Gạch nối giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động dạy học

26/10/2018 08:05
Nguyễn Tuấn
(GDVN) - Hy vọng với niềm đam mê sư phạm, ý chí nghị lực vượt mọi khó khăn, Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên sẽ luôn luôn có những đóng góp đổi mới trong khoa học giáo dục.

Có thể nói ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên (Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông) là một người thầy giáo trẻ, yêu nghề đã dành nhiều năm cho hoạt động sư phạm.

Sinh ra trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều là nhà giáo tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, Lê Thảo Nguyên cũng tiếp bước nối nghiệp cha mẹ.

Rời mái trường sư phạm cách đây hơn 18 năm, người thầy giáo này đã có 10 năm gắn bó với môi trường sư phạm phổ thông và hơn 8 năm công tác trong môi trường bồi dưỡng cán bộ của ngành Thông tin và Truyền thông.

Đứng trước thực trạng của công tác cán bộ, một số không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác, đây đó vẫn còn những cán bộ vi phạm đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ của mình;

Ý thức được nhiệm vụ của người làm công tác giảng dạy của ngành, thầy Nguyên vẫn kiên trì, lao động, sáng tạo, nhiệt tình, khát khao cống hiến không ngừng vươn lên trong hoạt động giảng dạy, trở thành tấm gương điển hình trong sự nghiệp dạy học ở môi trường bồi dưỡng cán bộ.

Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên - Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh do tác giả cung cấp
Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên - Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh do tác giả cung cấp

Vào những ngày đầu của tháng 8/2018, Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cho ra mắt cuốn sách “Dạy học hiện đại -Trong bồi dưỡng cán bộ”.

Đây là một công trình nghiên cứu có chất lượng chuyên môn sâu. Một cách tiếp cận hoàn toàn mới trong hoạt động dạy học ở môi trường bồi dưỡng cán bộ nói chung cũng như ngành Thông tin và Truyền thông nói riêng.

Trong “Lời nói đầu”, tác giả viết: “Nghiên cứu về dạy học theo tiếp cận năng lực rất phong phú, đa dạng gắn với từng môn học, từng đối tượng, từng môi trường học tập.

Đây là quá trình tổ chức các hoạt động hợp tác giữa giảng viên và học viên nhằm phát triển các năng lực nghề nghiệp lên mức độ cao hơn hoặc hình thành các năng lực mới đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, chính vì thế mục tiêu phát triển năng lực cần được xác định rõ ràng, được coi là “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình dạy học.

Đặc biệt trong môi trường đặc thù trong bồi dưỡng cán bộ là rất cần thiết".

Được biết Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về dạy học theo tiếp cận năng lực trong bồi dưỡng cán bộ ngành thông tin truyền thông.

Cuốn sách “Dạy học hiện đại -Trong bồi dưỡng cán bộ” của Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên. Ảnh do tác giả cung cấp
Cuốn sách “Dạy học hiện đại -Trong bồi dưỡng cán bộ” của Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên. Ảnh do tác giả cung cấp

Hướng nghiên cứu này là một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới trong khoa học giáo dục đối với công tác bồi dưỡng cán bộ.

Tôi có được thành quả ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân còn có sự quan tâm của gia đình, các cấp lãnh đạo quản lý ngành thông tin và truyền thông, sự giúp đỡ của các nhà khoa học…đã động viên, khuyến khích, hỗ trợ tôi trong suốt những năm tháng qua.

Đây là thành quả ban đầu làm tiền đề để tôi tiếp tục nghiên cứu phát triển các công trình khoa học tiếp theo”, Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên chia sẻ.

Thực hiện Chương trình số 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 – 2020", ngày 29/9/2018, tại hội trường Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên đã tổ chức một buổi giảng chuyên đề “Văn hóa tổ chức trong trường phổ thông”.

Buổi giảng chuyên đề có sự góp mặt của các các cán bộ quản lý, các thầy, các cô của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn và Trường Tiểu học Bình Minh.

Gạch nối giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động dạy học ảnh 3Những người mẹ hiền đa tài của trẻ thơ dân tộc

Trong không khí trang trọng nhưng không kém phần cởi mở, dưới sự giảng dạy của Tiến sỹ, sự hỗ trợ của công cụ hỗ trợ điện tử (Máy chiếu, âm thanh…) đặc biệt là phương pháp dạy học được thầy truyền giảng đã tương tác có hiệu quả giữa giảng viên và học viên, thầy liên tục đặt ra các tình huống sư phạm gần gũi, hàng ngày trên lớp để học viên trình bày một cách tích cực mang tính xây dựng, khoa học.

Thầy gợi mở hướng giải quyết cụ thể, khoa học nhất, hiệu quả nhất, giúp các học viên tự tin hơn trong công tác quản lý, dạy học tại trường của mình.

Có thể nói, giáo dục Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức để hội nhập giáo dục quốc tế.

Công trình nghiên cứu của Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên thực nghiệm các biện pháp dạy học mới phát huy và khai thác tối đa năng lực của người của người học, khai thác kinh nghiệm của người học, tạo ra động lực đúng đắn cho học viên trong quá trình bồi dưỡng cán bộ.

Đây cũng là sự khẳng định về vai trò của dạy học trong hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông nói riêng và trong bồi dưỡng cán bộ nói chung.

Hy vọng với niềm đam mê sư phạm, ý chí nghị lực vượt mọi khó khăn, Tiến sỹ Lê Thảo Nguyên sẽ luôn luôn có những đóng góp đổi mới trong khoa học giáo dục như tiêu đề cuốn sách “Phương pháp dạy học hiện đại”, xứng đáng là “Gạch nối giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động dạy học hiện đại”.

Nguyễn Tuấn