêm mới không thể có hồi kết như hiện nay.

Trong thực tế, nhiều giáo viên không cần dùng chiêu để ép buộc nhưng học trò vẫn tình nguyện đi học rất đông. 

Có những thầy cô giáo dù không muốn dạy thêm nhưng chính phụ huynh đi năn nỉ, “đi mòn đường mỏi gối” ở nhà thầy cô thậm chí phải nhờ đến cả các mối quan hệ riêng để tác động với mong muốn xin cho con một chỗ học.

Là giáo viên cũng là một phụ huynh có con đang học ở bậc Trung học phổ thông, dù không muốn tôi cũng buộc phải để con đi học thêm suốt ngày đêm. 

Nhìn vào lịch học của cô con gái đang học lớp 11, bất kì ai cũng thấy chóng mặt. Buổi sáng học trên trường. Buổi chiều từ 2 giờ đến 3 giờ 30 phút học thêm Toán, 4 giờ đến 5 giờ 30 học Lý và 7 giờ đến 8 giờ 30 học Anh văn…

Giữa các ca học thời gian trống không nhiều nên phần lớn con chỉ kịp mua vội ổ bánh mì vừa ăn vừa chạy đến điểm học khác mới kịp giờ vào lớp. 

Và bao giờ cũng thế, con về đến nhà cũng gần 10 giờ đêm. Con bé chỉ kịp tắm và lăn vào giường ngủ vùi như chết.

Con gái tôi nói rằng cũng không muốn đi học thêm nhiều vì rất mệt mỏi. "Nhưng nếu con không đi học sợ không đủ điểm lên lớp chứ nói gì có kiến thức mà thi cử bởi chương trình học chính khóa quá nặng. 

Những môn như Toán, Lý, Hóa… trên lớp, thầy cô chỉ kịp giảng qua phần lý thuyết là hết giờ, phần bài tập học sinh về tự làm, nếu không làm được chẳng biết hỏi ai. 

Bởi thế, không đi học thêm không thể nào hiểu bài được" -
con bé tâm sự. (Phải nói thêm rằng cô con gái của tôi vốn là học sinh giỏi 9 năm liền nhưng khi sang cấp 3 “chạy hụt hơi” nhưng vẫn đuối). 

Với môn Anh văn dù có đi học thêm cũng chưa chắc đã theo kịp chương trình nói gì không đi học. 

Đâu chỉ giáo viên có lỗi? ảnh 3

Đừng biến trường học thành “cái chợ bán chữ”!

Một tiết học 45 phút dành cho 45 em với biết bao kiến thức cần truyền tải.

Con nói “học cả chục tiết tiếng Anh nhưng có khi không được phát âm một lần”. 

Một phụ huynh tâm sự: “Con chúng tôi, chúng tôi phải xót xa chứ. Ai có muốn con học ngày học đêm, quên ăn quên uống, học đến mụ mẫm cả người.

Nếu không đi học thêm, thử hỏi với chương trình hiện nay, các cháu có theo kịp không? Có thi chuyển cấp nổi không? Có tốt nghiệp được cấp 3 để đàng hoàng bước vào một trường đại học ưng ý?

Câu trả lời là không!” 

Với thực trạng như thế, giảm áp lực học thêm cho học trò không chỉ đưa ra lệnh cấm này nọ, đưa ra hết Thông tư này, quyết định kia với giáo viên là nhất định sẽ chấm dứt. 

Học sinh cần kiến thức để đi thi nếu không được học thêm nơi thầy cô các em cũng phải xin học ở một nơi khác. 

Vậy giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

Song song với việc siết chặt vấn đề dạy thêm học thêm ở các trường, chúng ta cần giảm tải việc học lý thuyết, tăng thời gian học thực hành, ứng dụng ở các tiết Toán, Lý, Hóa, Anh văn... 

Đồng thời giảm số lượng học sinh trong từng lớp học.

Việc ra đề thi cũng cần được bám sát chương trình học của sách giáo khoa hiện nay, tránh việc đề ra theo kiểu đánh đố và vượt quá sự hiểu biết của đa phần học sinh.

Có như vậy mới mong không còn những cảnh học sinh vừa đi vừa ăn, vừa ăn vừa ngủ như chúng ta vẫn thường thấy hiện nay.

Phan Tuyết