Đừng kỉ luật thầy H.

18/03/2017 13:38
Tùng Sơn
(GDVN) - Vì các trò của mình đã lớn, thầy cô không đánh mắng và nói thật là không dám động đến các em, nên nhiều giờ học, các em nói chuyện như giờ ra chơi.

LTS: Trước thông tin về việc thầy H. dùng gậy đánh vào mông học trò vì học trò lười học, tác giả Tùng Sơn lên tiếng ủng hộ hành động của thầy H.

Theo tác giả Tùng Sơn, việc chọn cách phạt và dụng cụ phạt của thầy không phải nhằm mang tính gây thương tích cho học trò mà chủ yếu để trò sợ mà chăm chỉ học hành.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Mấy ngày qua, nhiều trang báo trên cả nước đồng loạt đăng tin thầy H. - giáo viên Tin học Trường Trung học Phổ thông Thủ Thiêm đánh học trò vào mông. 

Sự việc nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Riêng tôi thấy rất thích con mình được những người như thầy H. dạy.

Không phải cứ đánh học sinh là bạo hành

Chúng ta phê phán những thầy cô đánh học sinh mang tính bạo lực như: vụt thâm tím người học sinh, tát sưng mặt, véo rách tai,…

Đặc biệt, chúng ta lên án việc đánh học sinh mầm non, tiểu học để lại thương tích vì các em rất nhỏ tuổi chưa hiểu gì nhiều.

Vì trách nhiệm giáo dục học trò, nhiều thầy cô giáo không thể bỏ mặc học sinh muốn ra sao thì ra. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Vì trách nhiệm giáo dục học trò, nhiều thầy cô giáo không thể bỏ mặc học sinh muốn ra sao thì ra. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Nhưng cách đánh của thầy H. hoàn toàn khác vì thầy đánh bằng gậy ống nhựa vào mông. 

Dùng gậy ống nhựa hay roi nhỏ đánh vào mông tuy đau, rát nhưng không để lại di chứng và không ảnh hưởng đến sức khỏe mà người bị đánh lại sợ hãi. 

Do vậy, hành động này có tác dụng răn đe học sinh giúp các em tập trung vào bài học. 

Thực tế, nhiều học sinh trung học rất ngang bướng

Học sinh trung học là lứa tuổi đang muốn thể hiện sự tự khẳng định mình trước đám đông, nên nhiều em chưa biết cư xử nhã nhặn, khiêm tốn. Trong thực tế, một số em rất ngang ngược không coi thầy cô ra gì. 

Vì các trò của mình đã lớn, thầy cô không đánh mắng và nói thật là không dám động đến các em, nên nhiều giờ học, các em nói chuyện như giờ ra chơi. 

Đừng kỉ luật thầy H. ảnh 2

Thầy cô giáo không có tính nhẫn nại, chịu đựng sẽ không trụ nổi với nghề

Thậm chí, nếu gặp cô giáo hiền các em có thể bắt nạt, có em nằm ngủ, có em ngang nhiên chơi game trên điện thoại,…

Có làm nghề dạy học mới biết, đang giảng bài mà có học sinh nghịch ngợm, nói chuyện hay làm việc riêng thì bực tức vô cùng. 

Nói thì hay nhưng thực hiện mới là khó

Ai cũng biết dạy học không nên đánh học sinh. Đánh học sinh là hạ sách. Ai chẳng hiểu dạy học không cần đánh mắng mà học sinh vẫn ngoan mới là thầy giỏi. Nhưng thực tế khó làm được như vậy.

Ra trường mầm non đón con, tôi thấy các cô đều phải có thước hoặc roi để ra oai. Các cô bảo nếu trò không sợ thì không dạy được. 

Ở bậc tiểu học, hầu như cô nào cũng đã từng đánh và phạt học sinh. Có điều, đánh nhưng đừng để thương tích lên thân thể các con, các cô thường nói vậy. 

Đến bậc trung học, các thầy cô ít đánh và phạt học sinh, nhưng lại theo tư duy: các con lớn rồi, học thì ấm vào thân, lười học thì khổ…

Người ngoài cuộc thường lý tưởng hóa vấn đề. Đa số các phụ huynh đều mong muốn và hình dung thầy cô dịu dàng như cô Tấm, học trò ngoan ngoãn học tập. 

Nhưng thực tế, những thầy cô hiền lành là không nghiêm khắc, lớp học luôn ồn ào, học tập chẳng ra gì.

Thầy H. đánh vào mông học sinh là có sự cân nhắc

Có sự cân nhắc vì thầy H. không đánh vào những vị trí khác trên cơ thể mà đánh vào mông. 

Đừng kỉ luật thầy H. ảnh 3

Cô rất buồn, Cô đã không thể làm khác!

Chắc thầy cho rằng đánh vào mông không để lại hậu quả mà có tác dụng đưa học sinh vào kỉ luật. 

Qua tường thuật của báo chí, thầy H. còn bình tĩnh cho học sinh nằm úp trên mặt bàn, giơ gậy vụt một cái thật mạnh.

Hơn nữa, gậy của thầy H. được biết là gậy nhựa. Đó là đoạn ống nhựa dài khoảng một mét. Cây gậy này luôn có trong lớp chứng tỏ thầy có chủ ý đưa học sinh vào khuôn khổ bằng gậy nhựa.

Hành động của thầy H. khác hẳn những trường hợp đánh học sinh do nóng tính, bột phát như các vụ việc báo chí đã nêu. Là cha mẹ học sinh, chúng ta cần cân nhắc việc này.

Không nên kỉ luật thầy H.

Dẫu biết đánh học sinh là sai, xét trên lí lẽ nào thì đánh học trò cũng là sai. Nhưng tôi thấy cơ quan chủ quản nơi thầy H. công tác cũng chỉ nên nhắc nhở thầy. 

Qua sự việc này tôi thấy thầy không đáng bị kỉ luật. Thầy nghiêm khắc như vậy nên học sinh của thầy học môn tốt Tin học và tạo ra nhiều thành tích nổi bật. 

Được biết, học sinh của thầy đi thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố luôn có giải cao.

Đừng kỉ luật thầy H. ảnh 4

Giáo viên hãy nghiêm khắc với trẻ nhưng xin đừng hù dọa

Thiết nghĩ, dù là đánh học sinh (bằng ống nhựa) mà học sinh biết chăm chỉ học, còn hơn là không đánh phạt bao giờ, phó mặc học sinh tự quyết định lực học và tương lai của mình. 

Nếu được chọn, tôi sẽ chọn thầy H.

Nhìn lại những năm học cấp 3, tôi thấy thầy giáo dạy Văn nghiêm nên ai cũng phải soạn bài trước khi đến lớp.

Có bạn viết văn ẩu thầy cầm quyển vở quật vào mặt (và đến bây giờ chúng tôi không giận thầy việc đó). 

Nhưng thầy dạy Vật lí thì cứ giảng bài, ai nghe thì nghe, không nghe thì cứ việc nói chuyện và môn đó chúng tôi học kém hẳn.

Đến bây giờ, mỗi khi họp lớp, tôi chẳng thấy ai trách thầy cô hay đánh học trò. Tôi chỉ thấy các bạn đồng môn kể, giá năm ấy, thầy không đánh thì không được như ngày hôm nay.

Tôi hiện nay có con trai đang học lớp 9, tôi rất mong muốn con mình được học những thầy cô như thầy H. ở Trường Trung học Phổ thông Thủ Thiêm – Thành phố Hồ Chí Minh.

Tùng Sơn