GS Nguyễn Lân Dũng: "Đổi mới chương trình không cần đợi đến 2015"!

17/06/2012 06:02
Xuân Trung (Thực hiện)
(GDVN) - "Đổi mới Chương trình đâu có khó đến thế, nếu như chúng ta nhớ rằng hiện đang là thời đại Hội nhập quốc tế và nếu Bộ Giáo dục biết coi trọng sự đóng góp xây dựng chương trình của các Hội khoa học chuyên ngành...".
- Những gì Giáo sư chứng kiến mấy năm qua về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng suýt soát 100%, thử hỏi, có ai đủ tự tin lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng giáo dục hay không? Quan điểm của Giáo sư có nên duy trì kỳ thi này?
Nhà giáo Nhân dân - Giáo sư (NGND.GS) Nguyễn Lân Dũng: Tất nhiên chả có ai tin được, nhất là khi năm trước tỷ lệ rất thấp mà năm nay lại cao vọt lên. Còn đỗ cao hay thấp phụ thuộc vào quá trình dạy và học tại bậc THPT, phụ thuộc vào việc ra đề thi (có trong Chương trình, trong Sách giáo khoa hay không?). Hiện nay chất lượng đào tạo của bậc phổ thông còn quá nhiều vấn đề cần bàn, nhưng quan trọng nhất là chương trình. Chỉ xem riêng chương trình Sinh học tôi đã thấy hình như chả giống nước nào (!). Học sinh học quá nhiều kiến thức không cần nhớ, lại trong số giờ quá ít ỏi. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã thử hỏi nhiều em thì hóa ra các em hiểu rất ít về những cái đã học và đương nhiên cũng nhớ rất ít.

Tôi rất buồn khi nghe nói mãi đến năm 2015 Bộ mới chủ trương soạn chương trình mới. Sau đó là thí điểm chương trình, thí điểm soạn sách giáo khoa, thí điểm dùng sách giáo khoa... Loại già như chúng tôi chắc không đợi được đến lúc ấy (!). Đổi mới Chương trình đâu có khó đến thế, nếu như chúng ta nhớ rằng hiện đang là thời đại Hội nhập quốc tế và nếu Bộ Giáo dục biết coi trọng sự đóng góp xây dựng chương trình của các Hội khoa học chuyên ngành (kết hợp với các thầy cô giáo phổ thông giàu kinh nghiệm). Tôi cho rằng nên bỏ kỳ thi này, nhưng không sợ các em không chịu học.

NGND. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, để có được kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc hoàn toàn không khó.
NGND. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, để có được kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc hoàn toàn không khó.

ĐỪNG ĐỂ TIÊU CỰC THOÁT TỘI, NGƯỜI CHỐNG TIÊU CỰC NHẬN TỘI
NẾU TÔI LÀ BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Nếu chúng ta cùng quan niệm Thực học, Thực nghiệp, học cho mình chứ không  phải để đối phó với thi cử. Nếu chúng ta có một đội ngũ thầy cô giáo tận tâm và biết làm gương cho học sinh thì chúng ta sẽ có một thế hệ học sinh chăm chỉ học tập. Việc xét lên lớp hàng năm và cuối cùng là chuyện tốt nghiệp hay phải lưu ban là do các thầy cô giáo đề nghị và Hiệu trưởng quyết định. Giám đốc Sở chỉ cần kiểm tra sự trung thực của từng Trường rồi ký bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó tùy năng lực mà học sinh tự chọn ra đời ngay hay là thi vào loại trường nào (Đại học, Cao đẳng, TH chuyên nghiệp, Trường nghề...).

Muốn làm như vậy phải triệt tiêu bệnh thành tích và không coi trọng chỉ tiêu tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh. Tất nhiên cần có sự nghiêm túc của mọi thầy cô giáo và vị Hiệu trưởng của từng trường, sự theo dõi và kiểm tra sát sao của lãnh đạo các Sở GD&ĐT.

Việc định bỏ kỳ thi Đại học là cực kỳ phi lý. Ở nhiều nước phát triển chỉ có thi vào các Đại học danh tiếng, còn các trường khác thì không cần. Nhưng điều kiện của họ khác hẳn hoàn cảnh nước ta. Bao nhiêu sinh viên cũng đủ chỗ học và đủ phòng thí nghiệm. Thi theo tín chỉ từng môn nên đâu phải từng ấy sinh viên đều được lên lớp. Em nào xuất sắc có thể chỉ cần 3 năm đã tốt nghiệp, em nào học kém, hay vừa học vừa làm thì phải nhiều năm hơn. Không cần lo đầu vào nhưng đầu ra bao giờ cũng rất đảm bảo so với uy tín của từng trường Đại học. Điều này rất quan trọng, những trường chất lượng thấp thì dù có bằng Cử nhân, thậm chí bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng rất khó xin được  việc làm tương xứng với bằng cấp. Việc cử sinh viên đi học hay tiếp nhận các Cử nhân, Thạc sĩ , Tiến sĩ từ nước ngoài về nước xin đừng quên xem là tốt nghiệp từ trường Đại học nào, để có thể sắp xếp công việc cho đúng với năng lực có thực.
- Nhiều ý kiến cho rằng, với học sinh học hết lớp 12, chỉ cần cấp cho các em Chứng chỉ đã hoàn thành chương trình THPT. Chứng chỉ này do Hiệu trưởng trường học sinh theo học cấp là đủ (giống như học xong Tiểu học và THCS hiện nay). Giáo sư nghĩ sao về sáng kiến này?
NGND. GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ khác. Tốt nghiệp THPT là đánh dấu cả một quá trình đào tạo. Em nào học kém thì phải học lại để mọi em tốt nghiệp THPT đều có một mặt bằng gần giống nhau. Nếu không xem xét nghiêm chỉnh thì học sinh đâu cần chăm chỉ học tập, và khi đó thì thầy cô giáo còn đâu hào hứng để giảng dạy!
Nếu không đủ trình độ nhất định thì sao có khả năng dự tuyển vào các trường Đại học trong nước hay ở nước ngoài (dù là du học tự túc). Có thi cử mà nhiều em còn bị điểm 0 môn Lịch sử, nếu không có sự xét lên lớp hay cho lưu ban một cách nghiêm túc thì chắc rằng chất lượng học hành còn tệ hại đến đâu đối với tất cả các môn học?
- Sự việc xảy ra tại Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô – Bắc Giang vừa qua có phải là dấu hiệu để chúng ta thay đổi cách thức thi hoặc chấm dứt hẳn kỳ thi này?
NGND. GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi biết tỉnh Bắc Giang có nhiều thành tích trong sự nghiệp GD&ĐT. Chuyện vừa xảy ra làm cả tỉnh rất buồn. Đừng vội nghĩ rằng các tỉnh khác không có hiện tượng này. Đó là sự không thành công của phong trào thi đua hưởng ứng "Hai không". Đó là hậu quả của căn bệnh thành tích đã kéo dài quá lâu trong ngành giáo dục. Đó là tiếng chuông báo động cho việc cần gấp rút thực hiện sự nghiệp chấn hưng giáo dục.

Tôi muốn nói thêm là không nên kỷ luật mấy em làm clip do ghi hình bằng bút camera. Một là các em ấy không phạm quy, ta cấm các thiết bị giúp các em ấy làm được bài, thiết bị này đâu có giúp được gì cho các em ấy. Hai là, nếu không có sự dũng cảm của mấy em làm chuyện này thì xã hội đâu thấy quá bức xúc về bệnh thành tích trong giáo dục và về chất lượng học hành của học sinh hiện nay. Từ đó mới có thêm quyết tâm để chấn hưng sự nghiệp giáo dục, một sự nghiệp (cùng với phát triển khoa học-công nghệ) đang được coi là "then chốt" trong công cuộc đổi mới hiện nay.
- Hầu như hàng năm kỳ thi tốt nghiệp cũng có gian lận, dối trá, trong khi đó Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng phải sau năm 2015 nếu thay đổi kỳ thi tốt nghiệp lúc đó mới bắt đầu làm? Quan điểm của Giáo sư như thế nào về ý kiến của bộ?
NGND. GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi không hiểu “mới bắt đầu làm” là làm gì? Nếu không thay kỳ thi tốt nghiệp bằng chuyện xét lên lớp, xét lưu ban một cách nghiêm túc, công bằng thì vẫn cần có kỳ thi tốt nghiệp. Nếu không mắc bệnh thành tích, nếu thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đều muốn cho học sinh và con em của mình có đủ kiến thức cần có, thì theo tôi một kỳ thi nghiêm túc đâu có quá khó khăn. 
Hai giám thị, một đứng phía trên, một đứng phía dưới, nếu có trách nhiệm thật sự thì tôi cho rằng đố em nào có thể dùng "phao", có thể quay cóp bài của bạn, càng không thể có ai tung được đáp án vào phòng thi. Hiện nay có hiện tượng học sinh chỉ lo học 3 môn dự định thi Đại học, còn các môn khác đợi khi Bộ công bố các môn thi THPT, lúc bấy giờ mới học. Làm sao có thể học kịp, thế là phải cầu cứu đến "phao".

Thầy cô giáo và phụ huynh thương tình khi nghĩ một học sinh giỏi ba môn thi Đại học mà bị điểm xấu về các môn khác thì tiếc quá. Thế là mới làm ngơ cho các hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi THPT. Dù lâu nay đã cố gắng khắc phục bằng nhiều biện pháp nhưng đâu vẫn vào đó. Và chuyện này chắc là sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới.

Xuân Trung (Thực hiện)