Dạy liên kết ngoại ngữ, nhà trường "ăn" các kiểu nhưng cố tình giấu nhẹm!

19/12/2016 07:30
Trinh Phúc
(GDVN) - Đằng sau những cuộc "bắt tay ngầm" giữa doanh nghiệp và nhà trường, người đang hứng chịu thiệt thòi, không ai khác, chính là phụ huynh và con họ.

LTS: Tiếp tục câu chuyện ăn chia trong hoạt động Liên kết ngoại ngữ ở các trường Tiểu học trên địa bàn Hà Nội, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục đề cập đến khoản thu lợi của nhà trường mà bấy lâu phụ huynh không được nắm rõ.

Cùng với đó, việc ăn chia, đấu đá giữa các doanh nghiệp trong liên kết ngoại ngữ đang làm đục môi trường sư phạm vốn đòi hỏi sự trong sạch.

Đằng sau những cuộc "bắt tay ngầm" giữa doanh nghiệp và nhà trường, người đang hứng chịu thiệt thòi về tài chính là các phụ huynh, còn con em họ thì chưa chắc đã học được gì.

Nhà trường "ăn" nhiều kiểu nhưng cố tình giấu nhẹm!

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh những bất cập liên quan đến hoạt động dạy tiếng Anh liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội trong các bài viết:

 "Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội";

"Hiệu trưởng trình độ ngoại ngữ kém thì giám sát liên kết tiếng Anh kiểu gì?";

"Học một lúc nhiều chương trình ngoại ngữ, con dốt mà cha mẹ không biết do đâu?";

"Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận"

Trong đó chúng tôi chỉ ra nhiều vấn đề bất cập của việc dạy và học chương trình tiếng Anh liên kết. 

Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nơi đang dạy tiếng anh liên kết (ảnh Trinh Phúc).
Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nơi đang dạy tiếng anh liên kết (ảnh Trinh Phúc).

 Sau các bài báo trên, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều phản hồi từ phía cơ quan chức năng, doanh nghiệp và bạn đọc. Hiện xung quanh việc này còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Lý giải về việc cùng tồn tại một lúc nhiều chương trình liên kết ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng:

"Việc dạy và học liên kết ngoại ngữ là chương trình mang tính xã hội hóa, phát sinh từ nhu cầu thực tế. 

Có nhu cầu thì mới có việc cung cấp các chương trình như vậy còn nếu không có nhu cầu chắc chắn sẽ không có “đất” để các chương trình liên kết ngoại ngữ được thực hiện. 

Không thể phủ nhận một thực tế là nhu cầu học tiếng Anh của phụ huynh và học sinh là rất lớn cho nên số lượng các trường thực hiện các chương trình liên kết càng ngày càng nhiều.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo về vấn đề kinh phí: thu đủ chi và phải có sự thỏa thuận và thống nhất với cha mẹ phụ huynh học sinh.

Việc cho phép nhiều đơn vị tham gia cung cấp chương trình sẽ gây áp lực lên các đơn vị đào tạo hạ giá thành nâng cao chất lượng dịch vụ".

Dạy liên kết ngoại ngữ, nhà trường "ăn" các kiểu nhưng cố tình giấu nhẹm! ảnh 2Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận

Trái ngược với quan điểm của ông Phạm Xuân Tiến, nhiều bạn đọc lại có góc nhìn hoàn toàn khác.

Việc tồn tại nhiều chương trình đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc tranh giành thị phần, chơi xấu lẫn nhau mà những chiêu trò đó là không phù hợp với môi trường sư phạm đòi hỏi sự trong sạch. 

Cụ thể, anh Trần Ngọc Lâm hiện là Giám đốc của một trung tâm ngoại ngữ ở quận Cầu Giấy cho rằng:

 "Thông tin về tỉ lệ ăn chia 80% của doanh nghiệp và 20% thuộc về nhà trường ở bài  "Dạy liên kết ngoại ngữ, chia chác đủ kiểu doanh nghiệp vẫn siêu lợi nhuận" chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trên thực tế, nhà trường Tiểu học hiện nay "ăn đậm" hơn nhiều và bằng nhiều cách khác nhau để moi tiền phụ huynh và doanh nghiệp.  

Tỉ lệ chia chác giữa nhà trường và doanh nghiệp có những chương trình liên kết lên đến 50% - 50%". 

Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình tiếng Anh đơn giản chỉ vì lợi nhuận (ảnh mang tính minh họa - Trinh Phúc).
Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình tiếng Anh đơn giản chỉ vì lợi nhuận (ảnh mang tính minh họa - Trinh Phúc).

Lý giải về tỉ lệ đáng ngạc nhiên như trên, anh Trần Ngọc Lâm cho rằng:

"Hiện nay, giáo viên dạy liên kết là giáo viên trong các trường Tiểu học, nếu thiếu thì mới tiến hành đưa giáo viên bên ngoài vào. 

Số tiền mỗi tiết mà giáo viên ở các trường Tiểu học dạy tùy thuộc vào học phí và chương trình nhưng tối thiểu là 50 nghìn đồng/một tiết học.

Tiền chi phí doanh nghiệp bỏ ra chi trả cho giáo viên ngoại ngữ trong trường giờ chiếm đến gần 20%.

Hiện giáo viên tiếng Anh ở các trường Tiểu học nhờ liên kết ngoại ngữ mà một lúc nhận hẳn hai lương.

Ngoài ra còn tiền quản lý tổ chức giảng dạy, tiền bồi dưỡng cùng nhiều khoản chi kín khác...".

Dạy liên kết ngoại ngữ, nhà trường "ăn" các kiểu nhưng cố tình giấu nhẹm! ảnh 4

Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội

Qua trao đổi với anh Trần Ngọc Lâm, chúng tôi mới thấy được vì sao đa số trường Tiểu học ở Hà Nội lại hồ hởi liên kết ngoại ngữ đến vậy.

Đơn giản số tiền thu về hàng tháng cho nhà trường và các thầy cô có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Tại một Trường Tiểu học ở quận Thanh Xuân một lúc liên kết với Language Link dạy chương trình "Our Discovery Island" và chương trình DynEd của công ty TNHH E& D. 

Mức học phí của Language Link là 3 triệu đồng/học kỳ. Trường này có 8 lớp tham gia học, mỗi lớp 30 học sinh.

Nếu tính theo tỉ lệ ăn chia là 50% - 50%, nhẩm tính cũng thấy nhà trường và giáo viên thu về hơn số tiền hàng trăm triệu đồng/ học kỳ.

Thêm chương trình tiếng Anh DynEd của công ty TNHH E&D, với mức học phí 200 nghìn đồng/ một học sinh/ tháng. 

Hơn chục lớp tham gia thì nhà trường, giáo viên nhận được chia nhau gần 300 triệu/học kỳ...

Cộng cả hai chương trình, trường Tiểu học này thu về con số gần nửa tỉ đồng chỉ trong một học kỳ. Đây là số tiền thu rất cao so với suy nghĩ của nhiều người.

Tóm lại, khi tham gia học liên kết tiếng Anh với các chương trình như:

Family&Friends; BME – KIDs; Our Discovery Island của Language Link; E – Connect;

Phonic Learning Box-UK; E-Study, DynEd; Victoria…nhà trường, giáo viên thu về một nguồn lợi tương đối béo bở.

Liệu những khoản thu như trên phụ huynh học sinh có được biết hay không? 

Cũng liên quan đến vấn đề này, anh Phạm Ngọc Th. Phó Giám đốc một doanh nghiệp có chương trình ngoại ngữ liên kết (xin được giấu tên) tố rằng:

"Các trường học giờ họ có đủ trò để rút tiền từ doanh nghiệp.

Nói học phí đắt đỏ, rơi vào túi tiền của doanh nghiệp đúng nhưng nhà trường và giáo viên còn ăn đậm không kém.

Số tiền đó phụ huynh đâu có biết, họ cũng không thể nắm được nhà trường vì sao lại ăn nhiều như thế".

Doanh nghiệp đánh nhau nhà trường đắc lợi!

Vì miếng bánh liên kết ngoại ngữ béo bở nên các doanh nghiệp tranh nhau thị phần từ đó nảy sinh việc đấu đá, đi đêm, cạnh tranh không lành mạnh.  

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội thì cho rằng:

"Nhiều doanh nghiệp cùng cạnh tranh thì các đơn vị phải giảm giá dịch vụ, tồn tại như vậy về lâu dài sẽ có lợi hơn cho phụ huynh và học sinh.

Thực tế trong liên kết ngoại ngữ, không phải doanh nghiệp nào cũng vớ bở. 

Còn có những doanh nghiệp làm ăn không đủ chi phí trả cho giáo viên người nước ngoài, rồi tiền đi lại xăng xe nên đã phá sản".

Trái với quan điểm của ông Phạm Xuân Tiến, trên thực tế phóng viên chưa thấy mức học phí dạy tiếng Anh liên kết giảm đi theo từng năm mà ngược lại còn tăng.

Dạy liên kết ngoại ngữ, nhà trường "ăn" các kiểu nhưng cố tình giấu nhẹm! ảnh 5

Học một lúc nhiều chương trình ngoại ngữ, con dốt mà cha mẹ không biết do đâu?

Anh Nguyễn Ngọc Minh giám đốc một trung tâm Anh ngữ ở quận Đống Đa chia sẻ: 

"Việc dạy học liên kết đối với các doanh nghiệp có thể ví như đi trên dây. 

Không vừa ý lãnh đạo nhà trường coi như họ tìm cách đì cho bật bãi.

Ngay cả việc, lấy ý kiến phụ huynh về chương trình, nếu doanh nghiệp không biết cách lo lót khéo léo thì coi như ăn đòn nhà trường và giáo viên trong trường.

Phụ huynh thì luôn nghe lời giáo viên và Hiệu trưởng, vào cuối năm bỏ phiếu về chương trình mà không có họ đỡ lời cho thì coi như năm sau "nghỉ hưu non".

Vì lẽ đó, người nắm cuộc chơi trong hoạt động dạy học liên kết tiếng Anh không phải các doanh nghiệp mà chính là nhà trường.

Chính vì phải hầu hạ nhà trường đủ điều, nhiều doanh nghiệp không thể chiều lòng được nhà trường đành từ bỏ dạy liên kết ngoại ngữ".

Càng tìm hiểu sâu về hoạt động dạy liên kết ngoại ngữ, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam càng thấy khó hiểu. 

Nhiều Hiệu trưởng nhà trường luôn tìm cách né tránh các câu hỏi của phóng viên đặc biệt các câu hỏi đề cập trực tiếp đến vấn đề tiền bạc. 

Đơn cử như Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh khi được hỏi thì lấy lý do đang bận, không giữ hồ sơ nên không nắm rõ.

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt lịch làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đã hơn hai tuần nhưng không có hồi âm.

Chính thái độ mập mờ càng cho thấy còn tồn tại nhiều bất cập trong hoạt động dạy tiếng Anh liên kết hiện nay. 

Trinh Phúc