Đổi giờ học: Thiếu điện trầm trọng, nguy cơ cận thị tăng cao

03/02/2012 11:00
Bích Thảo
(GDVN) - Không máy phát điện, không điện hành lang, cầu thang, khu vệ sinh cũng như nhà xe… là hình ảnh dễ bắt gặp tại nhiều trường THPT những ngày đầu đổi giờ.

Nguy cơ cận thị tăng cao

Khi áp dụng khung giờ học đến 19h, hầu hết các trường đều không đáp ứng đủ điều kiện ánh sáng cho việc học tập của học sinh. Không máy phát điện, không điện hành lang, cầu thang cũng như nhà xe…

Học đến 19h, các em học sinh chấp nhận học cách thích nghi dần với bóng tối
Học đến 19h, các em học sinh chấp nhận học cách thích nghi dần với bóng tối
Trong khi giờ học của học sinh ca chiều tăng lên đến hai giờ, nhưng số lượng bóng điện chiếu sáng tại các phòng học không vì thế mà được tăng cường hơn. Bình thường 17h các em đã được tan học khi đó còn có ánh sáng mặt trời, việc học không quá phụ thuộc vào điện.
Hiện tại các trường vẫn chưa có thêm hệ thống chiếu sáng hợp lý và đủ sáng tại các lớp học. Mặt khác, khi trẻ học quá lâu dưới ánh sáng của bóng đèn neon như tại các trường học hiện nay sẽ khiến trẻ đối mặt với nguy cơ bị cận cũng như cận thị nặng hơn.
Em Nguyễn Hà Phương học sinh lớp 10B trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ rằng em vốn bị cận 2,5 độ, việc học bằng bóng đèn điện neon khiến cho mắt của em hai hôm nay liên tục nhức mỏi. Em Hà Phương nói: “Mặc dù có nhiều bóng đèn điện, nhưng ánh sáng trắng làm cho mắt em bị nhức mỏi. Nếu cứ ngồi học như thế này chẳng mấy chốc em phải đi thay kính mới thôi.
Nhiều học sinh các trường THPT khác như Đào Duy Từ, Phương Nam, Quang Trung, Nhân Chính, Việt Đức… đều có băn khoăn về nguy cơ bị cận thị khi học tối tại trường
Cô Nguyễn Hồng Ngân phụ huynh có con học tại trường THPT Phương Nam lo lắng: “Điện ở trường không đủ sáng, trước cháu đã cận rồi, bây giờ còn học đến 7h tối chắc chắn cháu sẽ bị tăng độ cận trong thời gian ngắn."

Thiếu điện trầm trọng – nguy cơ mất cắp

Do các trường tan học muộn, cộng với thời tiết mùa đông, nên 19h trời đã rất tối. Các trường trước đây chỉ mới trang bị điện tại các phòng học nên tình trạng thiếu điện xảy ra trầm trọng tại sân trường, hàng lang, cầu thang, khu vệ sinh và nhà xe.
Nhà xe không hề có điện khiến học sinh lấy xe khó khăn, dễ xảy ra lộn xộn nhầm lẫn, mất cắp
Nhà xe không hề có điện khiến học sinh lấy xe khó khăn, dễ xảy ra lộn xộn nhầm lẫn, mất cắp
Trải qua hai ngày đầu áp dụng lịch học mới nhiều em học sinh kêu trời vì tình trạng tối tăm tại trường học. Em Nguyễn Minh Ngọc học sinh lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Cầu thang, sân trường, lối ra cổng trường và khu nhà xe hoàn toàn không có điện. Khi bọn em ra khỏi lớp thì mọi nơi đều tối om, rất sợ. Lúc xuống cầu thang bạn nào bạn ấy phải mò mẫm từng bước một. Không cẩn thận là bước hụt cầu thang ngã liền."
Khó khăn nhất là việc lấy xe, có khi các em phải mất đến cả nửa tiếng đồng hồ mới ra được cổng trường. Ngay khi tan học, các bạn học sinh nhanh chóng ra nhà xe lần mò tìm xe của mình. Nhà xe không bóng đèn, không người bảo vệ soát vé khiến tình trạng lấy nhầm xe vô tình hay “cố ý” rất có thể xảy ra. 
Để khắc phục tình trạng thiếu ánh sáng tại những điểm nhạy cảm như vậy trường THPT Việt Đức đã lên kế hoạch lắp đặt thêm hệ thống điện mới. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch mời công ty thiết bị chiếu sáng đô thị đến thiết kế hệ thống điện tại sân trường, đường dẫn ra cổng trường, nhà xe. Còn hiện tại thì các em phải chịu khó khắc phục."

Trường không đủ tiền mua máy phát điện

Khi được hỏi về biện pháp khắc phục sự cố mất điện đột xuất tại trường, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức thẳng thắn: “Nếu mất điện thì trường buộc phải cho các em nghỉ học. Trường hiện nay không có đủ tiền để mua máy phát điện công suất đủ lớn phục vụ cho hơn 30 phòng học và các phòng chuyên môn.”
Sân trường, đường dẫn ra cổng nhiều trường thiếu điện trầm trọng
Sân trường, đường dẫn ra cổng nhiều trường thiếu điện trầm trọng
Hiệu trưởng Đỗ Đức Hà trường THPT Quang Trung cũng đưa ra nhận định: “Trường không đủ kinh phí để trang bị máy phát điện để toàn bộ các lớp học có thể hoạt động khi gặp sự cố mất điện. Sở GD ĐT chưa hề có hướng dẫn, cũng như hỗ trợ kinh phí cho các trường lắp đặt thêm hệ thống điện chiếu sáng."
Hiện tại số tiền trang bị thêm hệ thống điện đều do các trường tự túc bỏ ra từ nguồn ngân sách của nhà trường.
Vì học thêm buổi chiều tối đến 2h nên số điện tiêu thụ của các trường chắc chắn tăng lên gấp hai, ba lần so với những ngày trước khi đổi giờ. Số điện phát sinh thêm đó sẽ tạo thêm áp lực cho ngành điện lực trong khi tình trạng thiếu điện mùa khô luôn thường trực. 
Tiền điện tăng sẽ đè lên vai các em học sinh trường dân lập và tăng thêm ngân sách giáo dục tại các trường quốc lập. Lợi ích về mặt giao thông chưa thấy nhưng đã phát sinh rất nhiều vấn đề, cũng như tăng chi phí xã hội cho nền giáo dục.
Có thể bạn quan tâm
Hoa khôi các trường ĐH Olympic tiếng Anh Hà Nội
Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng
Thành công từ... trường đời Bạo lực học đường
Sửa đoạn kết Tấm Cám Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams
Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?
Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc KTX tốt nhất Hà Nội
Tuyển sinh 2012: Đổi mới Giáo dục
Bích Thảo