Để ôn thi 6 môn tốt nghiệp THPT hiệu quả

01/04/2013 14:19
Theo Tuổi Trẻ
Bộ GD-ĐT vừa công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT. Làm thế nào để ôn thi tốt các môn này? Các thầy cô có lời khuyên sau:

* Thầy NGUYỄN QUANG MINH (tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM):

Tôi khuyên các em học sinh không nên học thuộc lòng mà nên học - hiểu những nội dung chính của từng bài/chương từ 1-2 lần, sau đó xếp sách lại, tập ghi dàn ý chính của bài đó (nếu quên thì lật sách ra xem). Tiếp theo, các em tự trả lời những câu hỏi ở sách giáo khoa và sách bài tập. Nếu câu nào không trả lời được hoặc không tự tin, các em có thể xem lại nội dung của bài đó kỹ hơn; nếu cần thì có thể trao đổi với các bạn hoặc thầy cô.

Các em cứ học lần lượt từng bài trong chương như vậy cho đến khi hết một chương thì tổng kết chương đó bằng dàn bài tổng quát. Bên cạnh đó, các em hãy tìm ra mối liên hệ của các bài qua những đặc điểm: về khái niệm, về nguyên nhân, về cơ chế, về vai trò, về chức năng...

Các thí sinh dự thi môn địa lý tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 - Ảnh: Minh Đức
Các thí sinh dự thi môn địa lý tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012 - Ảnh: Minh Đức

Sau khi đã học hết các bài trong chương, học sinh hãy tóm tắt lại những ý chính cần nhớ và tìm những điểm giống nhau, khác nhau của từng quy luật để rút ra kết luận. Khi đã học xong hết lý thuyết trong sách giáo khoa, cần ôn lại thì học sinh nhìn vào cuốn tập đã ghi chép dàn ý lúc đầu để nhớ lại một cách tổng quát của từng bài hoặc từng chương.

* Cô TRẦN THỊ PHƯƠNG THẢO (giáo viên môn hóa Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Khi ôn thi, học sinh cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập sơ đồ mối quan hệ giữa các chất, chịu khó học các phương trình phản ứng hóa học. Điều đặc biệt là phải xem lại một số tính chất vật lý, trạng thái tự nhiên, ứng dụng của các chất (trong quá trình ôn thi, học sinh thường tập trung vào tính chất hóa học trong khi đề thi trắc nghiệm lại hay ra về tính chất vật lý).

Khi làm bài thì nên làm lý thuyết trước, bài tập sau vì số lượng câu hỏi lý thuyết nhiều hơn câu bài tập.

* Cô HOÀNG THỊ THU HIỀN (giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Muốn ôn thi và làm bài thi môn văn được tốt, ngoài việc nắm vững kiến thức học sinh phải biết kỹ năng làm bài, kỹ năng phân tích tác phẩm theo thể loại. Theo tôi, cần lưu ý những điểm sau: phần mở bài bao giờ cũng phải giới thiệu chung về tác giả, nội dung sáng tác, phong cách nghệ thuật, xuất xứ hoàn cảnh sáng tác, chủ đề tác phẩm. Nếu có phần mở bài riêng thì phần này sẽ được đẩy xuống phần đầu tiên của thân bài. Phần thân bài chú ý phân tích theo đặc điểm thể loại. Ví dụ như: văn xuôi phải làm nổi bật được đặc điểm của nhân vật trên các phương diện. Sau khi phân tích, phải đánh giá về nhân vật: đại diện cho tầng lớp nào, thể hiện ý đồ gì của tác giả... Bên cạnh giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, các em cần phải phân tích những phương tiện nghệ thuật để biểu đạt nội dung.

Về bài văn nghị luận xã hội, bao gồm các ý sau: về tư tưởng đạo lý (giới thiệu vấn đề, giải thích khái niệm, bàn luận: lý do - biểu hiện - ý nghĩa, thái độ đối lập: nâng cao đánh giá, bài học nhận thức và hành động); về một hiện tượng xã hội (giới thiệu vấn đề, giải thích khái niệm, phân tích thực trạng - hậu quả, tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục, bài học nhận thức và hành động cho bản thân).

* Thầy ĐOÀN THẾ OAI (giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM):

Học sinh cần học những từ, ngữ cơ bản theo chủ đề trong sách giáo khoa. Học và hiểu các cấu trúc ngữ pháp trong chương trình. Rèn luyện kỹ năng đoán được, chọn được keyword trong câu (từ tải ý nghĩa chính trong câu) để hiểu được câu đó thuộc cấu trúc nào, thuộc đề tài nào. Phân biệt được danh từ và tính từ.

Khi làm bài, nên đọc một lượt tất cả các câu, câu nào dễ thì làm ngay.

* Thầy TRẦN NGÔ (nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):

Học sinh phải nắm vững kiến thức, nhớ các công thức, định lý và biết cách vận dụng chúng để giải được bài tập. Nên tự làm các bài tập, làm lại các ví dụ trong sách giáo khoa, sách bài tập. Khi làm xong một bài toán ta nên tập thói quen kiểm lại kết quả vừa tìm được, vì nếu không rất dễ bỏ qua những sai sót một cách ngớ ngẩn. Muốn làm một bài toán đạt hiệu quả cao, ta cần có cả kiến thức và kỹ năng thực hành. Có nhiều học sinh khi nghe giảng thì hiểu nhanh, nhưng khi trình bày một bài giải hoàn chỉnh lại tỏ ra lúng túng. Nguyên nhân chính là khi ôn tập, các em thường chỉ nghĩ ra cách giải mà không chịu làm đầy đủ các bước để đi đến kết quả cuối cùng.

Ngoài ra trong thời gian ôn tập, các em cũng cần rèn luyện cho mình thói quen làm bài liên tục 180 phút không nghỉ. Lúc đó vào phòng thi, trí óc ta mới còn minh mẫn đến những phút cuối buổi thi.

* Cô VŨ THỊ BẮC (giáo viên môn địa Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Đầu tiên, học sinh nên chọn cho mình một cách học phù hợp nhất để nhớ bài một cách tốt nhất. Nhìn tổng thể sách giáo khoa địa lý lớp 12 được chia ra làm bốn phần: địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý kinh tế và địa lý vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Trước tiên, các em cần có kiến thức nền trong phần tự nhiên, dân cư, kinh tế và cuối cùng là tổng hợp trong địa lý vùng kinh tế. Các em có thể hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy, sơ đồ hình cây, bảng hệ thống... Dù làm cách nào cũng đòi hỏi các em phải có sự đầu tư cho việc hệ thống hóa lại bài học.

Sau khi đã hệ thống các bài, các em có thể đi vào chi tiết từng bài. Mỗi bài các em cũng có thể hệ thống lại xem có bao nhiêu nội dung chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ..., dùng bút màu tô đậm những phần quan trọng hoặc gạch dưới những ý chính. Các em làm theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết, từ khái quát đến cụ thể. Có thể ghi mỗi bài ra từng tờ giấy riêng rồi sau đó tập hợp lại, cũng là một cách để nhớ, mà không nhất thiết phải cầm cả cuốn sách giáo khoa để học, vừa không gây cảm giác nặng nề mà còn giúp chúng ta hệ thống bài học.

Đối với môn địa lý, cái mà các em sợ nhất chính là số liệu. Tuy nhiên, không nhất thiết các em phải nhớ hết số liệu, mỗi ý chúng ta chỉ cần một dẫn chứng, nếu có hai số liệu (phần trăm hoặc số liệu thực tế) chúng ta có thể chọn một trong hai. Nếu không thể nhớ chính xác các số liệu thì có thể nhớ gần đúng theo kiểu khoảng, gần bằng, lớn hơn...

Theo Tuổi Trẻ