Ê kíp sư phạm – phổ thông trong đào tạo giáo viên mới

27/02/2019 06:00
AN NGUYÊN
(GDVN) - Trường sư phạm liên kết chặt chẽ với các trường phổ thông để đưa sinh viên đến thực tập, đồng thời nắm bắt các kiến thức từ thực tiễn.

Liên quan đến việc đào tạo giáo viên trong bối cảnh áp dụng chương trình phổ thông mới, đã có nhiều ý kiến về sự cần thiết phải thay đổi trong cách đào tạo của các trường sư phạm hiện nay.

Trong đó, có nhiều quan điểm của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc đào tạo của các trường sư phạm phải gắn chặt hơn nữa với các trường phổ thông.

Đưa sinh viên về trường phổ thông

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Minh và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (được trình bày trong kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia về tiếp cận giáo dục thông mình trong đổi mới giáo dục phổ thông) thì phải có sự tổ chức liên kết trách nhiệm giữa cơ sở đào tạo giáo viên và trường phổ thông trong đào tạo giáo viên.

Đào tạo giáo viên phải gắn chặt với các trường phổ hình thành nên ê kip sư phạm - phổ thông. Ảnh: AN
Đào tạo giáo viên phải gắn chặt với các trường phổ hình thành nên ê kip sư phạm - phổ thông. Ảnh: AN

Theo đó, đào tạo theo phương thức tổ chức sinh viên học trãi nghiệm nghề nghiệp chỉ thực hiện hiệu quả tại trường phổ thông.

Các trường phổ thông thực hành cần phải được xây dựng thành các trường phổ thông liên kết phát triển nghề.

Đó là cách dạy học ngay trên thực địa, tại lớp học thực tế giống như bác sĩ nội trú học tại giường bệnh, trên lâm sàng (gọi tắt là sư phạm – phổ thông).

Đào tạo giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?

Theo Giáo sư Minh, liên kết sư phạm – phổ thông là sự kết hợp cộng tác được ràng buộc trách nhiệm hoàn thành những công việc được giao cho mỗi bên để đào tạo giáo viên có chất lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục cấp học.

Sinh viên sư phạm đến trường phổ thông đóng vai trò là một thành viên trong nhà trường, được tắm mình trong văn hóa nhà trường.

Trực tiếp tổ chức các hoạt động học nghề tại trường phổ thông liên kết là các giáo viên phổ thông và giảng viên sư phạm (từ các trường Đại học Sư phạm) được lựa chọn, bồi dưỡng có hệ thống nghiệp vụ tổ chức hướng dẫn sinh viên học.

Giáo viên phổ thông trực tiếp tham gia đào tạo được coi là trợ giảng, với tư cách là thành viên cơ hữu của sư phạm cần có các phẩm chất của người giáo viên giỏi, nắm vững môn học, hợp tác với giảng viên sư phạm trong hoạt động hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, trong đào tạo sư phạm luôn có sự gắn kết chặt chẽ với các trường phổ thông để nắm bắt thực trạng đội ngũ giáo viên và việc giảng dạy ở trường phổ thông.

Giảng viên cũng tăng cường kết nối với các tổ bộ môn của các trường phổ thông để được trao đổi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, phương pháp…

Việc đào tạo giáo viên ở môi trường đại học nhờ đó sẽ cung cấp cho các đơn vị tuyển dụng những giáo viên sẵn sàng thích nghi, hội nhập.

Chứ không thể là những sản phẩm đầu ra cho giáo dục phổ thông lạc lõng, lúng túng trước chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ê kíp sư phạm – phổ thông

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Minh cũng cho rằng, mỗi ngành đào tạo giáo viên phải có giảng viên tham gia tại các trường thực hành sư phạm.

Giảng viên này phải là người am hiểu chương trình, nghiệp vụ đào tạo giáo viên. Giảng viên phải vừa là chuyên gia môn học ở đại học vừa là nhà sư phạm nắm vững chương trình giáo dục phổ thông.

Ở những nền giáo dục tiên tiến, họ đào tạo, tuyển chọn giáo viên như thế nào?

Họ có thể vừa cùng giáo viên trực tiếp, chỉ đạo, hướng dẫn sinh viên học vừa cùng giáo viên phổ thông tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục, đào tạo, phát triển chương trình môn học, làm cầu nối giữa sư phạm và phổ thông.

Đồng thời, các giảng viên này và các giảng viên bộ môn nghiệp vụ sư phạm phải có trách nhiệm phối hợp với nhau trong đào tạo và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên nói chung và chất lượng đào tạo nghiệp vụ sư phạm nói riêng. 

Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo ra môi trường sư phạm, môi trường văn hóa chất lượng. Mỗi giảng viên của trường phải tự giác tham gia và phải được tổ chức để họ tham gia đào tạo nghiệp vụ sư phạm.

“Sinh viên được biên chế theo nhóm về học tại cùng một trường phổ thông và những người hướng dẫn cũng được biên chế cố định theo nhóm sinh viên.

Như vậy, giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm thành ê kíp cộng tác đào tạo giáo viên.

Những ê kíp như thế nếu được xây dựng hợp tác lâu dài chắc chắn sẽ đóng góp hiệu quả vào đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phát triển chương trình giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Ê kíp sư phạm – phổ thông là cầu nối sư phạm – phổ thông với các bên liên quan khác, cùng giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong đào tạo giáo viên, giáo dục phổ thông, tạo cơ hội để các bên cùng phát triển chuyên môn.

Sự cộng tác trách nhiệm sư phạm – phổ thông phải trở thành một thiết chế trong quản lý đào tạo, sử dụng giáo viên ở nước ta”, Giáo sư Minh cho hay.

AN NGUYÊN