Đầu xuân nghe chuyện ông tiến sĩ bán nhà làm giáo dục

10/02/2013 06:00
Theo Lục Tùng/Lao động
Thiếu tiền phát triển trường, GS-TS-VS-NGND-AHLĐ Võ Tòng Xuân - người mà người dân đồng bằng sông Cửu Long hết sức mến mộ, kính trọng - đành rao bán ngôi nhà nhiều kỷ niệm.
LTS: Nền giáo dục Việt Nam lâu nay gắn liền với những tiêu cực, bệnh thành tích... là một thực tế đáng buồn. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, vẫn còn rất nhiều vị giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đã mạnh dạn tự tìm ra những hướng đột phá, dẫn đường cho không ít thế hệ học trò tìm đến bến bờ tri thức thật sự, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Một trong số đó là Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân. Chức danh, danh vị của ông thì rất dài nhưng người dân ĐBSCL vẫn trìu mến gọi ông bằng 2 chữ thân thuộc: "thầy Xuân".

Đầu năm Quý Tỵ, với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, Giaoduc.net.vn đăng lại một bài viết hay về "thầy Xuân" để bạn đọc cùng suy ngẫm...
Ông tiến sĩ bán nhà làm giáo dục
Cuối năm 2011, đang tất bật dọn nhà đón tết, bỗng điện thoại reo: “Em có quen… bán dùm thầy căn nhà ở Cần Thơ”, thoạt đầu tôi cứ ngỡ đang mơ, bởi lâu nay “nhà ở Cần Thơ” được xem là “cõi đi về”.

Bán nhà mặt tiền ở đô thị để về vùng sâu xây trường mầm non, tiểu học – vì danh ư, hay vì lợi? Chắc chắn cả HAI không còn cần thiết với nhà khoa học lớn đã qua tuổi “xưa nay hiếm” như GS-TS-VS-NGND-AHLĐ Võ Tòng Xuân.
Bán nhà lo chuyện quốc gia
Dù chỉ 2 lần đặt chân vào đây, nhưng với tôi “nhà ở Cần Thơ” của thầy Xuân rất ấn tượng. Không chỉ vì vị trí đắc địa mà còn bởi đó là nơi tôi thường được thầy nhắc nhớ những kỷ niệm đẹp về cô Lệ (người vợ quá cố của thầy). Một kế hoạch đầu tư, vun đắp cho “cõi đi về” đã được thầy tính toán rất cụ thể: “Ngoài gian làm nơi thờ tự, sẽ dành riêng gian trưng bày toàn bộ những mẫu vật, kỷ vật liên quan đến cuộc đời hoạt động khoa học của thầy”. Vậy mà giờ đây...

Thầy Xuân trong ngày khai giảng ngôi trường ông đặt nhiều tâm huyết
Thầy Xuân trong ngày khai giảng ngôi trường ông đặt nhiều tâm huyết

Đúng hẹn, tôi tìm đến căn phòng công vụ cấp 4, thấp và xuống cấp trầm trọng, nằm trong góc khuất của khuôn viên ĐH An Giang mà thầy Xuân tá túc từ khi còn làm hiệu trưởng đến nay. Khác với sự cởi mở thường ngày, thầy trở nên trầm buồn khi nghe tôi hỏi chuyện căn nhà: “Hiện giấy tờ đang được thế chấp trong ngân hàng để trang trải một phần, tìm được người mua, thầy bán luôn để đầu tư cho trường”. Trường tức Trường song ngữ Tinh Hoa (SNTH) do thầy làm Chủ tịch HĐQT.
Mọi chuyện diễn ra đột ngột đến nỗi chính thầy cũng không ngờ. “Lúc đầu dự kiến sẽ vay vốn ngân hàng xây trường học theo dự án giáo dục, nhưng sau khi thẩm định, phía ngân hàng thẳng thừng từ chối với lý do dự án không khả thi, mức thu học phí của trường chỉ đủ trang trải chi phí dạy-học”, thầy Xuân nhớ lại. Bị ngân hàng thay đổi kế hoạch tài chính chủ lực vào phút 89, nên dù thầy “dốc hết tình già”, gom hết tiền của cả đời làm khoa học cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của ngôi trường song ngữ. Thầy buộc phải chấp nhận bán căn nhà kỷ niệm. “Đây có lẽ là quyết định khó nhất trong đời tôi, nhưng nếu không làm ngay thì thầy sợ “hết giờ”.
“Chồi có khỏe thì cây mới phát triển được, lịch sử giáo dục hiện đại thế giới đã chứng minh, quốc gia nào quan tâm đầu tư tốt cho giáo dục hệ mầm non, tiểu học thì quốc gia đó sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao”. Giáo sư Võ Tòng Xuân
Theo thầy Xuân, giáo dục Việt Nam đang như người mắc cùng lúc nhiều chứng bệnh. Ngoài những khó khăn chung về nội dung và chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, chúng ta thường quan tâm, đầu tư ngược so với quy trình của các nước tiên tiến trên thế giới khi dồn sức cho cấp đại học mà lại ít quan tâm đến cấp học nền tảng là mẫu giáo và tiểu học. “Chồi có khỏe thì cây mới phát triển được, lịch sử giáo dục hiện đại thế giới đã chứng minh, quốc gia nào quan tâm đầu tư tốt cho giáo dục hệ mầm non, tiểu học thì quốc gia đó sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao”, thầy Xuân giải thích cho quyết định bán nhà xây trường của mình.
Xây trường “Tây” cho “Hai Lúa”
Tinh Hoa là trường song ngữ 4 cấp học phổ thông đầu tiên ở ĐBSCL. Trường được dạy theo phương pháp Montessor, phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng sự tự do khám phá của nhà giáo dục người Italia, Montessor (1870-1952), đặt nền móng nhằm hướng tới đào tạo thế hệ công dân mới có khả năng tự lập và hòa nhập. “Mục tiêu lớn nhất của việc đầu tư trường này là đào tạo ra thế hệ học sinh biết học để làm người, để hiểu biết, để làm việc, để sống với cộng đồng, sau khi tốt nghiệp THPT có khả năng vào học bất cứ trường đại học nào trên thế giới. Ngoài kỹ năng làm việc nhóm, các em còn có kỹ năng nói tiếng Anh lưu loát, sử dụng thành thạo Internet...”, thầy Xuân giới thiệu “sản phẩm” của SNTH một cách đầy tự tin.
“Chúng tôi dạy Anh ngữ theo phương pháp giáo dục sinh ngữ phát triển sau, tức dạy cho các cháu khả năng đọc, hiểu tiếng mẹ đẻ trước khi làm quen và sớm thành thạo tiếng Anh. Bởi chúng tôi quan niệm đây chính là “giấy thông hành tương lai” cho học sinh của mình. Theo báo cáo của Hội đồng Anh, hiện có đến 1/6 số người trên toàn cầu nói tiếng Anh và 3/4 trong số này coi tiếng Anh là ngoại ngữ". 
Để sớm vươn tới mục tiêu này, bên cạnh việc áp dụng phương pháp quản lý “lớp học là của học sinh” cùng với việc tuân thủ nghiêm các quy định về trang thiết bị dạy học và sĩ số tối đa (mỗi lớp 20 học sinh) để tiện khơi gợi tính sáng tạo, giúp các em tự tin tìm thấy tri thức, trường còn quan tâm tạo cầu nối để phụ huynh cùng tham gia quản lý, theo dõi và điều chỉnh nền nếp học-hành của con em mình”, GS Xuân nhấn mạnh.
“Ngoài việc phát bài tập đơn giản về nhà cho phụ huynh tham gia chấm điểm nhằm “lôi kéo” các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến việc học của con, chúng tôi còn dành vị trí trang trọng trên website của trường là “Diễn đàn phụ huynh” để bậc cha mẹ tham gia phản ánh, trao đổi với nhà trường những vấn đề cần quan tâm, hình thành môi trường giáo dục giúp học sinh phát triển toàn diện”.
Bán căn nhà kỷ niệm để xây trường chất lượng “Tây”, nhiều bậc phụ huynh ở Long Xuyên náo nức chờ đợi ngôi trường ra đời ngay trung tâm vừa để con em có môi trường học hành tốt nhất, vừa để có dịp ủng hộ trả nghĩa nhà khoa học gắn bó với người nghèo. Nghĩa là nó hoàn toàn có khả năng hái ra tiền nếu được đặt tại địa bàn đô thị. 
Thế nhưng tất cả đã nhầm... Ngày 12/9/2011, Trường SNTH chính thức có cơ ngơi mới khang trang tại phường Mỹ Hòa (TP.Long Xuyên) sau 2 năm “ở tạm”. Gọi phường là ăn theo “hồn vía” của TP.Long Xuyên, bởi thực chất Mỹ Hòa vẫn là vùng nông thôn, đa số người dân còn nghèo. “Nhiều nhà đầu tư giáo dục ngán vùng sâu vì sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ, còn chúng tôi thích vùng sâu là vì muốn mang lợi nhuận to lớn nhất đến cho người nghèo” - thầy Xuân nói.
Sau hơn 50 năm hiến tuổi xuân vào tận các vùng “khỉ ho, cò gáy” giúp nông dân đẩy lùi phèn mặn, đánh thắng giặc sâu rầy, đạt năng suất cao trong nông nghiệp hay dấn thân vào cuộc chiến bảo vệ giá cả nông sản và đề xuất hướng làm tăng lợi tức cho nông dân, giờ đây ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông lại mang gia tài cuối cùng của cuộc đời để thực hiện cuộc dấn thân mới: Giúp con em những người nông dân “một nắng hai sương” có cơ hội vào học trường chất lượng cao để thoát khỏi vùng trũng giáo dục, vươn lên kết nối toàn cầu. Tấm lòng của ông tươi đẹp như mùa xuân, như chính tên của ông: Xuân, Võ Tòng Xuân.
Theo Lục Tùng/Lao động