Đây là "thuốc chữa bệnh"... lạm thu

24/10/2017 07:22
Trần Vũ
(GDVN) - Nếu nắm rõ những quy định này và các tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc, chắc chắn nhiều hiệu trưởng sẽ không dám lạm thu.

LTS: Tình trạng lạm thu các khoản đầu năm trong nhà trường đã gây bức xúc lớn trong toàn xã hội.

Một số hiệu trưởng vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, tuy nhiên vấn nạn nà vẫn xảy ra ở nhiều địa phương.

Trong bài viết này, thầy giáo Trần Vũ chia sẻ một số biện pháp để giúp chấm dứt lạm thu trong trường học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Do để xảy ra lạm thu trong nhà trường, nên thời gian vừa qua đã có Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng;

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên, Thành phố Hải Phòng cũng bị kỷ luật cảnh cáo vì những sai phạm liên quan đến việc lạm thu đầu năm;

Còn ở Trường tiểu học Tiền An Thành phố Bắc Ninh, nhà trường đã phải tiến hành họp phụ huynh học sinh lớp 1 năm học 2017- 2018 để trả lại tất cả các khoản tiền của phụ huynh học sinh gồm tiền trái tuyến 4.000.000 đồng/ học sinh, tiền điều hòa 700.000 đồng/học sinh…

Thực trạng lạm thu trong trường học gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)
Thực trạng lạm thu trong trường học gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở trường học, một số địa phương như Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát các khoản thu theo tinh thần Thông tư 09/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo;  

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở trường học không được thu các khoản thu ngoài quy định hoặc thu vượt khung mức thu quy định;

Còn Uỷ ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng nghiêm cấm các trường thu các khoản tiền trái quy định trong năm học 2017- 2018.

Lạm thu trong nhà trường ở một số địa phương đã được xử lý nhưng liệu có chấm dứt được không?

Đây là "thuốc chữa bệnh"... lạm thu ảnh 2

Cử tri bức xúc, kiến nghị kiên quyết chấn chỉnh vấn nạn lạm thu

Thứ nhất, tôi cho rằng, nếu như tất cả giáo viên và cha mẹ học sinh nắm vững được Điều 10 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì chắc chắn lạm thu trong nhà trường sẽ không xảy ra và bức xúc trong dư luận xã hội sẽ không có như hiện nay.

Nội dung Điều 10 Thông tư 55 đó là:

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ;

Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường;

Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh và Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”;  

Do vậy, để chấm dứt lạm thu trong nhà trường, thiết nghĩ trước hết hiệu trưởng các cơ sở trường học công lập cần tổ chức triển khai Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kinh phí hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh, cho cán bộ, giáo viên nhà trường thông suốt.

Đây là "thuốc chữa bệnh"... lạm thu ảnh 3

Ậm ừ chuyện lạm thu, Hiệu trưởng trường Kim Đồng vẫn kêu bị vu khống

Như vậy, họ có cơ sở phản biện lại nếu như hiệu trưởng chỉ đạo sai các khoản đóng góp tự nguyện.

Hiện nay nhiều giáo viên ở trường phổ thông chưa hẳn đã nắm vững Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong đó có các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh.

Đó là chưa nói đến việc để yên thân họ không dám phản biện lại những chỉ đạo của Hiệu trưởng.

Mặt khác, các kỳ hội nghị phụ huynh học sinh trong năm học, hiệu trưởng cần chỉ đạo cho giáo viên chủ nhiệm triển khai cho tất cả phụ huynh nắm vững các khoản thu mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu;

Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động của Ban đại diện;

Bởi ở nhiều trường học hiện nay, cha mẹ học sinh đến dự hội nghị phụ huynh cứ nghĩ là để đóng tiền trường, do họ không nắm được các khoản thu mà Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp, nên phải “cắn răng” đóng góp và không ai có ý kiến, vì con của họ đang học tại trường.

Thứ hai là, nếu như nắm vững được điều 15 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều hiệu trưởng các cơ sở trường học sẽ không dám chỉ đạo thu các khoản trái quy định, dù mượn danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện.

Theo đó, nếu “Vi phạm các quy định của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nguồn gốc của lạm thu hiện nay trong trường học phần nhiều là do hiệu trưởng đề xuất.

Do đó, thiết nghĩ cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần có công văn hướng dẫn cụ thể cho hiệu trưởng các cơ sở trường học biết và thực hiện nghiêm túc các khoản thu theo quy định.

Song song đó quy trách nhiệm, cắt danh hiệu thi đua, xử lý kỷ luật cũng như luân chuyển những hiệu trưởng để xảy ra lạm thu trong nhà trường.

Thứ ba, quan trọng hơn, là ngành giáo dục và chính quyền địa phương cần làm tròn trách nhiệm được quy định ở Điều 12 Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây là "thuốc chữa bệnh"... lạm thu ảnh 4

Phụ huynh xem con như châu báu, hiệu trưởng được đà... lạm thu

Đó là:

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh, kịp thời chấn chỉnh vi phạm trong việc thực hiện Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh”.

Tôi tin rằng, nếu như chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục cấp trên chịu khó tìm hiểu, lắng nghe phản ánh của giáo viên, của phụ huynh học sinh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, qua tọa đàm trong dịp lễ khai giảng năm học, qua dự hội nghị cha mẹ học sinh (nếu có con, cháu đi học)… thì không thể nào không biết tình hình lạm thu trong nhà trường, để chấn chỉnh.

Thứ tư, nếu như Ban Thanh tra nhân dân các cơ sở trường học thực hiện đúng chức trách được quy định theo Nghị định 159/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tôi tin rằng, sẽ ngăn chặn được tình trạng lạm thu trong nhà trường.

Quy định đó là:

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Lâu nay vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trường học chưa được phát huy trong việc đấu tranh phòng, chống lạm thu trong trường học.

Do đó, thiết nghĩ Công đoàn ngành giáo dục cần có công văn hướng dẫn cho các Công đoàn cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân trường học giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong nhà trường, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ huynh học sinh.

Nếu được ngăn chặn đồng bộ như thế, nhiều hy vọng lạm thu trong trường học sẽ được chấm dứt trong một thời gian không xa.

Trần Vũ