Đâu phải lúc nào học sinh cũng là trung tâm?

01/02/2016 07:33
Đỗ Quyên
(GDVN) - Dù có đổi mới phương pháp và hình thức dạy học thế nào thì mục đích cuối cùng cũng là nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

LTS: Ngành giáo dục của mình rất thường hay dùng câu: “Lấy học sinh làm trung tâm”. Nhưng từ nói khẩu hiệu cho tới thực tế thì còn một khoảng cách khá dài. 

Trong bài viết này, cô giáo Đỗ Quyên chỉ ra những rào cản khiến quá trình dạy và học hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Cụm từ “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm” không còn xa lạ với bất kì ai làm trong ngành giáo dục.

Vai trò của học sinh là chủ đạo khi các em được chủ động tìm hiểu, thu nhận kiến thức bằng nhiều cách như tự nghiên cứu, trao đổi với bạn, với nhóm bạn... Thầy cô giáo chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn và giúp đỡ các em khi có sự yêu cầu...

Trong các buổi tập huấn về các phương pháp dạy học mới, nhiều cán bộ quản lý, chuyên viên cấp Phòng, Sở đã triển khai, truyền đạt phần lý thuyết. 

Một số tiết dạy minh họa được thực hành ngay nhưng giáo viên dạy là thật còn học sinh học lại do chính giáo viên đóng thế. Vì vậy, những tiết học này thường diễn ra một cách trơn chu, đúng thời gian, đúng yêu cầu và vô cùng hiệu quả.

Đâu phải lúc nào học sinh cũng là trung tâm? ảnh 1
Dù có đổi mới phương pháp và hình thức dạy học thế nào thì mục đích cuối cùng cũng là nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. (Ảnh:baochinhphu.vn)

Nhưng khi áp dụng vào thực tế thì sao? Với gần 40 em học sinh trong một lớp học đủ các trình độ từ khá giỏi đến trung bình, yếu và kém. 

Một số bài học như ôn tập, luyện tập, bài mới với những kiến thức đơn giản...học sinh thật sự khá, giỏi các em sẽ tự làm được ngay cả khi thầy cô chưa giảng. 

Nhưng không ít em tiếp thu chậm, dù thầy cô có giảng đi giảng lại nhiều lần cũng chưa thể tiếp thu bài thì làm sao có thể tự học? 

Chưa nói đến đặc thù riêng của từng môn học như phân môn Luyện từ và câu, Tập làm văn ở Tiểu học, môn giảng văn, môn Toán, Ngoại ngữ ở cấp trung học cơ sở... thầy cô không được giảng bài sẽ rất khó khăn cho các em học sinh. 

Đâu phải lúc nào học sinh cũng là trung tâm? ảnh 2

“Không nên bắt giáo viên làm những điều phi thường"

(GDVN) - Đây là quan điểm của ông Đặng Quang Ngàn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình khi trao đổi về nội dung đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ví như dạy Ngữ văn giáo viên lại không được giảng, học sinh chỉ thay nhau đọc văn bản, tự trả lời những câu hỏi trong sách giáo khoa một cách máy móc. 

Với kiểu tìm hiểu bài như thế, làm sao các em có thể hiểu hết giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm? Những chi tiết, hình ảnh hay và đắt? 

Nhưng nếu giáo viên giảng bị xem là “nói nhiều, thể hiện sai phương pháp dạy học, chưa có tinh thần đổi mới, còn mang nặng cách dạy học truyền thống...”. 

Có những chuyên viên còn hùng hồn khẳng định: “Áp dụng phương pháp dạy học mới, giáo viên không còn phải giảng bài, không nói nhiều chỉ quan sát và hỗ trợ các em, thầy cô phải thoát li khỏi cái bảng lớp...”.  

Nhưng thực tế là nhiều chuyên viên cấp Phòng, cấp Sở họ thường nắm lý thuyết rất giỏi và chỉ đạo chuyên môn cấp dưới rất hay. Họ buộc giáo viên phải dạy thế này, thế nọ nhưng họ xa rời thực tế nên những yêu cầu, những giải pháp họ đưa ra đôi khi không khả thi, khó thực hiện. 

Nhiều giáo viên khi được chuyên viên góp ý thường nói với nhau: “Nếu chuyên viên ấy xuống thực tế dạy một tiết được như vậy, thầy cô sẽ phục sát đất. Và lúc ấy những điều họ nói mới thật sự hiệu quả”. 

Không phải ai làm chuyên viên cũng giỏi, có người bị “bắt cóc bỏ dĩa”, người sống lâu lên lão làng, thậm chí có người chưa một ngày đứng lớp giảng dạy...thì làm sao chỉ đạo chuyên môn được sâu sát?

Đâu phải lúc nào học sinh cũng là trung tâm? ảnh 3

Phương pháp dạy học mới đang vướng phải cản trở gì?

(GDVN) - Phương pháp dạy học mới chẳng dễ dàng gì. Nó đòi hỏi tính kiên trì, quyết tâm rất lớn ở giáo viên. Hiện tại, có bao nhiêu thầy, cô giáo làm được?

 
Nhưng khổ nỗi, là cấp trên nên mọi chỉ đạo của họ buộc cấp dưới phải tuân theo răm rắp.

Thế là, cứ sau một đợt thanh kiểm tra, sau một lần dự giờ thăm lớp, những trường học ấy phải học tập và thay đổi theo đúng với yêu cầu của vị thanh tra đó. 

Dù các thầy cô giáo có cố gắng thực hiện nhưng khó được như ý. Thế rồi, hàng ngày trên lớp, thầy cô cứ dạy theo ý mình, hoạt động nào cần giảng, cần giải thích cho các em nắm chắc, hoạt động nào tự các em tìm hiểu...miễn sao cho trò hiểu bài và làm bài tốt là được. 

Đến kì thao giảng hay có thanh tra dự giờ về, giáo viên bắt đầu cuống cuồng tập dợt cho các em  để đối phó.

Dù có đổi mới phương pháp và hình thức dạy học thế nào thì mục đích cuối cùng cũng là nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. 

Chỉ có giáo viên là người nắm rõ năng lực của học trò, hơn ai hết họ là những người biết cần áp dụng phương pháp dạy thế nào để đạt hiệu quả cao. Đừng nên ép buộc thầy cô phải dạy như thế này mà không phải là thế khác. Như vậy sẽ  làm thui chột sự sáng tạo trong từng bài dạy của giáo viên.

Đỗ Quyên