Gặp thầy giáo Cơ Tu suýt bị dân làng chôn sống giữa Trường Sơn

03/01/2019 07:04
Nguyễn Trung Thành
(GDVN) - Suýt nữa bị chôn sống bởi hủ tục, thầy giáo trẻ mới ra trường năm ấy vẫn quyết tâm bám trụ, cần mẫn gieo từng con chữ để giúp đồng bào vượt qua lạc hậu.

Dù câu chuyện của thầy giáo Bríu Bằng (51 tuổi, giáo viên trường Tiểu học xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) đã xảy ra cách đây gần 20 năm  nhưng đến giờ nhắc lại, nhiều người vẫn không khỏi rùng mình.

Các thầy cô giáo ở xứ này vẫn truyền tai nhau câu chuyện đó để thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người giáo viên cắm bản những năm về trước.

Suýt bị chôn sống

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Trường Sơn, thầy Bằng may mắn được cha mẹ cho theo học con chữ và trở thành giáo viên.

Khi tuổi trẻ còn sục sôi với những đam mê, mơ mộng thì thầy chọn con đường trở về  “gieo hạt giống” kiến thức cho những đứa trẻ nghèo, quanh năm bị bao vây bởi những hủ tục của bản làng.

Thầy giáo Briu Bằng đã vượt lên trên nỗi đau bệnh tật và hủ tục để tiếp tục nghiệp gieo chữ cho những đứa trẻ vùng cao.
Thầy giáo Briu Bằng đã vượt lên trên nỗi đau bệnh tật và hủ tục để tiếp tục nghiệp gieo chữ cho những đứa trẻ vùng cao.

“Ngày ấy, mình còn trẻ, vừa về nhận lớp, nhận trường chưa được một năm thì bị bệnh. Mà người dân nơi đây ngày xưa họ chưa hiểu nhiều về bệnh tật, nên thấy tôi như vậy là sợ như sợ cọp, xa lánh, không dám đến gần”.

Thầy Bằng nhớ lại, hồi đó bị bệnh động kinh, đầu đau như búa bổ, toàn thân lên cơn co giật, sùi bọt mép… Người làng thấy vậy càng hoảng sợ, bỏ chạy.

Mỗi lần đỡ bệnh, thầy Bằng tìm cách nói chuyện bình thường trở lại với dân bản, thuyết phục họ rằng mình chỉ bị bệnh, chứ không phải ma quỷ gì.

Thầy cô xây “kho lương” dự trữ cho học trò vùng cao mùa mưa lũ

Nhưng dù anh giáo trẻ có dùng đủ lý lẽ, kiến thức để phân bua thì họ vẫn tin rằng thầy Bríu Bằng bị “con ma rừng” ám vào người, nếu để như vậy sẽ làm hại dân bản.

Thế là, trong một đợt bệnh nặng, mặc cho thầy giáo trẻ sốt run vì bệnh, người làng sửa soạn lễ cúng để chuẩn bị đưa Bríu Bằng “lên rừng”.

“Dân bản đào xong huyệt mộ, sắp cây lên trên rồi đặt tôi nằm trên đó để đến khi tắt thở thì rút cây cho tôi rơi xuống huyệt mộ rồi vùi đất lại.

May mắn là lúc đó có các cô giáo đồng nghiệp ở trường và con tôi chạy đến van xin, vận động và giải thích thì người làng mới cho đưa về. Tôi được đưa về Trung tâm Y tế huyện điều trị mới thoát chết”, thầy Bằng kể lại.

Xóa bỏ hủ tục

Trở về từ bệnh viện, ngày ngày uống thuốc điều trị, thầy Bằng dần khỏe mạnh và đi dạy bình thường trở lại. Nhưng ám ảnh về “con ma rừng” vẫn khiến đồng bào nơm nớp lo sợ, đề phòng thầy Bằng.

Đau khổ hơn là nhiều phụ huynh đã không cho con đến trường học vì sợ “con ma” Bríu Bằng sẽ lây bệnh.

Mẹ hiền gieo chữ dưới chân núi Ka Đay

Nhưng bằng sự quyết tâm và sự giúp đỡ của người thân, đồng nghiệp, thầy giáo trẻ đã gượng đứng dậy để tiếp tục với nghiệp cầm phấn.

“Hủ tục của bản làng đã có từ hàng đời nay, trãi qua hàng trăm năm dễ gì thay đổi trong một sớm, một chiều.

Nhưng xã hội ngày càng phát triển, bác sĩ về tận nhà thăm khám, chữa bệnh rồi mà thấy đồng bào mình như vậy cũng đau buồn lắm”.

Để xóa bỏ hủ tục, thầy Bằng cùng đồng nghiệp đã vào tận bản, đến tận nhà vận động, tuyên truyền bà con xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống mới.

Qua những tiết học trên lớp, các thầy cô cũng thầm lặng “gieo” những hạt giống kiến thức cho các em học sinh Cơ tu, để sau này các em trở về thay đổi bản làng.

“Tôi vẫn nói với nhiều thế hệ học sinh rằng, nếu tôi bị ‘con ma rừng’ nhập thì giờ này sao đứng trên bục giảng dạy các em.

Xã hội đã phát minh ra nhiều điều tiến bộ, y tế đã chữa được những bệnh hiểm nghèo nhất nên làm gì có ma quỷ mà tin vào đó.

Nếu dân bản có ai ốm đau thì các em phải vận động họ đến Bệnh viện, trạm xá để chữa trị, không nên mời thầy lang, thầy cúng. Tôi vẫn luôn dặn học trò như vậy”, thầy Bằng tâm sự.

Với nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao miền Tây Quảng Nam, năm 2011, thầy Bríu Bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Kỷ niệm chương “vì sự nghiệp giáo dục”.

Đó là phần thưởng cao quý nhất dành cho sự hy sinh thầm lặng của người thầy đã vượt qua những rào cản hủ tục, bệnh tật để hoàn thành nghiệp “gieo chữ”.

Nguyễn Trung Thành