Đề tham khảo trung học phổ thông phân hóa cao

16/05/2017 06:15
Phương Linh
(GDVN) - Nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh khi được hỏi về đề tham khảo đều khẳng định rằng, đề có tính phân hóa cao, bám sát nội dung và kiến thức sách giáo khoa

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố các đề thi tham khảo của 14 môn thi cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng, phấn khởi trước việc đề “dễ thở” so với nhiều đợt trước đó.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Văn Phước – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), Thành phố Hồ Chí Minh (chuyên môn dạy Toán) nói rằng, đề thi tham khảo Toán đợt này có tính phân hóa tốt, cách sắp xếp câu hỏi rất hợp lý.

Theo thầy Phước, các câu hỏi trong đề tham khảo được phân chia tốt, chỉ có khoảng 30 – 40% câu hỏi trong đề để phân hóa học sinh, còn lại là hầu hết đều bám sát các kiến thức nằm trong sách giáo khoa lớp 12.

Với đề tham khảo này, thầy Lê Văn Phước khẳng định rằng, một học sinh học Toán bình thường cũng có thể đạt được từ 5 đến 6 điểm, còn nếu học khá hơn thì có thể lấy 7, 8 điểm là hoàn toàn bình thường.

Học sinh thành phố tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm trước (ảnh: P.L)
Học sinh thành phố tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia những năm trước (ảnh: P.L)

Dù vậy, thầy Phước cũng dự đoán, đề thi tham khảo này chắc chắn sẽ chưa phải là cuối cùng, và Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải lấy cả 3 lần đề thi tham khảo đã công bố, trộn câu hỏi lại để ra một đề thi chính thức cho học sinh thi.

Đề tham khảo trung học phổ thông phân hóa cao  ảnh 2

Bộ Giáo dục không khuyến khích các trường cho học sinh thi thử

Với môn Hóa, thầy Trịnh Hoàng Quân – tổ trưởng tổ Hóa, Trường Võ Thị Sáu cũng đánh giá, đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là dễ, chỉ có một ít câu dành cho học sinh có sức học khá, giỏi.

Nội dung đề thi cũng bao quát hết cả chương trình của khối lớp 12, nhưng lượng câu hỏi cần tính toán hơi nhiều, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng tính toán nhanh, còn nếu làm chậm quá thì không kịp giờ.

Học sinh chỉ cần có sức học trung bình, thầy Trịnh Hoàng Quân đánh giá hoàn toàn có thể nhận được 5 điểm trở lên, còn nếu các em có sức học khá giỏi ở môn này có thể lấy được 9, 10 điểm nếu các em chịu khó giải nhiều đề thi tham khảo, khả năng làm bài tập nhanh, tốt.

Còn ở môn , thầy Nguyễn Văn Mỹ - tổ trưởng tổ Lý, Trường Võ Thị Sáu nói, đề thi tham khảo cũng hoàn toàn hợp lý. Thậm chí, thầy Mỹ còn nói nhiều câu hỏi có tính phân hóa này còn dễ hơn các đề thi tuyển sinh Đại học của nhiều năm trước rất nhiều.

“Đây là một đề thi tham khảo có tính phân loại rõ ràng. Chỉ cần học sinh học tốt các câu hỏi lý thuyết, làm được một số bài tập áp dụng nhỏ đã có thể lấy được 4,5 điểm.

Chỉ cần có sức học khá hơn một chút, học sinh hoàn toàn có thể đạt được 6 điểm, nếu thực hành bài tập nhiều hơn. Chỉ có khoảng 4 câu hỏi dành cho học sinh có sức học khá, giỏi.

Khi Bộ công bố đề tham khảo này, thầy Mỹ có hỏi ý kiến của một số học sinh học Lý chỉ ở mức trung bình, và các em đều tự tin nói đề hoàn toàn dễ thở, không có vấn đề gì nếu chỉ lấy điểm ở mức trung bình và trên một chút.

Môn Anh Văn, cô Nguyễn Thị Thúy Diễm – tổ trưởng tiếng Anh, Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân thì lại đánh giá ngược lại, đề tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hoàn toàn không có tính phân hóa.

Theo cô Diễm, so với đề thi năm ngoái, đề tham khảo năm nay còn dễ hơn rất nhiều, và so với đề tham khảo đã công bố tại 2 lần trước đó, thì đề không có gì khác biệt về mặt hình thức.

Học sinh chỉ cần có sức học trung bình hoặc dưới cũng đã có thể làm đề này đạt điểm trung bình, chỉ có 1, 2 câu có tính phân hóa dành cho học sinh khá giỏi, và nó cũng không thể phân hóa tốt cho học sinh xét vào Đại học.

“Đây là đề tham khảo không có tính đánh đố nhiều, kiến thức bao quát chương trình 12, các phần yêu cầu nhìn chung đều dễ, chỉ cần đọc sơ qua cũng đã có thể thấy đề yêu cầu gì để làm bài” – cô Nguyễn Thị Thúy Diễm đánh giá tiếp.

Với đề thi tham khảo này, cô Nguyễn Thị Thúy Diễm lưu ý học sinh khi làm bài cần chú ý đến phần đọc hiểu, liên quan đến các từ vựng mới, cần lưu ý đến cách áp dụng từ vào ngữ cảnh của đoạn văn thì sẽ có thể suy ra, hiểu ngay từ đó có nghĩa gì.

Phương Linh