Dạy học thảo luận nhóm, biết là "thuốc" tốt sao ít dùng?

09/02/2016 08:24
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Có phải “học trò lười, ngại thảo luận, giao tiếp kém, năng lực ngôn ngữ yếu…” hay nhà giáo chưa hiểu hoặc chưa biết cách sử dụng phương pháp thảo luận nhóm?

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Lự đề cập về vấn đề cách sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong ngành giáo dục.

Theo thầy, chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề căn bản về cơ sở vật chất và sĩ số, về con người và quản lý, về chương trình và sách giáo khoa, khi đó nhà trường phổ thông sẽ làm tốt và hiệu quả các phương pháp dạy học theo nhóm học sinh.

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này.
 

“Thuốc tốt” sao chưa dùng? 

Nhà trường nước ta hiện nay đã đủ điều kiện để triển khai phương pháp dạy học chia và thảo luận nhóm?

Trong nhiều báo cáo sáng kiến kinh nghiệm các cấp đều đánh giá cao và hiệu quả đã phản ánh đúng thực trạng của cách dạy học này? Việc áp dụng tràn lan và theo các giờ học mẫu có phản ánh khách quan về phương pháp thảo luận nhóm?

Nhà nước và nhân dân nỗ lực xây dựng và trang bị điều kiện học tập nhưng phần lớn chưa đảm bảo đồng bộ với các phương pháp dạy học tích cực. 

Thiết bị kém chất lượng, không thể đem dùng; phòng học bộ môn quá thiếu; bàn ghế đôi, phòng học và sĩ số tiêu chuẩn chật hẹp; đội ngũ giáo viên trình độ khập khiễng, bảo thủ và trì trệ; chế độ đãi ngộ thiếu công bằng; đời sống nhà giáo thanh bần; đội ngũ quản lý và bệnh thành tích, thi cử, việc làm…có thể là những đường nét, màu sắc chủ đạo của bức tranh giáo dục nước ta.

Phương pháp giáo dục tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo người học đòi hỏi những điều kiện cần thiết tối thiểu. Trường lớp đủ phòng học, phòng bộ môn tiêu chuẩn; các đồ dùng và thiết bị đúng yêu cầu; trình độ chuyên môn giáo viên đạt chuẩn; chương trình phù hợp…

Lớp đông học sinh, chia nhóm làm sao đây? (Ảnh: Nguyễn Văn Lự)
Lớp đông học sinh, chia nhóm làm sao đây? (Ảnh: Nguyễn Văn Lự)

Giáo viên chia học sinh theo nhóm và thảo luận nhất thiết phải có không gian và bàn ghế phù hợp. 

Vì sao nhiều thầy cô không thể sử dụng phương pháp thảo luận nhóm? Làm cách nào để phương pháp thảo luận nhóm được sử dụng như một phương pháp giảng dạy tốt tích cực? 

Có phải  “học trò lười, ngại thảo luận, giao tiếp kém, năng lực ngôn ngữ yếu…” hay do chính nhà giáo chưa hiểu hoặc chưa biết cách sử dụng phương pháp thảo luận nhóm?

Có thể nói, phần lớn các giờ học giáo viên sử dụng phương pháp thảo luận nhóm hiện nay đang làm cho có cho xong nhưng không tác dụng. Giờ học nháo nhào, nhàm chán, thường không hết nội dung bài học. 

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận ra lỗi thuộc thầy cô và cán bộ quản lý. Một phòng học bàn ghế san sát, lớp đông chật cứng, thầy vẫn dõng dạc chia thành nhóm, giao đề tài và vẫn có nhóm trưởng thuyết trình. 

Nhiều giáo án vẫn phải bắt buộc (lãnh đạo yêu cầu) ghi rõ phương pháp chia nhóm và ngay cả không ai dự giờ cũng vẫn dùng. Sự tác động mang tính chủ quan của người dạy rất giáo điều và cứng nhắc khi sử dụng phương pháp thảo luận nhóm. Cho dù chia theo nhóm hỗn hợp hay theo đối tượng, theo dự án ở nhà… cũng dẫn đến thất bại. 

Không phải giờ học nào, môn nào cũng kê lại bàn ghế hay chia nhóm thảo luận. Riêng việc di chuyển về phòng có máy chiếu, phòng bộ môn để học cũng đã rất phiền phức. 

Dạy học thảo luận nhóm, biết là "thuốc" tốt sao ít dùng? ảnh 2

Học sinh Thủ đô Hà Nội học lớp học mới (VNEN) như thế nào?

(GDVN) - Có thể, mô hình học mới (VNEN) mang lại sự tự tin cho nhiều học trò. Nhưng nếu cơ sở vật chất không đảm bảo, sĩ số lớp 50 - 60 em/lớp thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Chúng ta bỏ nhiều công sức và thời gian để nghe ý kiến của một vài em học khá tích cực và cũng chỉ các em đó nói được.

Dự án mô hình lớp học mới VNEN, kê bàn thành “mâm” chỉ đúng với lớp có bàn, ghế đơn và phòng đủ rộng. Ghế đôi hay đơn, khi giáo viên hướng dẫn, hơn một nửa học sinh đều phải nghẹo cổ xoay hướng. 

Một số trường bậc THPT đang hạ bục giảng, chia nhóm học sinh theo VNEN có thể còn mâu thuẫn hơn nhiều cách các thầy dùng phương pháp thảo luận nhóm trong lớp đông và bàn ghế chật cứng. 

Đó là nguy cơ rơi toàn trường, toàn diện các môn về chất lượng đào tạo giáo dục phổ thông. Sự vội vã đem dùng khi mọi người chưa hiểu nhiều về phương pháp tổ chức nhóm có thể chỉ giúp bản báo cáo thành tích thêm màu sắc mới.

Bằng cách nào sử dụng phương pháp thảo luận nhóm?

Vấn đề quan trọng nhất không phải thầy cô dạy học như thế nào mà là bằng cách nào để sử dụng thảo luận nhóm cho học sinh trong điều kiện có thể. 

 Giáo dục hiện đại thế giới ghi nhận tác dụng tốt nhiều phương pháp dạy học tích cực: Bàn tay nặn bột, Khăn trải bàn, Các mảnh ghép, Sơ đồ tư duy với hàng loạt các kỹ thuật giáo dục bổ trợ: Động não, XYZ, Bể cá, Ổ bi, Tia chớp, 3 lần 3, Thông tin phản hồi…

Giáo dục nước ta cũng đã và đang kế thừa, sử dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài. Sau những cuộc tập huấn như cưỡi ngựa xem hát, các Dự án đi vào giai đoạn thực thi đại trà toàn quốc. 

Không ít thầy cô bối rối khi không thể sắp xếp được bàn ghế để trò nhóm học hoặc bế tắc khi nêu đề tài mà học sinh không thể quay lại bàn dưới để nghe, bàn bạc thảo luận.

về nhà chuẩn bị cũng không thể, học sinh chẳng nhẽ chỉ học một tiết một môn? Chia nhóm hai em theo bàn thì khác gì phương pháp cũ.

Dạy học thảo luận nhóm, biết là "thuốc" tốt sao ít dùng? ảnh 3

Hà Nội từng nhận được phản đối của phụ huynh về mô hình trường học mới (VNEN)

(GDVN) - Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có 114 trường tiểu học áp dụng mô hình học mới (VNEN).

Câu chuyện “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà” thời Hợp tác xã toàn “cuốc” cuối những năm 70 của thế kỷ XX ở miền Bắc nước ta đưa ồ ạt máy cày lớn, máy gặt đập liên hoàn vào đồng ruộng nhỏ hẹp, cao thấp, phá bờ cuốc góc rồi lại đắp bờ, gợi liên tưởng đến việc chia nhóm học sinh thảo luận trong nhà trường phổ thông bây giờ.

Cái nhìn tổng thể về lâu dài, về đại cục sẽ giúp các nhà giáo nên làm và làm đến mức độ nào.

Các quốc gia phát triển làm từ cấp tiểu học và điều quan trọng, cuối thế kỷ XX, họ đã có đủ cơ sở vật chất giáo dục hiện đại; đội ngũ giáo viên, nhân viên giáo dục, chương trình và chính sách đạt chuẩn.

Người Pháp thận trọng thử nghiệm và nghiệm thu, năm 1996 cũng chỉ có 350 trường tiểu học sử dụng đầu tiên phương pháp Bàn tay nặn bột để từ đó làm nên câu chuyện nổi tiếng.

Điều cốt yếu nhất để sử dụng phương pháp thảo luận nhóm thành công là phòng học đủ diện tích, bàn đơn ghế đơn; sĩ số không quá 30 em/lớp. Mặt khác chương trình giáo dục khoa học, nhẹ nhàng và dành nhiều thời gian cho học sinh nghiên cứu, trải nghiệm, sáng tạo và vui chơi. 

Khi chúng ta chưa có những điều kiện cần và đủ, cán bộ và giáo viên, người học và nhân dân chưa hiểu thấu đáo phương pháp thảo luận nhóm, việc áp dụng quy mô lớn có thể làm phương pháp thảo luận nhóm thất bại. 

Nơi có điều kiện thuận lợi như các thành phố thị xã, bùng nổ sĩ số cả 3 cấp học làm cho việc học theo nhóm, phát huy khả năng chủ động của học sinh sẽ không thể triển khai. 

Tùy theo điều kiện từng nhà trường, các giáo viên có thể vận dụng phương pháp thảo luận nhóm trong một số giờ bộ môn khoa học tự nhiên, tránh áp dụng trong tất cả môn khác. 

Hãy tự học tập để nắm vững chắc các nguyên tắc, kỹ thuật theo nhóm và nâng cao năng lực chuyên môn, mỗi năm học sử dụng vài tiết phương pháp thảo luận nhóm. Các nhà trường không nên bắt buộc thầy cô theo cách giao chỉ tiêu soạn và dạy phương pháp thảo luận nhóm.  

Tổ chức lớp học theo nhóm là thách thức lớn người thầy. Mục tiêu để học sinh làm việc theo nhóm cần tạo môi trường tất cả cùng tham dự và suy nghĩ bám vào chủ đề để tìm giải pháp giải quyết vấn đề. Thầy cô cần làm tốt các việc:

1-Chuẩn bị bài học đã chọn (bài có nội dung ngắn), dự kiến phương án câu hỏi phù hợp đối tượng, không quá khó và không dễ. Chọn vấn đề học sinh vừa làm vừa thuyết trình không quá 6 phút.

2-Dự kiến tình huống: chia mấy nhóm theo vấn đề và theo không gian, bàn ghế phòng học cho phép; điều kiện có hay không dạy giáo án điện tử...

3- Giao đề tài, hướng dẫn, điều hành và giám sát theo các nhóm học sinh.
 
4-Nhận xét, đánh giá tổng kết các ý kiến của học sinh. Kết thúc bài học.

Dạy học thảo luận nhóm, biết là "thuốc" tốt sao ít dùng? ảnh 4

Dạy tích hợp – Học sinh cần gì?

(GDVN)-“Thầy dạy nhiệt tình nhưng không nhồi nhét, không tạo áp lực căng thẳng lên học trò – Trò học chăm nhưng không thụ động - Học để biết làm từ những điều đã biết".

Phương pháp thảo luận nhóm trong trường phổ thông có thể phát huy tối đa khả năng tự học và sáng tạo của học sinh, giúp các em tự phát hiện và giải quyết vấn đề thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra. 

Nhờ đó học sinh hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ, góp phần hình thành tác phong và phương pháp làm việc của một nhà khoa học khi các em trưởng thành. 

Những lợi ích đó không mấy ai còn nghi ngờ và nhiều giáo viên đã, đang thực hiện. Khi chưa hiểu, khi chưa đủ điều kiện, thầy cô lạm dụng sẽ lợi ít hại nhiều, sẽ phá hỏng một phương pháp tốt hiện nay của nghề dạy học.  

Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề căn bản về cơ sở vật chất và sĩ số, về con người và quản lý, về chương trình và sách giáo khoa, khi đó nhà trường phổ thông sẽ làm tốt và hiệu quả các phương pháp dạy học theo nhóm học sinh.

Nguyễn Văn Lự