GS.Trần Hồng Quân: Chỉ có tự chủ, giáo dục đại học mới có thể khởi sắc

01/10/2016 07:43
Thùy Linh
(GDVN) - GS.Trần Hồng Quân cho rằng: “Quá trình tự chủ giống như việc chúng ta cho đứa con ra ở riêng, ở riêng thì tự lập nhưng cũng có những khó khăn và thách thức”.

Ngày 30/9, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tự chủ đại học - Cơ hội và thách thức” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ ban ngành và hàng trăm đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. 

Câu chuyện tự chủ đại học không lạ trên thế giới nhưng chưa quen với ta. Ở các nước thì không có vấn đề nên hay không nên mà coi đó là một thuộc tính của giáo dục đại học, đã được quy định thành luật pháp. 

Còn ở nước ta thì vừa phải tiếp tục thuyết phục nhau nên thực hiện tự chủ đại học, vừa phải nghiên cứu cách thức tự chủ phù hợp với hoàn cảnh và thể chế chính trị kinh tế của nước ta
”. 

Đó là lời mở đầu cuộc hội thảo của GS.Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. 

Trong thời gian 1 ngày diễn ra hội thảo, GS.Trần Hồng Quân đã có nhiều ý kiến nhắn nhủ tới các đại biểu đặc biệt là đại diện các trường trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hiện nay. 

Lý do tự chủ đại học chậm được xác lập

Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam khẳng định: Sau hơn ba mươi năm đổi mới nhưng các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế quan liêu bao cấp trong quản lý. Đó là lý do tự chủ đại học chậm được xác lập. 

Phải xóa bao cấp để tránh ỉ lại, phải xóa nghĩ thay làm thầy để tránh dựa dẫm, phải khắc phục sự ràng buộc để tránh tình trạng các trường phải “múa gậy trong bị”, phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan để luôn luôn canh tân theo hướng tối ưu hoá để tồn tại và phát triển. 

GS.Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)
GS.Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Thùy Linh)

Việc tự chủ về tài chính khiến cho không ít trường lo ngại nhưng rõ ràng, Chính phủ có quy định các bước đi trong một lộ trình hợp lý”, GS.Trần Hồng Quân nhấn mạnh.  

Đồng thời khi thực sự thực hiện tự chủ tài chính đầy đủ thì Nhà nước không phải hoàn toàn không đầu tư mà là sẽ đầu tư theo phương thức khác ví dụ như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu khoa học, trong trường hợp đặc biệt có thể đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chất lượng cao... 

Các trường tự lo nguồn thu là một trách nhiệm nặng nề, chỉ có thể thực hiện được bằng sự phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. 

Về nguyên tắc, phải tiến tới các trường có quyền quyết định mức học phí để bù đủ chi phí đào tạo theo điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng của nhà trường (hiện nay tạm thời nhà nước còn quy định mức học phí tối đa cho các trường tự chủ và thay đổi dần theo lộ trình cần thiết để tránh sự đột ngột đối với người học). 

Với quyền tự chủ của mình các trường có thể huy động thêm vốn góp từ xã hội để cải thiện năng lực của mình và trong trường hợp đó thì các trường này sẽ trở thành một cơ sở đại học đa sở hữu chứ không còn thuần tuý là một trường công. 

Tự chủ đại học tạo ra sinh khí mới cho sự phát triển của đất nước

GS.Trần Hồng Quân cho rằng: “Quá trình tự chủ giống như việc chúng ta cho đứa con ra ở riêng, ở riêng thì tự lập nhưng cũng có những khó khăn và thách thức.

Với chủ trương tự chủ này, thái độ của các trường cũng khác nhau, hiện nay đã có 14 trường xin tự chủ, nhưng nhiều trường vẫn còn do dự
”. 

GS.Trần Hồng Quân: Chỉ có tự chủ, giáo dục đại học mới có thể khởi sắc ảnh 2

Mối quan hệ giữa quyền tài sản và quyền tự chủ Đại học

(GDVN) - Dưới góc nhìn pháp luật, quyền tài sản và quyền tự chủ Đại học có mối quan hệ như thế nào?

Khi bước vào tự chủ, một số trường hết sức hăng hái, hoan nghênh việc triển khai thực hiện tự chủ, coi như được giải phóng; có trường thì dè chừng cần có lộ trình hợp lý.

Còn với các trường thiếu tự tin, ngần ngại việc xa rời bao cấp của ngân sách nhà nước, ngần ngại "bơi" trong bối cảnh tự lập thì không hoan nghênh tự chủ, coi đó như là sự buông tay thiếu trách nhiệm của nhà nước, họ mong muốn tiếp tục sống trong cơ chế  quản lý tập trung như một sự núp bóng an nhàn.

Đương nhiên, bước đầu tự chủ sẽ có trường bứt phá vươn lên, chứ không có hiện trạng dàn hàng ngang đi lên, nhưng ngược lại cũng sẽ có trường buộc phải giải thể hoặc sáp nhập”, GS.Trần Hồng Quân nêu thực tế.

Do đó, tự chủ phải có chủ trương hợp lý, khẩn trương kèm theo những chính sách hợp lý. Nếu không tự chủ không thể khởi sắc, hơn nữa giáo dục đại học trực tiếp liên quan đến phát triển đất nước. 

Khi nhìn vào tốc độ phát triển những năm gần đây, chúng ta cảm thấy lo lắng và cần phải khẩn trương tiến hành tự chủ đại học, để tạo ra sinh khí mới cho sự phát triển của đất nước.

Phải có giảng buộc để tránh, quyết tâm quản lý tập trung để các trường tự lập, tránh áp đặt để các trường sáng tạo. 

Xây dựng các mô hình đại học tự chủ khác nhau

Tự chủ đại học phải thực hiện đầy đủ trên 3 mặt:

- Tự chủ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hoạt động khoa học có thể gọi tắt là tự chủ về học thuật. 

- Tự chủ về tài chính

- Tự chủ về nhân lực.

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.Trần Hồng Quân nhấn mạnh: “Tự chủ đại học là một chủ đề hết sức quan trọng, mang tính thời sự và đây cũng là một chủ đề khó đòi hỏi chúng ta cần phải chuẩn bị và mạnh dạn thực hiện"

GS.Trần Hồng Quân: Chỉ có tự chủ, giáo dục đại học mới có thể khởi sắc ảnh 3

Đề xuất lộ trình cho hội đồng trường

(GDVN) - Hội đồng trường chỉ phát huy vai trò của mình đầy đủ và hoạt động có hiệu quả cao khi cơ chế “bộ chủ quản” và “trường trực thuộc” được hoàn toàn xóa bỏ.

Sau một ngày diễn ra hội thảo, hơn 300 đại biểu đã được nghe chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ đạo thiết thực tháo gỡ nhiều suy nghĩ thắc mắc của các trường, của xã hội.

Đồng thời, đại diện Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã nêu lên kế hoạch của Bộ trong việc triển khai vấn đề tự chủ này. 

Cùng với 9 tham luận của các báo cáo viên đưa ra rất nhiều đề xuất, GS.Trần Hồng Quân mong muốn trước tiên cần tháo gỡ các quy định trong luật lao động, luật ngân sách và quy định về quản lý đào tạo, quản lý khoa học hiện hành, đặc biệt là các quy chế tổ chức hoạt động các loại cơ sở đào tạo đại học nhằm giải quyết các mối quan hệ: 

- Giữa trường và cơ quan quản lý mà cụ thể là Chính phủ, Nhà nước.

- Giữa trường với người học.

- Giữa trường và xã hội.

- Và mối quan hệ tương quan trong nội bộ khi tiến hành tự chủ đại học. 

GS.Trần Hồng Quân cho rằng: Để tiến hành tự chủ đại học thuận lợi thì trước tiên cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý đại học để triển khai nhiệm vụ quan trọng này. 

Tiếp theo, cần tổ chức sự hợp tác quan trọng và đẩy mạnh nâng cao thi đua chất lượng trong quá trình tự chủ, đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục.

Hiện nay sự kết hợp giữa Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực và Bộ GD&ĐT tương đối mạnh mẽ với mong muốn phát triển giáo dục trong đó có vấn đề tự chủ đại học cần sớm triển khai nhằm tạo sinh khí mới cho các trường. 

Lý giải nguyên nhân kỳ vọng vào vấn đề tự chủ đại học, GS.Trần Hồng Quân cho rằng: “Khi tự chủ thì các trường sẽ sáng tạo, buộc phải sáng tạo để cảnh tỉnh, để phát triển.

Sáng tạo để từng cá nhân thầy cô, cán bộ quản lý phấn đấu cho “chỗ đứng” của mình chứ không phải mặc nhiên đã là biên chế thì sẽ yên vị suốt đời, trường được thành lập thì mãi mãi tồn tại”.  

Mục tiêu phấn đấu, động lực tự thân của từng người, từng trường sẽ tạo ra động lực chung của nhà trường, tạo ra sinh khí phát triển mạnh mẽ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. 

Hiện nay mới có 14 trường tự nguyện đăng ký và được Chính phủ công nhận cho thí điểm tự chủ đại học.  

Sau hội thảo này, các trường đang thí điểm thì tiếp tục phấn đấu vươn lên hơn nữa qua những bài học đã trải qua, còn các trường đang chuẩn bị hoặc chưa chuẩn bị thì nên sớm sẵn sàng bắt tay vào thực hiện tự chủ theo lộ trình của Chính phủ đã quy định. 

Đây là một chủ trương lớn đầy triển vọng, nếu triển khai thành công rộng rãi thì nền đại học sẽ có bộ mặt mới năng động, thay đổi từng ngày để đáp ứng phát triển đất nước
”, GS.Trần Hồng Quân kỳ vọng. 


Thùy Linh