Dừng hợp đồng lao động và sức mạnh của vật chất

26/07/2017 07:30
Phan Tuyết
(GDVN) - Trong “trận chiến” này, ai “mạnh” sẽ thắng. Cái mạnh ở đây không phải mạnh về chuyên môn, năng lực phẩm chất mà là cái mạnh của vật chất như bao người vẫn nói.

LTS: Trước thực trạng, trong thời gian vừa qua, một số huyện trên địa bàn của tỉnh Thanh Hóa nhiều giáo viên, nhân viên hành chính bị dừng hợp đồng lao động, tác giả Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Tác giả cũng cho rằng, sau công văn ban hành tuyển dụng cần có một văn bản hướng dẫn cụ thể những tiêu chí để giáo viên bị sa thải trước đây được tham gia giám sát và kí lại hợp đồng, có như vậy mới thật công minh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một số đồng nghiệp của tôi tại Thanh Hóa báo tin: “Thế là tụi em có cơ hội đi dạy lại rồi chị ơi! Nhưng…tiếng nói ngập ngừng bỗng dưng nặng trĩu nỗi sầu lo.

Nếu không tận mắt thấy, chúng ta vĩnh viễn chỉ biết một nửa sự thật

Ngập ngừng ít giây em nói tiếp “biết lấy tiền đâu để nhờ vả, xin xỏ…chẳng biết mình có trụ nổi không vì nhu cầu tuyển ít mà người ứng tuyển lại quá đông”.

Tôi đã trấn an và động viên những đồng nghiệp của mình “đừng quá bi quan, nghe nói “trong đợt xét tuyển này, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên cho những giáo viên đang hợp đồng nhưng không thuộc chỉ tiêu biên chế hoặc những giáo viên mà các địa phương đã cho dừng hợp đồng lao động trước đây”.

Cô em đồng nghiệp cười chua chát “thì bao giờ chẳng thế, ưu tiên nhưng không quen, không thân, không người quyền thế đỡ đầu, lại không cả “đầu tiên” thì cứ mơ đi chị nhé”!

Thời gian vừa qua, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều giáo viên, nhân viên hành chính trong trường học bị dừng hợp đồng lao động.
Thời gian vừa qua, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều giáo viên, nhân viên hành chính trong trường học bị dừng hợp đồng lao động.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cô em đồng nghiệp lại nói như thế, đã có không ít giáo viên nơi này cũng xác nhận trong việc xét tuyển hợp đồng ở các cấp trước đây, nếu cứ đường đường, chính chính nộp hồ sơ thì “đến Tết Công Gô cũng không đến lượt gọi đi phỏng vấn”.

Sao phải cắt hợp đồng rồi tuyển lại?

Thực tình, những lời xì xào bàn tán, những lời rỉ tai kiểu mấy cô em đồng nghiệp vừa nói chẳng ai có thể xác nhận sự thật đúng sai chiếm bao nhiêu phần trăm. Nhưng, người viết bài thì cứ băn khoăn hoài “Tại sao Thanh Hóa đã cắt hợp đồng hàng trăm giáo viên, trực tiếp đẩy cả gia đình họ vào cảnh khốn cùng khi không có việc làm mà nay lại tuyển lại?". 

Gia đình có một người mất việc còn đỡ, không ít nhà cả vợ và chồng sau hàng chục năm đứng trên bục giảng bỗng chốc trở thành người không nghề nghiệp, không thu nhập. Hãy điểm lại trong năm học vừa qua tỉnh Thanh Hóa có bao nhiêu giáo viên bị sa thải?

Con số 376 giáo viên, nhân viên các khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 30/6. Trong số này, có rất nhiều người đã làm việc trong ngành giáo dục hơn chục năm. 

Nhiều giáo viên đã có tuổi không dễ gì tìm được công việc khác. Nhiều thầy cô là cán bộ cốt cán của nhà trường, giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp huyện thị…

647 nhân viên, giáo viên tại huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) bị huyện này bất ngờ cắt hợp đồng lao động. Nhưng, chưa đầy 1 tháng sau ngày dừng hợp đồng Ủy ban nhân dân huyện này lại “kêu thiếu giáo viên” và ra một số văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh xin bổ sung thêm 253 cán bộ, giáo viên cho các bậc học.

Dừng hợp đồng lao động và sức mạnh của vật chất ảnh 2

Thanh Hóa tái ký hợp đồng cho hàng nghìn giáo viên mới bị cắt hợp đồng

Áp dụng việc cắt hợp đồng với lý do quá thừa lao động nhưng chỉ thời gian ngay sau đó lại xin tuyển mới. Sử dụng chiêu thức “cắt” rồi “tuyển” có điều gì nghịch lý ở đây chăng?

Một số đồng nghiệp của tôi thắc mắc; “Sao cứ phải cắt hợp đồng rồi lại tuyển mới cho mất công như thế? Việc làm này vừa tốn thời gian, lãng phí công sức của cấp trên, vừa gây ra sự xáo trộn trong ngành, gây hoang mang tâm lý cho giáo viên và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy của họ…chung quy học sinh là người phải gánh chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Dù thế, nhiều nơi vẫn quyết làm. Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất vẫn là: “Nếu không vì vụ lợi sẽ vì cái gì đây?”.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Vấn đề sa thải ở đây không phải là chuyện thừa giáo viên, mà sa thải người khác để người ta có cớ để nhận con em, người nhà vào cơ quan". 

Đây là hiện tượng không bình thường và có chủ đích. Tôi còn được biết có những giáo viên dạy giỏi, có uy tín nhưng vẫn bị sa thải, rồi lấy cớ thiếu giáo viên để tuyển dụng và đằng sau câu chuyện tuyển dụng đó không tránh khỏi việc phong bao, phong bì”.

Giáo viên vẫn như “đèn cù”

Văn bản của tỉnh Thanh Hóa cũng nêu rõ: “Trong đợt xét tuyển này, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên cho những giáo viên đang hợp đồng nhưng không thuộc chỉ tiêu biên chế hoặc những giáo viên mà các địa phương đã cho thôi hợp đồng lao động trước đây”. 

Tinh thần của văn bản trên là đúng nhưng chưa cụ thể hóa và sợ rằng sẽ có không ít người “nắm quyền tuyển dụng” lợi dụng sơ hở để trục lợi.

Cụ thể, ưu tiên cho những giáo viên đang hợp đồng thì rõ ràng, nhưng những giáo viên mà các địa phương đã cho dừng hợp đồng lao động trước đây sợ rằng khi tuyển dụng lại sẽ là “miếng đất màu mỡ cho các quan tham”. 

Dừng hợp đồng lao động và sức mạnh của vật chất ảnh 3

Cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới, nếu không vì tiền, vì quan hệ thì vì cái gì?

Rõ ràng, trong “trận chiến” này ai “mạnh” sẽ thắng. Cái mạnh ở đây không phải là mạnh về chuyên môn, về năng lực phẩm chất mà là cái mạnh của vật chất như bao người vẫn nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. 

Số lượng giáo viên ở một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa trước đây nghỉ việc khá đông, nay ưu tiên tuyển lại được bao nhiêu người? Thế là đương nhiên phải có cuộc chạy đua và đích đến luôn dành cho những kẻ “mạnh”.

Để tránh sự nhũng nhiễu, lợi dụng chức quyền để trục lợi của một số cán bộ không tốt. Tôi cho rằng, sau công văn ban hành tuyển dụng cần có một văn bản hướng dẫn cụ thể những tiêu chí để giáo viên bị sa thải trước đây được kí lại hợp đồng. 

Như việc ưu tiên giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều năm, từng là chiến sĩ thi đua các cấp, cán bộ cốt cán của trường, của Phòng hay đã từng có thời gian dài gắn bó với nghề, được học sinh và phụ huynh yêu mến…

Bên cạnh sự công khai tiêu chuẩn tuyển dụng cũng cần công khai về các hồ sơ đã trúng tuyển bằng cách đăng trên truyền thông đại chúng hoặc thông báo toàn ngành trong phạm vi toàn tỉnh để chính giáo viên được tham gia giám sát việc tuyển dụng, như thế mới thật công minh.

Được vậy, mới tránh khỏi việc người dở (nhưng biết luồn cúi) được kí tiếp hợp đồng còn người giỏi, người có tâm lại chẳng được ai màng tới.

Phan Tuyết