Dự thảo quy chế thi quốc gia năm 2019 còn thiếu khoa học, chồng chéo

14/02/2019 06:42
Phương Linh
(GDVN) - Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Du nói rằng, chấm thi trắc nghiệm giao cho trường đại học, Sở Giáo dục chuẩn bị phương tiện là thiếu khoa học.

Đầu tháng 2/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố bản dự thảo quy chế thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Dự thảo quy chế này được công khai, nhằm đón nhận sự góp ý của tất cả thầy cô, phụ huynh, kể cả học sinh đến hết ngày 31/3/2019.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo quy chế năm nay có rất nhiều điểm khác biệt so với những lần thi trước.

Các hệ, thí sinh tự do thi chung không làm giảm tiêu cực

Với tư cách là người đã nhiều năm làm công tác coi thi trung học phổ thông quốc gia, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ: Khác biệt lớn nhất trong lần thi năm nay có thể là việc thí sinh hệ phổ thông, giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do sẽ thi chung phòng với nhau.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc này làm giảm áp lực tâm lý nặng nề cho các giám thị, những người coi thi, cũng như cho chính các em học sinh. Chứng tỏ rằng, chúng ta hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử, thể hiện sự công bằng giữa học sinh của các hệ, cũng như là với thí sinh tự do.

Thầy Huỳnh Thanh Phú giải thích tiếp: Thực ra, việc này hoàn toàn không có gì là khó khăn, hay cực khổ gì hết, rất bình thường, do trong phiếu báo danh thí sinh nhận trước khi thi đều thể hiện rõ môn nào là phòng thi nào.

Thi quốc gia 2019 sẽ có camera ghi hình quy trình sử dụng, bảo quản đề/bài thi

Thực chất, các em học sinh chỉ thi chung phòng với nhau một số môn, còn như môn ngoại ngữ là chắc chắn phải thi phòng riêng, vì giáo dục thường xuyên có môn thi thay thế.

Thế nhưng, thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh rằng, nói việc thi chung như vậy để nhằm làm giảm tiêu cực trong thi cử là hoàn toàn không đúng. Do tiêu cực (nếu có) đến từ những yếu tố khác.

Chấm thi giao cho đại học, Sở chuẩn bị phương tiện là không khoa học

Năm nay, dự kiến, việc chấm thi trắc nghiệm lần đầu tiên được giao cho các trường đại học chịu trách nhiệm.

Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm sẽ là lãnh đạo các trường đại học, chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia, còn phó trưởng ban sẽ là lãnh đạo các phòng, ban ở trường đại học.

Điều đáng nói, dự thảo quy chế lại thể hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương được giao chịu trách nhiệm chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính, hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hàng năm của Bộ.

Về việc này, thầy Huỳnh Thanh Phú khẳng định rằng: Nếu làm như dự thảo quy chế đưa ra là thiếu tính khoa học, thể hiện sự chồng chéo, không nhất quán.

Thầy Huỳnh Thanh Phú đề xuất: Nếu chấm thi trắc nghiệm, giao hẳn cho trường đại học là giao luôn. Các trường đại học hoàn toàn có thể tự chủ trong việc chấm thi này, không cần thiết phải có sự trợ giúp từ phía địa phương.

“Đọc dự thảo lên là thấy không ổn, rối rắm rồi. Nếu sợ tiêu cực, chúng ta hoàn toàn có thể hoán đổi, chấm chéo giữa các trường đại học, hay giữa các địa phương với nhau. Còn trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc chấm, các trường đại học có thể tự chuẩn bị được hết” – thầy Huỳnh Thanh Phú nói tiếp.

Sử dụng camera theo dõi toàn bộ quy trình: Tốn kém ngân sách

Dự thảo quy chế thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 cũng thể hiện, dự kiến năm nay, phòng chứa bài thi, phòng chấm thi trắc nghiệm, tự luận sẽ có camera an ninh giám sát, ghi hình 24/24.

Thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế, có công an bảo vệ, giám sát 24/24h.

“Việc lắp camera như vậy sẽ làm cho phụ huynh, người dân yên tâm hơn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, nó sẽ làm tiêu tốn rất lớn tiền của ngân sách”.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, việc đưa công nghệ vào sử dụng để hạn chế tiêu cực là điều tốt, nhưng yếu tố chính cần nhớ tới vẫn luôn là con người.

Từ thực tế nhiều năm tham gia làm công tác quản lý coi thi ở Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ: Thành phố mang tên Bác hàng chục năm nay, đâu có cần tới công nghệ gì nhiều, mà coi thi, chấm thi vẫn làm rất tốt, công bằng, thực chất cho tất cả các thí sinh.

Việc tổ chức thi, chấm thi ở thành phố này chưa bao giờ bị điều tiếng gì, mà chỉ ở những nơi khác.

Phương Linh