Dễ dàng phá “bẫy” trong câu hỏi nhận biết và thông hiểu môn Giáo dục công dân

08/06/2018 06:38
Thùy Linh
(GDVN) - Thầy Năng cũng đặc biệt nhấn mạnh cho học sinh về nguy cơ mắc “bẫy” ở các câu hỏi có phương án sử dụng từ ngữ khá giống nhau nhưng lại sai về nghĩa.

Nhiều sĩ tử lầm tưởng rằng những câu nhận biết và thông hiểu môn Giáo dục công dân rất dễ xử lí và lấy điểm.

Tuy nhiên, Thạc sĩ Trần Văn Năng - giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân tại trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết, đây lại là phần câu hỏi mang tính gài “bẫy” khiến nhiều sĩ tử rơi vào tình huống mất điểm chỉ vì chủ quan trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018. 

Các câu hỏi này đều đưa ra những phương án khá giống nhau, dễ gây sự nhầm lẫn cho học sinh, nếu các em không đọc kĩ đề bài và không vững kiến thức sẽ bị “đánh lừa” ngay.

Lưu ý “bẫy” của câu hỏi tình huống

Thầy Năng nhấn mạnh, học sinh nên lưu ý kĩ các “bẫy” của những câu hỏi tình huống.

Thông thường, các câu hỏi lắt léo này sẽ đưa ra tình huống một đằng nhưng lại hỏi một nẻo làm cho học sinh mất tập trung và dẫn đến câu trả lời sai. 

Ví dụ trong một câu hỏi tình huống: Chị L. lấn chiếm vỉa hè để trông giữ xe. Anh K. là cảnh sát trật tự an toàn giao thông đến nhắc nhở nhiều lần nhưng lần nào chị L. cũng đưa anh 500 nghìn đồng và mong anh cho chị tiếp tục trông xe để lấy tiền nuôi gia đình. 

Trong lúc đưa tiền chị L. cố tình quay lại video và còn cố làm những cử chỉ thân mật với anh K. Chị L. gửi video đó cho vợ anh K. và yêu cầu anh K. không đến làm phiền chị nữa nếu không chị sẽ gửi đơn kiện anh để anh bị mất việc. 

Vợ anh K. búc xúc liền thuê người bắt cóc con gái chị L. và nhốt 3 ngày không thả. Trường hợp trên ai vi phạm hành chính?

A. Chị L.

B. Chị L. và anh K.

C. Vợ chồng anh K. và chị L.

D. Vợ chồng anh K. 

Rõ ràng ở câu hỏi trên, tình huống đặt ra là cả ba nhân vật là chị L., anh K. và vợ anh K. đều có hành vi không đúng với pháp luật, mỗi người đều có hành vi vi phạm khác nhau.

Tuy nhiên, yêu cầu chính của câu hỏi lại là “ai vi phạm hành chính?”. 

Trong câu hỏi này, học sinh rất dễ bị phân tâm bởi tình huống đưa ra rất nhiều hành vi sai trái của các nhân vật, nhưng lại chỉ yêu cầu trả lời về vi phạm hành chính. 

Vì thế, khi gặp dạng câu hỏi này, các em chỉ cần đọc kĩ yêu cầu của đề bài, sau đó phân tích các đáp án đưa ra, dùng phương pháp loại trừ đáp án không liên quan từ đó đi đến lựa chọn đáp án chính xác nhất.

Ở câu hỏi trên, đáp đúng là A.

Trong đề thi tham khảo trung học phổ thông quốc gia 2018, các câu hỏi tình huống được đưa ra rất nhiều trong đề thi, tuy không phải là dạng câu hỏi khó nhưng cũng khiến các em chọn nhầm đáp án vì câu hỏi thường hay có tính gài “bẫy”. 

Thầy Năng đưa ra những câu hỏi tình huống có “bẫy” trong đề thi minh họa môn Giáo dục công dân trong kỳ thi quốc gia năm 2018.
Thầy Năng đưa ra những câu hỏi tình huống có “bẫy” trong đề thi minh họa môn Giáo dục công dân trong kỳ thi quốc gia năm 2018.

Chú ý câu hỏi có phương án sử dụng từ ngữ khá giống nhau

Thầy Năng cũng đặc biệt nhấn mạnh cho học sinh về nguy cơ mắc “bẫy” ở các câu hỏi có phương án sử dụng từ ngữ khá giống nhau nhưng lại sai về nghĩa, nếu học sinh không phân tích kĩ từng phương án sẽ dẫn đến việc chọn nhầm đáp án ngay.

Ví dụ: Ở bài số 2 (trang 17, sách giáo khoa lớp 12) khi hỏi về bốn hình thức thực hiện pháp luật, ở bài số 4 (trang 33, sách giáo khoa lớp 12) về nội dung bình đẳng trong lao động, một số đề thi của các sở đều đưa ra những câu hỏi có phương án sử dụng từ ngữ tương đối giống nhau nhưng sai về nghĩa.

Học sinh nếu không đọc kĩ yêu cầu của đề bài cũng sẽ dễ dàng sa vào “bẫy” ngay của các câu hỏi này. 

Một câu hỏi có “bẫy” về sự giống nhau trong các đáp án:

Anh A đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để giải quyết thì anh A phóng xe bỏ chạy. Khi cảnh sát đuổi đến gần thì anh A đạp và húc vào xe cảnh sát, làm cảnh sát giao thông bị trọng thương. 

Trong trường hợp trên, anh A đã không thực hiện hình thức thực hiện pháp luật nào?

A. Thi hành pháp luật.                                          B. Sử dụng pháp luật.
C. Tuân thủ pháp luật.                                          D. Áp dụng pháp luật.

Trong câu hỏi trên, các đáp án đều sử dụng những từ ngữ dễ gây nhầm lẫn về nghĩa: Thi hành - Tuân thủ, Sử dụng - Áp dụng.

Để chọn được đáp án đúng, đòi hỏi học sinh phải có khả năng phân tích nghĩa của từ để loại trừ được phương án nhiễu.

Ở câu hỏi trên, đáp án A là đúng.

Các em phải nắm vững được kiến thức cơ bản, xác định được câu hỏi đó nằm ở nội dung của bài nào trong sách giáo khoa và quan trọng hơn nữa là thường xuyên luyện đề để nắm vững được các dạng câu hỏi có “bẫy” như thế này” - Thầy Năng chia sẻ thêm.

Dễ dàng phá “bẫy” trong câu hỏi nhận biết và thông hiểu môn Giáo dục công dân ảnh 2
Thầy Trần Văn Năng đang tư vấn lộ trình ôn luyện thi quốc gia 2019 (Ảnh: thầy Năng cung cấp)

Bên cạnh đó, thầy Năng cũng dặn dò học sinh khóa 2001 về lộ trình và phương pháp ôn luyện cho kì thi quốc gia 2019. 

Các em phải xác đinh được trường và ngành nghề mà mình mong muốn học để lựa chọn sớm tổ hợp môn thi. Về phương pháp học, các em tập trung ôn kiến thức lớp 10 và 11 và nắm chắc kiến thức lớp 12, học đến đâu chắc đến đó. Nắm vững kiến thức cơ bản, không cần học thuộc lòng đối với các môn tổ hợp xã hội. Khái quát kiến thức đã học bằng sơ đồ tư duy cho dễ nhớ.  

Về lộ trình ôn luyện, các em phải vạch ra lộ trình ôn tập và quyết tâm thực hiện ngay từ bây giờ. 

Lộ trình gồm 3 mốc thời gian sau: Bắt đầu từ tháng 7, các em phải bắt tay vào ôn luyện toàn diện kiến thức trọng tâm lớp 10, 11 và 12 của các môn theo từng chuyên đề kiến thức. 

Giáo dục công dân là môn học cần vững lí thuyết cơ bản trong sách giáo khoa, việc ôn luyện toàn diện kiến thức cơ bản của cả 3 lớp vừa rèn được lý thuyết, vừa rèn khả năng vận dụng giải các dạng bài tập cụ thể. 

Đến tháng 1, khi các em đã nắm được kiến thức và các dạng bài tập cơ bản rồi thì sẽ chuyển sang luyện mọi dạng bài tập để hiểu được cách làm phương pháp làm của từng dạng bài. Qua đó rèn thêm kĩ năng làm bài nhanh và chính xác.

Khoảng 2 tháng trước khi thi (tháng 4/2019), giai đoạn cuối này các em sẽ bắt tay vào ôn luyện chọn lọc các kiến thức và các dạng bài trọng tâm để tăng điểm nhanh nhất.

Đặc biệt trong thời điểm này các em cần tích lũy các chiến thuật, phương pháp loại trừ đáp án nhiễu để tiết kiệm tối đa thời gian làm bài thi.

Với những lưu ý trong các câu hỏi nhận biết và thông hiểu môn Giáo dục công dân từ thầy Trần Văn Năng, hi vọng sẽ giúp mọi sĩ tử khóa 2000 đạt được kết quả cao trong kì thi quốc gia sắp tới. 

Thùy Linh