Em thích học Sử và mong ước thành nhà ngoại giao

15/05/2018 07:06
Vũ Phương
(GDVN) - Nhiều học sinh chán ngán, không thích, thậm chí xem thường môn Sử là do cách truyền đạt của giáo viên khô khan, thiếu tính sáng tạo.

Bên lề Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức tại Trường Trung học Phổ thông Tam Đảo, phóng viên có dịp trao đổi với nữ sinh Đào Thị Phương Dung (lớp 11A4) có bí quyết học giỏi môn Lịch Sử.

Nói về hoàn cảnh gia đình của nữ sinh “siêu” khối C này không ít thầy cô giáo, bạn bè của Dung biết được hoàn cảnh của em đều rơi nước mắt và khâm phục sự nghị lực, ý chí của Dung để có được những thành tích đáng nể.

Cô giáo chia sẻ về bất cập “học một đường thi một nẻo” của môn địa lý

Theo đó, hoàn cảnh gia đình Dung rất khó khăn, bố sức khỏe yếu, mẹ chỉ trông vào mấy sào ruộng.

Đặc biệt, Dung bị bệnh tim và dạ dày, sức khỏe của em yếu hơn so với các bạn.

Bù lại hai chị em Dung học rất giỏi, hiện chị gái của  Dung đang học năm thứ nhất Trường đại học Y Hà Nội.

Ở Trường Trung học phổ thông Tam Đảo, em Đào Thị Phương Dung còn được biết đến là học sinh có điểm số khối C cao nhất trường.

Dung có thành tích học tập môn Sử rất đáng nể, năm lớp 10 em đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Vĩnh Phúc môn Sử.

Năm học vừa qua dù đang học lớp 11, Dung vẫn tự tin đã đăng ký thi vượt cấp kỳ thi học sinh giỏi môn Sử lớp 12 tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết quả kỳ thi cũng khiến nhiều người bất ngờ với kết quả Dung đạt  giải Nhì toàn tỉnh .

Trao đổi với phóng viên, em Đào Thị Phương Dung chia sẻ về bí quyết học giỏi môn Sử:  “Em nghĩ thời gian học môn Sử tốt nhất là vào sáng sớm. Bởi môn Sử có nhiều sự kiện, con số, học vào buổi sáng tinh thần thoải mái sẽ nhớ lâu và nhớ kỹ.

Em thức dậy từ 4h và học đến hơn 6h học môn Sử. Em không học môn Sử theo cách học thuộc mà học theo phương pháp sơ đồ tư duy”.

Em Đào Thị Phương Dung cho biết, môn Sử chương trình nặng, kiến thức nhiều nếu thầy cô lại truyền đạt một cách khô khan từ sách giáo khoa ra sẽ rất nhàm chán và khó học. Ảnh: Vũ Phương
Em Đào Thị Phương Dung cho biết, môn Sử chương trình nặng, kiến thức nhiều nếu thầy cô lại truyền đạt một cách khô khan từ sách giáo khoa ra sẽ rất nhàm chán và khó học. Ảnh: Vũ Phương

Em Đào Thị  Phương Dung cho rằng: “Không hẳn những sự kiện, những con số môn Sử là khô khan. Nhưng kiến thức môn Sử rất đồ sộ. Bởi vậy, để nắm chắc kiến thức cần phải biết tóm lược các ý chính theo sơ đồ tư duy.

Mỗi sự sự kiện lịch sử em sẽ hệ thống lại bằng sơ đồ tư duy hình cây. Ví dụ như cuộc kháng chiến chống Pháp của Triều Nguyễn.

Em sẽ “bổ ngang” làm hai nhánh là cuộc kháng chiến chống pháp của triều đình ra sao và một nhánh nữa là cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân như thế nào.

Từ hai nhanh đó em sẽ tiếp tục “bổ dọc” để làm rõ bản chất vấn đề. Với phương pháp học theo sơ đồ tư duy sẽ giúp em hiểu rõ bản chất vấn đề.

Bên cạnh đó, ngoài  kiến thức sách giáo khoa em tìm thêm tài liệu bên ngoài để sự kiện, vấn đề em đang quan tâm có chiều sâu hơn. Bên cạnh đó, em xem thời sự để củng cố kiến thức thực tiễn”.

Bên cạnh đó, Dung cũng chia sẻ thêm về cách học môn Sử đó là tích cực học nhóm với các bạn có cùng đam mê.

Với một câu hỏi đưa ra, cả nhóm sẽ cùng tranh luận, đưa ra các thông tin, tài liệu để giúp nhau nắm vững kiến thức và nhớ lâu hơn.

Ngoài ra, Dung cũng không ngần ngại hỏi các thầy cô giáo có được có câu trả lời hay và chính xác nhất”.

Dung không nhận mình là “mọt sách”, nhưng đã ngồi vào bàn học là phải  tập trung rất cao. Đặc biệt, là phải tự ép vào “kỷ luật” bởi bố mẹ bận làm, em phải tự lập, chủ động mọi việc trong cuộc sống và học tập.

Cô Mạc Thu Hương (bên phải) giáo viên chủ nhiệm của em Đào Thị Phương Dung cho biết, Dung rất chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Nhờ phương pháp học sáng tạo, hiệu quả Dung đã đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Ảnh: Vũ Phương.
Cô Mạc Thu Hương (bên phải) giáo viên chủ nhiệm của em Đào Thị Phương Dung cho biết, Dung rất chăm chỉ, nỗ lực trong học tập. Nhờ phương pháp học sáng tạo, hiệu quả Dung đã đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Ảnh: Vũ Phương. 

Đối với nhiều học sinh, các con số trong môn Sử quá khô khan trong sách vở dẫn đến dễ bị nhầm lẫn.

Nhiều học sinh chán ngán, không thích, thậm chí xem thường môn Sử đã là chuyện phổ biến và thậm chí đang dần trở nên bình thường trong xã hội.

Học một cách đối phó, học sinh thường học tủ, học cho qua để lấy điểm, học xong thì chữ thầy lại trả thầy, đúng theo kiểu “nước đổ đầu vịt”.

Tỷ lệ thí sinh chọn môn Sử cũng thấp nhất trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia một vài năm trở lại đây. Thậm chí, có năm điểm thi môn Sử kỳ thi Trung học phổ thông thấp không tưởng, điểm 0, 1 nhan nhản.

Nhưng môn Sử đến với em Đào Thị Phương Dung rất tình cờ và tự nhiên.

Dung bị cuốn hút bởi các giờ học môn Sử rồi yêu môn Sử từ lúc nào không hay.

Đáng chú ý, Dung cũng là một trong hai học sinh giỏi môn Văn của tỉnh Vĩnh Phúc.

Lên cấp 3, Dung muốn thử sức sang một lĩnh vực mới là môn Lịch Sử.

Dung cũng chia sẻ, có nhiều bạn không thích học môn Sử vì một phần chương trình nặng, kiến thức nhiều, phải học thuộc nhiều nếu cách dạy, truyền đạt của thầy cô mà khô khan sẽ rất khó học và chán nản.

Môn Sử cần cách dạy sáng tạo và tạo cảm hứng cho học sinh thích thú.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho học sinh có câu hỏi hay trong phần giao lưu giữa Giáo sư và học sinh trong hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Vũ Phương.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho học sinh có câu hỏi hay trong phần giao lưu giữa Giáo sư và học sinh trong hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Vũ Phương. 

Chia sẻ với phóng viên sau buổi Hội thảo khởi nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0, em Đào Thị Phương Dung cũng cho biết: “Bản thân em sức khỏe cũng yếu hơn so với các bạn, nhưng qua tấm gương về nghị lực phi thường của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể, em thấy mình vẫn rất may mắn. Điều đó thôi thúc em phải cố gắng chỉ cần có ý chí và quyết tâm sẽ thành công.

Những kiến thức, thông điệp mà Giáo sư gửi đến chúng em đặc biệt cần thiết với những học sinh chủ yếu đến từ vùng khó khăn như Trường Tam Đảo.

Bản thân em sẽ phải cố gắng rất nhiều, ngoài những môn em học tốt, còn môn ngoại ngữ em vẫn chưa tìm ra phương pháp học hiệu quả, nhưng qua chia sẻ, hướng dẫn của Giáo sư em tin rằng kết quả học ngoại ngữ của em và nhiều bạn sẽ tốt lên.

Để trở thành công dân toàn cầu, tiếp cận với nền văn minh thế giới và cả kho tàng kiến thức rộng lớn, em sẽ học giỏi ngoại ngữ”.

Nói về dự định về công việc trong tương lai, Dung ngại ngùng cho biết: “Ước mơ của em là trở thành một nhà ngoại giao giỏi. Nhưng khó là em học khối C mà trường Ngoại giao không thi khối này.

Có lẽ em sẽ thi vào khoa Đông Phương để học thật giỏi ngoại ngữ, biến ước mơ trở thành hiện thật”.

Nhận xét về cô học trò cưng của mình, cô giáo chủ nhiệm Mạc Thu Hương xúc động cho biết: “Hoàn cảnh gia đình Dung rất khó khăn, nhưng bằng sự chăm chỉ, thông minh và nghị lực Dung đã rất cố gắng để đạt kết quả học tập, thành tích rất tốt.

Đặc biệt, các môn khối C, Dung luôn đạt điểm số cao nhất trường. Riêng môn Sử, Dung đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh tổ chức.

Ngoài tính cần cù, chăm chỉ, chịu khó, phương pháp học tập của Dung rất sáng tạo và theo sơ đồ tư duy rất có hiệu quả.  

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777,

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Vũ Phương