Giá sách giáo khoa 8 năm đứng im, nếu không tăng giá lỗ bao nhiêu, ai chịu?

12/03/2019 13:30
Đỗ Thơm
(GDVN) - “Tôi có trao đổi với Bộ Tài chính, 8 năm qua, giá sách giáo khoa “đứng im” mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ngày 12/3, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa vẫn là vấn đề được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Dù ai viết sách giáo khoa thì Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vẫn phải chịu trách nhiệm

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, chúng ta thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã có nhiều thay đổi trong cách dạy và cách học.

Từ giảng dạy kiến thức qua đánh giá, đào tạo năng lực cho học sinh, nó tác động đến rất lớn đến việc giảng dạy phổ thông.

“Chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh. Sách giáo khoa là công cụ.

Quan trọng là chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh, nó sẽ quyết định sách giáo khoa.

Trên khung chương trình giáo dục phổ thông, chương trình từng bộ môn để viết sách giáo khoa.

Sách giáo khoa phải được Hội đồng Thẩm định Quốc gia thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phê duyệt, rồi công bố đủ chuẩn mới được phát hành.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm về chất lượng, chương trình sách giáo khoa chứ không phải ai thích chọn thế nào cũng được”, đại biểu Phan Thanh Bình nói.

Giải thích các băn khoăn về nhiều sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dù ai viết sách giáo khoa thì Hội đồng thẩm định Quốc gia, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo vẫn phải phê duyệt và chịu trách nhiệm. Điều đó rất rõ trong luật.

Xu thế của thế giới, không nhất thiết dựa vào sách giáo khoa mà phải dựa vào chương trình giáo dục phổ thông.

Cơ bản như thế giới, họ không ấn định một bộ sách giáo khoa. Ví dụ như Lịch sử, chương trình quy định rất chi tiết nội dung nhưng người viết sách có thể sắp xếp sự kiện, chọn nhân vật khác nhau.

“Sách giáo khoa được xã hội rất quan tâm. Với xã hội, nó không phải khoản chi lớn nhưng với mỗi gia đình nó là khoản chi rất đáng kể. Nên phải có sử dụng tiết kiệm.

Vì vậy tôi cho rằng nên tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, cần quy định trách nhiệm của Bộ trưởng để sử dụng sách giáo khoa tiết kiệm”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh

Giá sách giáo khoa bất hợp lý với thị trường

Phát biểu thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm, cần chú ý đến lãng phí in ấn trong sách giáo khoa. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, giá sách giáo khoa phải kê khai giá với Bộ Tài chính.

“Tôi có trao đổi với Bộ Tài chính, 8 năm qua, giá sách giáo khoa “đứng im” mặc dù các khoản chi phí tăng liên tục.

Tiền lương tối thiểu vùng tăng 3 lần, lương cơ sở tăng 1,8 lần. Giấy in tăng 20%, điện tăng 41% nhưng sách giáo khoa vẫn như 8 năm về trước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn chứng.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng phải xem nếu không tăng giá thì doanh nghiệp được in sách giáo khoa 100% vốn Nhà nước thua lỗ bao nhiêu.

Nếu tăng giá mỗi cuốn hơn 1.000 đồng từ lớp 1 đến lớp 12, ảnh hưởng vào chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm nay là bao nhiêu, phải tính toán.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo thống kê, chỉ có tác động 0,07%. Đề nghị Chính phủ xem xét về việc quản lý điều hành giá cả thị trường theo quy luật chung, không thể phi thị trường vì điều đó không hợp lý.

“Nếu trường hợp không điều chỉnh thì với những khoản dự kiến sẽ lỗ thì Chính phủ sẽ xử lý như thế nào? Nên chăng chúng ta cũng phải trao đổi, Chính phủ có biện pháp chỉ đạo để có biện pháp cho tốt.

Giá bất hợp lý với thị trường, để lỗ thì ai chịu trách nhiệm?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo thêm về sách giáo khoa và giá sách khoa:

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này, rất khác, có thể nói là khác căn bản với so với trước.

Lần trước đổi mới là từ sách giáo khoa nên mọi người mới nghĩ sách giáo khoa là cơ sở pháp lý để tất cả các vấn đề phải đi theo.

Thậm chí tất cả các giáo viên dựa chặt vào sách giáo khoa để giảng dạy.

Cho nên xây dựng chương trình tổng thể lần này, các môn học soạn chi tiết là những nội dung rất quan trọng. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Nghị quyết 88 và của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các chuyên gia bám sát và xây dựng khung để 80% thống nhất trong toàn quốc như pháp lệnh, 20% có sự linh hoạt của các địa phương.

Như vậy chương trình tổng thể, chương trình môn học và chương trình các địa phương đã được bàn thảo, xin ý kiến rất kỹ.

Cho đến nay, sau khi có chương trình môn học được Bộ ban hành, các địa phương đã tiếp cận triển khai. Do vậy sách giáo khoa dứt khoát, thể hiện cụ thể, mục tiêu, phương pháp của chương trình.

“Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết phải bám chặt vào sách giáo khoa mà còn nhiều tài liệu khác để khuyến khích giáo viên linh hoạt.

Điểm mấu chốt của đổi mới chương trình lần này là khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học.

Chính vì vậy chương trình thống nhất trong toàn quốc, còn sách giáo khoa thì theo Nghị quyết 88”, Bộ trưởng nói.

Theo đó, quá trình làm sách giáo khoa là cả một quá trình rất chi tiết và huy động các nhà khoa học, các nhà giáo có kinh nghiệm qua các quy trình từ biên soạn thử nghiệm, chế bản, đồ họa, in ấn phát hành, rất nhiều công đoạn công phu.

Trong quá trình biên soạn, Bộ đã có hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự của những người tham gia chứ không phải ai thích cũng được.

Trong quá trình chọn sách giáo khoa, sách của Bộ chỉ đạo ban hành hay sách của tổ chức cá nhân, Bộ trưởng vẫn phải ký ban hành đó.

Về giá sách giáo khoa, mặc dù cũng giống như các mặt hàng nhưng đây là mặt hàng rất nhạy cảm.

Trước đó Quốc hội cũng đã yêu cầu giải trình về sách giáo khoa. Qua thực tiễn, Bộ thấy bất cập, khi 8 năm chưa tăng gíá sách.

Giá sách giáo khoa 8 năm đứng im, nếu không tăng giá lỗ bao nhiêu, ai chịu? ảnh 3Nhà xuất bản xin, Bộ Giáo dục không cho tăng giá sách giáo khoa

Khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đề nghị, chúng tôi thống nhất về chủ trương và xin ý kiến về giá.

"Nếu không chuẩn bị tốt, kỹ thì tạo ra hệ luỵ lớn.

Chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản dừng lại khâu xin chủ trương và tự kê. Và chúng tôi thẩm định giá đấy có tính đúng, tính đủ không.

Chuẩn bị không kỹ và chưa có truyền thông tốt sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội rất lớn không chỉ về sách giáo khoa mà còn tác động tiêu cực đến vấn đề khác.

Chúng tôi không đặt vấn đề tăng hay không tăng mà đặt vấn đề nhà xuất bản phải rà soát các chi phí hiện nay để tính đúng, tính đủ.

Lúc đó sẽ xem xét theo đúng quy trình. Tới đây chúng tôi yêu cầu Nhà xuất bản tính đúng, tính đủ khẩn trương và công khai minh bạch để xin ý kiến chính phủ", Bộ trưởng nói.

Đỗ Thơm