Duyên nợ với nghề “bà Tổng” nơi địa đầu Tổ Quốc

06/05/2018 07:32
Duy Cường
(GDVN) - Quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Quảng Yên, cô giáo Thu Hiền gắn bó và bén duyên với mảnh đất Móng Cái, nơi địa đầu Tổ Quốc nhờ nghề… bà Tổng

Không yêu trẻ, yêu nghề không làm được "nghề"

Từ lâu, nhiều thế hệ học sinh trường Tiểu học Lý Tự Trọng hay Trường tiểu học Vạn Ninh (Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) đều đã ấn tượng với cô giáo Tổng phụ trách Đỗ Thị Thu Hiền. 12 năm làm “nghề” Tổng phụ trách đã đưa cô giáo Thu Hiền dẫn đến  biệt danh... Hiền “Tổng”.

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện đặc biệt với cô giáo Thu Hiền về cái nghề trong trường giáo viên nào cũng “sợ” này.

Trò chuyện với cô giáo về nghề Tổng phụ trách, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đối với cô giáo Đỗ Thị Thu Hiền, giáo viên Tổng phụ trách của Trường tiểu học Vạn Ninh chính là giọng nói hào sảng của người miền Đông, sau đó là những ưu tư, tâm huyết với nghề.

Dù thành tích đạt được nhiều nhưng cô Hiền vẫn cho rằng mình chỉ là một cô giáo bình thường như bao giáo viên khác, còn nhiều đồng nghiệp vẫn đang hi sinh vì học trò nhiều hơn mình.

Với những thành tích như bằng khen Trung ương Đoàn vì có thành tích xuất sắc tại Trại Huấn luyện Kim Đồng toàn quốc khu vực miền Bắc; huấn luyện viên cấp 1 Trung ương;

Thủ khoa bộ môn kỹ năng sống tại Trại Huấn luyện Kim Đồng toàn quốc năm 2017…

Cô Tổng phụ trách Đỗ Thị Thu Hiền là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh tại quý 1 năm 2018.

Là người quê gốc Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Quảng Yên, tốt nghiệp Cao đằng sư phạm Hà Nội chuyên ngành Mỹ thuật, về công tác tại mảnh đất Móng Cái, nơi địa đầu của Tổ quốc, hơn chục năm qua, cô giáo Thu Hiều bén duyên với nghề làm Tổng phụ trách một cách tình cờ.

Khi nói về vai trò của người thanh niên đeo khăn quàng đỏ nơi địa đầu Tổ Quốc, cô giáo Hiền cho rằng mình cũng như bao đồng nghiệp khác, dù ở bất cứ nơi nào từ vùng núi cao nơi địa đầu Tổ quốc đến miền biển khơi nơi hải đảo xa xôi, các thế hệ giáo viên làm tổng phụ trách Đội - những người thanh niên mang khăn quàng đỏ đều vẫn luôn miệt mài vì học sinh thân yêu.

Với công việc đặc thù của “nghề” Tổng phụ trách, cô giáo hiền cũng như bao giáo viên Tổng phụ trách khác đều đem sức lực, trí tuệ của mình truyền dạy tri thức và giáo dục nhân cách cho học sinh, góp phần cùng nhà trường chăm lo cho sự phát triển của lớp lớp các thế hệ măng non đất nước.

Khi chia sẻ bí quyết, cô giáo Thu Hiền chỉ gói gọi trong câu nói, không yêu trẻ không thể làm được nghề Tổng phụ trách.

Cô Hiền "tổng" say mê với hoạt động Tổng phụ trách (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cô Hiền "tổng" say mê với hoạt động Tổng phụ trách (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bởi theo cô giáo Thu Hiền, đặc thù Giáo viên Tổng phụ trách trong các trường Tiểu học, người giáo viên luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh và điều hành các hoạt động phong trào của nhà trường.

Bên cạnh đó, cô Hiền cũng cho biết, giáo viên Tổng phụ trách cũng là người chịu rất nhiều sức ép từ ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và ngay với cả những em học sinh cá biệt.

Theo cô giáo Hiền: “Nếu như một giáo viên dạy lớp bình thường thì họ chỉ đảm nhận hết số tiết qui định rồi có thể tự do đi lại hoặc về nhà. Còn riêng đối với giáo viên Tổng phụ trách bọn em phải túc trực, lo trăm bề thứ việc liên quan đến học sinh.

Đặc biệt các giờ học ngoại khóa lại thường tổ chức vào những ngày nghỉ để tránh học chính khóa nên nhiều khi giáo viên Tổng phụ trách không có ngày nghỉ cuối tuần…”

Không chỉ vậy khi nói về khó khăn của nghề, cô giáo Thu Hiền rất thẳng thắn chia sẻ: Nghề Tổng phụ trách thường phải chấp nhận rằng những gì làm được rất ít được ghi nhận nhưng nếu sơ suất không hoàn thành một nhiệm vụ thì lại bị nhắc nhở, quở trách.

Có lẽ chính vì vậy cô Tổng phụ trách này mới kết luận một câu chắc nịch rằng không yêu nghề, yêu trẻ thì không bao giờ làm được Tổng phụ trách.

Tổng phụ trách cũng phải “liệu cơm gắp mắm”

Đây là chia sẻ khá bất ngờ của cô giáo Thu Hiền nhưng cũng nói nên thực trạng của công việc Tổng phụ trách trong trường Tiểu học hiện nay.

Đối với Trường tiểu học Vạn Ninh, một trong những ngôi trường còn khó khăn nơi địa đầu Tổ Quốc nhưng phong trào học tập ngoại khóa, công tác luôn nằm trong top đầu khối tiểu học của thành phố Móng Cái.

Để có được các hoạt động nhiều ý nghĩa, thiết thực đối với học sinh tiểu học, cô Tổng phụ trách đã mất rất nhiều công suy nghĩ, áp dụng sáng tạo các hình thức ngoại khóa nhưng phải đảm bảo… thật tiết kiệm.

“Nói thật với anh là Hiệu trưởng của trường cũng thích phong trào lắm nhưng khổ nỗi khinh phí eo hẹp nên nhiều lúc phải nghĩ chương trình nào vừa thu hút lại vừa tiết kiệm chi phí nên rất mệt anh ạ.” Cô giáo Hiền chia sẻ.

Cô Tổng phụ trách Thu hiền hướng dẫn cho những hướng dẫn viên du lịch nhỏ tuổi trường Tiểu học Vạn Ninh khi tham gia buổi ngoại khóa về văn hóa, lịch sử quê hương Vạn Ninh (ảnh nhân vật cung cấp)
Cô Tổng phụ trách Thu hiền hướng dẫn cho những hướng dẫn viên du lịch nhỏ tuổi trường Tiểu học Vạn Ninh khi tham gia buổi ngoại khóa về văn hóa, lịch sử quê hương Vạn Ninh (ảnh nhân vật cung cấp)

Tuy ít kinh phí nhưng những chương trình cô giáo Hiền áp dụng tại Trường tiểu học Vạn Ninh khiến nhiều trường phải học tập kinh nghiệm.

Năm học 2017, hội thi “Rung chuông vàng” của trường Tiểu học Vạn Ninh đã gây được hiệu ứng tốt cho dư luận xã hội tại địa phương, các vị phụ huynh.

Sân chơi tuy không mới nhưng với những câu hỏi, sự sáng tạo đã rất hấp dẫn đối với các em đội viên đang ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có dịp giao lưu, củng cố, mở rộng kiến thức. Qua hoạt động, nhiều thầy cô giáo đã phát hiện các điểm mạnh điểm yếu của từng học sinh.

Chương trình  “Chúng em với An toàn giao thông” của trường cũng đã nâng cao ý thức của các em học sinh tiểu học. Các chương trình các em trực tiếp tham gia bằng các hình thức như kịch, thơ, vẽ, tranh hùng biện, ký cam kết thực hiện an toàn giao thông đã giúp các em học sinh tự tin giao tiếp, thực hiện tốt luật giao thông.

Đó chỉ là những sự kiện trong rất nhiều sự kiện cô Tổng phụ trách Thu Hiền tổ chức cho các em trường tiểu học Vạn Ninh.

Vừa qua, các em học sinh sẽ được tham gia hoạt động tìm hiểu môn nghệ thuật “Hát nhà Tơ”, một loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng tại mảnh đất Móng Cái. Thông qua các hoạt động, các em vừa được đóng vai là những hướng dẫn viên du lịch nhỏ tuổi, vừa hiểu hơn về quê hương, đất nước mình, nơi mình sinh ra.

Trong thời gian tới cô Tổng phụ trách cho biết các hoạt động ngoại khóa của trường Tiểu học Vạn Ninh sẽ có nhiều sáng tạo và đổi mới hơn, gắn liền với các hoạt động học tập giáo dục trực quan. Và có lẽ cô Tổng phụ trách sẽ phải căn ke bài toán về…kinh phí.

Trăn trở với việc phòng tránh xâm hại học đường

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tổng phụ trách Đỗ Thị Thu Hiền cho biết có lẽ đã đến lúc cần có một môn học chính thức về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các học sinh tiểu học.

Với những vụ xâm hại gần đây xảy ra trong trường học, cô Hiền cho rằng, từ trước đến giờ, mọi người vẫn chủ yếu tuyên truyền dành cho đối tượng thanh thiếu niên và đặc biệt quan tâm đến các bạn gái mà rất ít quan tâm đến đối tượng vị thành niên,đặc biệt là học sinh tiểu học.

Sức khỏe vị thành niên là một vấn đề xã hội rất quan tâm, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp của các em.

Thông qua đó việc phòng trách sự xâm hại trẻ em sẽ được khắc phục tối đa. Các em sẽ biết tự bảo vệ mình trước sự xâm hại của những kẻ xấu. Kẻ xấu đó không chỉ là người lạ mà còn có cả người thân trong gia đình.

“Thông qua các hoạt động ngoại khóa, chúng em vẫn đang tổ chức các hoạt động ngoại khóa bằng các trò chơi, qua các trò chơi đó dạy các em tôn trọng những phần riêng tư của bạn bè, biết bảo vệ những phần trên cơ thể các em để chống xâm hại”. Cô Hiền chia sẻ kinh nghiệm.

Duy Cường