Đừng biến SGK ngữ văn 10 thành "Sát thủ đầu mưng mủ”!

14/11/2011 07:37
(GDVN) - Những người “sáng tạo” truyện Tấm Cám trong SGK quên mất rằng, SGK là để giáo dục, còn cuốn "Sát thủ đầu bưng mủ" là để giải trí.
Các sản phẩm dân gian bao gồm rất nhiều phạm trù: Cổ tích, truyền thuyết, thần thoại, dân ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ và các sản phẩn văn hóa vật thể, phi vật thể…vv. Chúng ta hiện nay vừa là người hưởng thụ, vừa là người sáng tạo nhưng những người “sáng tạo” truyện Tấm Cám trong SGK quên mất rằng, SGK là để giáo dục, còn cuốn "Sát thủ đầu bưng mủ" là để giải trí.
Truyện Tấm Cám rất phổ biến trong dân gian. Tôi dám khẳng định rằng, rất nhiều học sinh đã biết cốt truyện Tấm Cám trước khi tiếp cận văn bản trong sách giao khoa. Cái bài học “”ở hiền gặp lành” và “ác giả ác báo” thì dân Việt ai cũng thấm nhuần từ những chuyện cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh… và cả một thời kỳ dài trong giáo dục chúng ta hình thành nếp nghĩ: Yêu cô Tấm và ghét cô Cám. Và cũng từ nếp nghĩ đó, dân tộc chúng ta đã nhiều lần đánh thắng giặc ngoại xâm, hướng cuộc sống tới chân – thiện -mỹ. Vậy tại sao, đến thời kỳ này, lại có người nghĩ, cái ác, cái xấu lại không thể bị diệt trừ bằng phương pháp ác và xấu? Việc cô Tấm trả thù Cám bằng phương pháp tàn độc như trong truyện cổ tích thì dân gian từ xưa đến nay có hình thành cách nghĩ: Cô tấm dã man quá, Cám chết thảm thương quá hay không? Chắc chắn là không. Mà dân tộc Việt vẫn khẳng định: Cô Tấm hiền lành, tốt bụng xứng đáng hưởng hạnh phúc và Cám gian ác đáng bị trừng trị.
Liên hệ chuyện gần đây, sát thủ Lê Văn Luyện giết người dã man nhưng theo luật Luyện dưới 18 tuổi nên không bị khép án tử hình. Trong nhân dân dấy lên sự phẫn nộ: Đòi sửa luật để tên sát thủ máu lạnh bị trừng trị thích đáng. Đấy có được coi là ước muốn dã man của nhân dân không? Chắc chắn là không, đó chỉ là ước vọng cái ác phải bị diệt trừ tận gốc. Quay trở lại truyện Tấm Cám, cô Tấm đã bầy mưu để Cám chết, điều đó thể hiện ước vọng của nhân dân ta về cái ác phải bị diệt từ tận gốc mà thôi. Gần đây có xuất hiện nhiều câu thành ngữ, tục ngữ “chế” đại loại như: “ở hiền gặp lành” thành “ ở liều gặp lành”; “Hồng nhan bạc phận” thành “Hồng nhan bạc triệu” hay như “miếng ngon giữa đàng, ai đoàng hoàng là dại”; “nhân nhượng là tự sát, độc ác là huy hoàng”; “được voi đòi…Hai Bà Trưng”.; “một điều nhịn là chín điều nhục”…. trong cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ". Những câu thành ngữ, tục ngữ chế đó chúng ta học được gì nhỉ ngoài tiếng cười? Nó thuộc dạng ca dao ngược như bài: “Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng….” mà dân gian đã từng sử dụng và được truyền tụng. Cầm hai cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" và SGK lớp 10 trên tay để đọc. Đọc xong cuốn "Sát thù đầu mưng mủ" thì cười hỉ hả rồi quên luôn. Đọc xong truyện Tấm Cám trong SGK thì thấy…hụt hẫng, như chính mình bị đánh cắp cái gì đó. Cô Tấm không còn là cô Tấm nữa! Vậy nhưng, cuốn "Sát thủ đầu mưng mủ" - thể loại khiến người ta đọc xong rồi cười và quên luôn thì đã bị "tuýt còi", còn việc tự ý cởi yếm đào, diện bộ đầm hiện đại cho cô Tấm trong SGK lớp 10 khiến ai cũng hụt hẫng thì lại vẫn hàng ngày, hàng giờ được đưa ra làm bài học giáo dục học sinh? Thiết nghĩ, các nhà quản lý giáo dục cần cân nhắc kỹ lại chuyện này. Cần phân biệt rõ đâu sự giải trí và đâu là giáo dục?
Bạn đọc Bùi Thi (Trần Hưng Đạo, Hà Nội)