Giải bài toán nhân lực chất lượng cao và mong muốn của nguyên Phó Chủ tịch nước

21/12/2014 08:04
Xuân Trung
(GDVN) - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có đôi điều chia sẻ và mong muốn tương lai tốt đẹp hơn cho giáo dục đại học thông qua nhiều gợi ý cụ thể.

Nhân dịp Đại hội lần thứ nhất Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã tham dự và có nhiều chia sẻ rất đáng chú ý.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng cần tăng cường mối quan hệ giữa Bộ GD&ĐT với Hiệp hội, qua đó phát huy sức mạnh trí tuệ của nhân sĩ, trí thức cả nước. Việc ấy sẽ góp phần cải thiện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước...

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu một số nội dung quan trọng nhất trong các chia sẻ của nguyên Phó Chủ tịch nước.

Cần một đội ngũ trí thức làm việc thiết thực

Phát triển kinh tế của chúng ta vẫn ở mức tăng trưởng thấp, một trong những biểu hiện quan trọng nhất là năng suất lao động chúng ta thấp. Việt Nam có năng suất lao động chỉ bằng 1/15 Singapore. Năm 2015 Việt Nam sẽ hội nhập cộng đồng ASEAN, như vậy cộng đồng này là một thị trường thống nhất, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu, rõ ràng đó là một thách thức rất lớn với Việt Nam, đặc biệt đối với nguồn nhân lực mà giáo dục đại học có sứ mạng chuẩn bị nhân lực trình độ cao. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý, nếu chúng ta biết cách làm thì những thách thức đó sẽ trở thành cơ hội, cơ hội thúc đẩy đi nhanh hơn. Do đó, cộng đồng giáo dục đại học cần phải suy nghĩ và có những hành động như thế nào để giải quyết bài toán này. Không phải chỉ cho trước mắt mà còn cho tương lai lâu dài, một trong những cạnh tranh quyết liệt nhất với thế giới là cạnh tranh nguồn nhân lực.

Giải bài toán nhân lực chất lượng cao và mong muốn của nguyên Phó Chủ tịch nước ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Bình mong muốn sắp tới Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và Bộ GD&ĐT có những mối quan hệ khăng khít hơn, vì mục tiêu chung của nền giáo dục Việt Nam.

Bà Bình mong muốn Hiệp hội và Bộ GD&ĐT nên tập trung vào những khâu mang tính đột phá, then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với khoa học công nghệ, thúc đẩy việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Muốn làm được việc này thì Hiệp hội và Bộ cần có những mối quan hệ chặt chẽ hơn với cộng đồng các doanh nghiệp.

“Việc Hiệp hội được thành lập cũng là yếu tố giúp chúng ta giải quyết bài toán khó khăn này, nếu chúng ta biết phát huy” bà Bình khẳng định.

Khẳng định lại, nguyên Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp quan trọng, vừa là chỗ dựa cho các cơ sở giáo dục đại học mà còn đóng vai trò hoạt động nghề nghiệp đặc biệt gắn với hàm lượng trí thức cao.

Giải bài toán nhân lực chất lượng cao và mong muốn của nguyên Phó Chủ tịch nước ảnh 2Chính phủ đặt hàng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam 7 vấn đề giáo dục cấp bách

(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ 7 vấn đề cần phải nhanh chóng thay đổi đối với công tác đào tạo đại học, cao đẳng Việt Nam.

Hiệp hội cần phát huy trí tuệ của cộng đồng giáo dục đại học, đảm bảo tự chủ trong sinh hoạt và tự do trong tư duy để phát huy năng lực tiềm ẩn của từng cá thể. Hiệp hội là một tổ chức liên kết các trường Đại học, Cao đẳng, do đó theo bà Nguyễn Thị Bình việc chính là tạo sự giao lưu thường xuyên giữa các trường. Hiệp hội phải trở thành diễn đàn cho các trường trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và đoàn kết giúp đỡ nhau trong việc xây dựng đội ngũ. 

Bà Bình cũng nói, Hiệp hội là nơi tập hợp một đội ngũ trí thức rộng rãi, nên có khả năng giúp đỡ các cơ quan quản lý trong nước, trước hết là các cơ quan quản lý giáo dục đào tạo, tạo tính chuyên nghiệp trong quản trị và quản lý trong cơ quan đó. Để làm tốt công việc đó, bà Bình mong muốn các bên cần làm việc thiết thực, tránh hành chính hóa Hiệp hội. 

Bộ GD&ĐT có thêm tổ chức kết nối cộng đồng giáo dục

Đối với Bộ GD&ĐT, nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết việc ra đời của Hiệp hội là một tin vui, bộ có thêm một tổ chức quan trọng, có khả năng kết nối với các cộng đồng giáo dục đào tạo, ngược lại hỗ trợ, xây dựng, phản biện những chủ trương chính sách về giáo dục đào tạo, nhất là đại học. Nhưng muốn thực hiện tốt thì cần có thiện chí ở hai phía: “Bộ cần xây dựng một cơ chế để hỗ trợ, tranh thủ sự ủng hộ của công chúng và đặc biệt với Hiệp hội, mỗi thành viên của cộng đồng giáo dục, giàu trí tuệ, có kinh nghiệm. Không nên làm một cách hình thức”.

Hiện giáo dục đại học đang còn ngổn ngang nhiều vấn đề, bà Nguyễn Thị Bình cho rằng đường lối chung là đúng nhưng đã đi vào cụ thể thường có nhiều bất cập. Do đó ảnh hưởng nhiều tới việc phát triển hệ thống giáo dục đại học, việc chưa tạo ra một cơ chế phù hợp cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là ngoài công lập (về quản trị, quản lý hệ thống) là một trong những cản trở sự phát triển của giáo dục đại học. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng các văn bản pháp quy cần nhanh hơn, với tinh thần tháo gỡ những bế tắc để mở đường cho sự phát triển (đáng nói nhất là thủ tục chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục). 

Bà Bình cũng nhận định, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một phạm trù rất phức tạp, vì quy tụ nhiều mối quan hệ giữa người và sự vật, chịu ảnh hưởng của nhiều biến động công nghệ và xã hội. Muốn làm giáo dục và giáo dục đại học tốt theo bà Bình cần có nghiên cứu sâu sắc chứ không chỉ dựa vào nhưng kinh nghiệm chung chung. 

“Tôi mong rằng Bộ GD&ĐT, các trường đại học trọng điểm chú ý đầu tư hơn nữa. Làm sao hình thành được đội ngũ chuyên gia có năng lực, tham mưu cho Chính phủ, Bộ GD&ĐT những vấn đề chiến lược cũng như giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo có tính khoa học hơn và khả thi trong điều kiện hiện nay. Mong ước đất nước phát triển bền vững trên cơ sở một nền giáo dục tiến bộ” bà Nguyễn Thị Bình mong muốn. 

Xuân Trung