FPT cấp 8 xe đua không người lái cho các trường đại học

21/01/2017 06:47
Linh Hương
(GDVN) - FPT sẽ cấp 8 mô hình xe đua không người lái tỷ lệ 1/10 so với kích thước thật cho các trường có đội lọt vào trận chung kết.

Cuộc thi “Cuộc đua số”năm 2016 - 2017 có chủ đề “Xe không người lái” được FPT chính thức phát động ngày 2/11/2016 nhằm mục đích giúp các sinh viên Việt Nam xây dựng một nền tảng vững chắc để đón nhận cơ hội và thành công trong cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới;

Đồng thời qua cuộc thi FPT cũng mong muốn sẽ phát hiện được những sinh viên tiềm năng cùng tập đoàn tiên phong trong cuộc cách mạng số.

Ban tổ chức cho biết, đến nay đã có 71 đội thi của 16 trường đại học trên cả nước đã đến tham dự Vòng thi Tìm kiếm đại diện trường của “Cuộc đua số” năm 2016 - 2017. 

Sau 8 trận thi đấu vòng loại tại các trường đại học trên toàn quốc (từ 9-18/1), 8 đội thi xuất sắc nhất đến từ Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT, Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM), Học viện Khoa học kỹ thuật quân sự, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Lạc Hồng đã lọt vào vòng chung kết Cuộc đua số.

Ở vòng thi Tìm kiếm, các thí sinh trải qua hai phần thi: Xử lý ảnh và Lập trình nhanh. Vòng thi này giúp sinh viên được tiếp cận và thực hành kỹ năng xử lý ảnh/video trong công nghệ xe tự hành ở mức sơ cấp.

Sự xuất hiện của đội ngũ các chuyên gia công nghệ đến từ FPT và các trường đại học cũng giúp thí sinh mở rộng kiến thức về lĩnh vực này.

FPT sẽ cấp 8 mô hình xe đua không người lái tỷ lệ 1/10 so với kích thước thật cho các trường có đội lọt vào trận chung kết. 

Ngoài ra, các đội thi cũng sẽ được cung cấp các thuật toán cơ bản (mã nguồn thuật toán đọc dữ liệu từ cảm biến siêu âm; tính tốc độ động cơ; điều khiển động cơ PID cơ bản cho vòng tốc độ và vị trí); chương trình mã nguồn mở cho phép xe chạy được trên đường cong (địa hình đơn giản) và tránh được vật cản (thuật toán phát hiện biên của ảnh), từ đó làm cơ sở để xác định đường di chuyển của xe. 

FPT cấp 8 xe đua không người lái cho các trường đại học ảnh 1
Mô hình xe đua của FPT.

Ở vòng chung kết, đội ngũ huấn luyện viên gồm nhiều chuyên gia về công nghệ xử lý hình ảnh, tự động hóa… cũng sẽ trực tiếp hướng dẫn cho các thí sinh.

Là thành viên của Ban giám khảo, TS. Nguyễn Thị Oanh - Giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, đánh giá: "Các đội đều thể hiện phong độ xuất sắc, dù bị các chuyên gia 'xoáy' rất nhiều.

Nhiều sinh viên có kiến thức và kỹ năng công nghệ tốt khiến giám khảo rất khó khăn trong việc lựa chọn đội đi tiếp vào vòng trong".

Tham dự trận thi đấu vòng trường của các thí sinh, PGS.TS. Trần Văn Lăng - Trưởng khoa CNTT Đại học Lạc Hồng, cho biết dù thuộc thế hệ già nhưng nghe tin về Cuộc đua số, ông rất háo hức.

"Chúng ta khó có thể tạo dựng một ngành công nghiệp xe hơi đúng nghĩa. Nhưng phần mềm giờ mới là bộ não.

Chỉ một ứng dụng thôi cũng có thể điều khiển cả chiếc xe tiền tỷ. Đó chính là ước mơ và nó không quá xa vời với sức trẻ, với kiến thức của các sinh viên Việt Nam hiện nay.

Đó cũng chính là lý do Đại học Lạc Hồng cổ vũ hết mình cho các sinh viên tham dự cuộc thi này”, ông Lăng nhận định.

Cuộc đua số, diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017, là cuộc thi dành cho sinh viên đại học trên cả nước.

Mỗi đội thi lọt vào vòng chung kết sẽ được ban tổ chức cung cấp một xe ôtô mô hình đã được thiết lập sẵn và bộ thư viện mã nguồn mở để tham gia thi đấu.

Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng, trong đó giải Nhất trị giá 450 triệu đồng (gồm một chuyến trải nghiệm 7 ngày tại Mỹ cho các thành viên đội thi và 3 laptop).

Linh Hương