Địa phương nào cũng lo cho số phận của giáo dục nghề nghiệp

28/07/2016 08:49
Thùy Linh
(GDVN) - Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Không có sự thống nhất quản lý nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân thì khó có cơ cấu nhân lực hài hòa theo yêu cầu phát triển đất nước.

Các địa phương đều lo lắng cho “số phận” của giáo dục nghề nghiệp 

Tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, dự kiến phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp diễn ra vào sáng 26/7, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, nêu thực tế hiện nay trong hệ thống đang tồn tại song song Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề và Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng cùng đào tạo nghề nhưng thuộc hai Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Bộ GD&ĐT quản lý. Vì vậy mà rất khó trong vận hành trong đào tạo liên thông.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc quản lý này dẫn tới việc trường thì nhiều nhưng tuyển sinh bị phân tán, không hiệu quả.

Từ đó dẫn đến nguồn giáo viên bị mai một, cơ sở vật chất lạc hậu, chương trình đào tạo không đáp ứng nhu cầu. Cho nên để giải quyết những bất cập trong loại hình đào tạo cần thống nhất một đầu mối quản lý để giải bài toán phân luồng sau THCS.

Địa phương nào cũng lo cho số phận của giáo dục nghề nghiệp ảnh 1
Chính phủ cần nhanh chóng thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GD&ĐT), ông Hoàng Ngọc Vinh nhìn nhận, hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang gặp những thách thức là năng suất lao động của Việt Nam thua xa các quốc gia ASEAN, điều kiện nguồn lực thiếu thốn, đầu tư cho dạy nghề thiếu quy hoạch tổng thể của hệ thống, dàn trải gây lãng phí ...

Hầu hết các địa phương đều lo lắng cho “số phận” của giáo dục nghề nghiệp. 

Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An lo lắng có hiện tượng ùn tắc trong công tác đào tạo không chỉ ở giáo dục nghề nghiệp mà ở cả các bậc học cao hơn. Điều này dẫn đến sinh viên ra trường khó kiếm việc làm.

Địa phương nào cũng lo cho số phận của giáo dục nghề nghiệp ảnh 2

Giáo dục nghề nghiệp nên ở bộ nào?

(GDVN) - Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải, bởi thực tế câu chuyện xuất phát còn nằm ở những bất cập của Luật Giáo dục nghề nghiệp mà trước đó Quốc hội đã thông qua.

Còn đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho rằng phải có dự báo nguồn nhân lực cho sát thực tế chứ "để như hiện nay thì hệ đào tạo trung cấp sẽ chết đầu tiên". 

Không phân luồng, quy hoạch thì sẽ khó có cơ cấu nhân lực hài hòa

Tại hội nghị vấn đề được hầu hết các địa phương đặt ra đó là Chính phủ cần thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Trước ý kiến của các lãnh đạo sở, ông Hoàng Ngọc Vinh đưa thông tin Bộ GD&ĐT đã có tờ trình gửi Chính phủ về vấn đề quản lý Nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp.

Ông Vinh cho biết, trong tờ trình, Bộ GD&ĐT kiến nghị giao Bộ GD&ĐT thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục quốc dân theo Luật Giáo dục, bao gồm từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, kể cả bậc Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề hiện thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội.

Cùng với đó là chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động-Thương binh và xã hội hiện nay về Bộ GD&ĐT...

Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Cần thống nhất quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục quốc dân. Nếu không có sự thống nhất này, việc quy hoạch, điều tiết hệ thống giáo dục quốc dân để phân luồng, tạo cơ cấu nhân lực hài hòa theo yêu cầu phát triển đất nước sẽ khó thực hiện được. 

Thùy Linh