Đề thi Ngữ văn: “Người ra đề không bắt học sinh phải viết nhiều”

10/04/2014 21:47
Xuân Trung
(GDVN) - Đổi mới cách kiểm tra, đánh giá Ngữ văn phổ thông đang được nhiều thầy cô giáo, chuyên gia mổ xẻ, ý kiến nêu lên phần lớn băn khoăn về cách ra đề theo hướng mở
Cô giáo Nguyễn Thị Hiếu (Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên) qua trao đổi cho biết, việc đánh giá học sinh bây giờ không chỉ để đi thi mà là công việc hàng ngày. Theo phương hướng đổi mới cách đánh giá năng lực học sinh  như Bộ GD&ĐT đề ra là khó, vấn đề không phải khó ở cách thực hiện mà khó chiến thắng sức ì của giáo viên bởi giáo viên ngại thay đổi. 

Theo cô Hiếu, nếu năm nay thực hiện việc xây dựng đề môn Ngữ văn theo hướng mở thì đề phải dài, chi tiết và đương nhiên mất nhiều công sức, nhưng không vì thế mà không làm được. 

Cô Nguyễn Thị Hiếu cũng đề nghị, việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá ở kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với các môn, đặc biệt là môn Ngữ văn thì các trường đào tạo sư phạm phải tăng cường đào tạo theo hướng đổi mới, cho ra những lớp thầy cô có cách nhìn mới. 

Trước việc xây dựng tiêu chí về kỹ thuật ra đề, cô giáo Hiếu đề nghị Bộ GD&ĐT cần có thêm các tài liệu hướng dẫn cụ thể hơn, trong tài liệu đó cần có thêm nhiều ví dụ cụ thể để giáo viên học hỏi. Một điều đáng lưu ý của nhiều giáo viên dạy Ngữ văn, dù đề thi có ra theo hình thức nào, có hỏi những gì thì hãy lưu ý tới bản chất môn Ngữ văn, vì Ngữ văn ngoài chức năng thông tin ra còn là môn hình tượng, thẩm mỹ, nhân văn, lưu ý được điều này để tránh ra những loại đề có câu hỏi không liên quan tới “chất” văn. 

Thầy Quốc Phong, Chủ nhiệm khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế. Ảnh Xuân Trung
Thầy Quốc Phong, Chủ nhiệm khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế. Ảnh Xuân Trung
Thầy Quốc Phong, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế bày tỏ, thi như thế nào là tùy nhưng phải dứt khoát làm cho năng lực người học được bộc lộ ra, với việc ra đề ở dạng mở sẽ giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, thầy Phong cũng lưu ý, mở nhưng không có nghĩa là thực tiễn, nếu ra đề trên ngữ liệu (tài liệu chính dùng làm căn cứ để học sinh làm bài) văn ngoài chương trình học thì đó lại là đề “phiêu lưu”. 

Băn khoăn nếu vẫn ra ở dạng ngoài chương trình học thì theo thầy Phong ước chỉ có khoảng 30% người chấm bài đánh giá được loại đề đó chứ chưa muốn nói tới đánh giá đồng loạt. Đề mở ở đây nhưng phải chắc chứ không thể chọn ngữ liệu bên ngoài đề thi. 

Theo quan điểm của thầy Phong, việc ra đề phải làm sao toát lên 2 yếu tố: Thành tố cấu thành năng lượng ngữ văn, vấn đề này phải kiểm tra được và định lượng rộng. Thứ hai, bởi hiện nay đang có nhiều thầy cô băn khoăn việc chọn dạng mở nghị luận xã hội hay nghị luận văn học. Quan điểm của Chủ nhiệm khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế thiên về hướng chọn phần kết tinh năng lực, phần văn chương nhiều hơn. 

Cũng theo thầy Phong, phần hiện hữu năng lực trong đề Ngữ văn dứt khoát phải được ra theo hướng mở (có thể là chọn 1 bài văn và hỏi thiên về văn chương nhiều hơn). 

Trao đổi thêm về những băn khoăn trong cách ra đề môn Ngữ văn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong năm nay sẽ quyết tâm đổi mới cách thi và đánh giá. Việc rút ngắn thời gian từ 150 phút xuống con 120 phút môn Ngữ văn là không quan trọng, bởi đánh giá một con người với 150 phút là không đủ. Do đó theo chỉ đạo của Thứ trưởng Hiển, người ra đề thi tốt nghiệp với môn Ngữ văn năm nay đừng bắt học sinh phải viết quá nhiều trong thời gian 120 phút. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng trao đổi, việc ra đề Ngữ văn dạng mở cũng phải có chuẩn, mở ở đây khó nhất là tư tưởng và đạo đức hỏi đến mức độ nào là phù hợp, dù sao vẫn phải có chân giá trị chuẩn. Do đó, cần người ra đề phải khéo, tránh cho học sinh làm bài lan man, vừa phải và phải thể hiện tính sáng tạo thật của học sinh. Không được ra đề để cho học sinh mang văn mẫu vào chép để rồi cũng đạt điểm tối đa (bài  văn mẫu cũng cần nhưng chỉ để tham khảo, luyện tập và định hướng).

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (bên phải) và ông Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học lắng nghe ý kiến của các thấy cô giáo góp ý về cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Ảnh Xuân Trung
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (bên phải) và ông Đỗ Ngọc Thống, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học lắng nghe ý kiến của các thấy cô giáo góp ý về cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Ảnh Xuân Trung
“Đồng ý học là để thi, nhưng thi như thế nào để học theo thi cho xứng đáng, thấy gì hay phải học. Thi làm thế nào để phản ánh năng lực, nhu cầu người học. Với 120 phút là yên tâm. Hình thức kiểm tra đọc hiểu, viết và trong đọc - hiểu phải đánh giá năng lực tổng hợp, tích hợp, đánh giá được nhiều loại kỹ năng, sử dụng loại kỹ năng đó trong cuộc sống như thế nào. Còn số lượng câu không quan trọng, miễn đáp ứng 2 phần (đọc hiểu và làm văn), đáp ứng yêu cầu ma trận” Thứ trưởng Hiển cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển cũng tiết lộ thêm cách xây dựng đề Ngữ văn năm nay, về phần đọc – hiểu, có thể ngữ liệu sẽ không lấy trong sách giáo khoa nhưng phải vừa với trình độ, hiểu biết của học sinh, từ ngữ địa phương ít, nghĩa đen, nghĩa bóng cân đối.

Người làm bài thi môn Ngữ văn phải hội tụ 2 giá trị: Thông điệp (hiểu đọc ý muốn nói gì trong bài), sự trong sáng của tiếng Việt (dấu chấm, dấu phẩy đúng, từ ngữ, câu cú chuẩn). 

“Văn bản viết cũng phải có chuẩn tối thiểu, sáng tạo không chỉ còn là mở, mà còn cho người đọc thấy được gì trước khi đọc và sau khi đọc. Những đổi mới này sẽ được nâng lên tiếp ở những năm sau, những người ra đề là người có tác dụng bồi dưỡng cho đồng nghiệp ra đề tốt hơn, người chấm cũng vậy. Thà rằng chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm thật chính xác mà xa mục tiêu. ” Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
Xuân Trung