Giải cứu thầy cô, hay cứu học trò, sao các nhà giáo dục cứ hoảng lên thế?

08/06/2017 07:33
Tiến sĩ Giáp Văn Dương
(GDVN) - Nếu giáo viên để phụ huynh giải cứu thì đứng trên lớp sẽ ăn nói ra sao với học trò? Nói các em hãy noi gương thầy cô, khi gặp khó khăn thì cứ kêu to chăng?

LTS: Câu chuyện của giáo dục chính là câu chuyện của con người với nhiều băn khoăn, khắc khoải nhiều năm nay đặc biệt khi gần đây có nhiều vấn đề nóng liên quan điểm số, thành tích của học sinh, vấn đề lương bổng của giáo viên... gây xôn xao dư luận. 

Hôm nay, Tiến sĩ Giáp Văn Dương gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quan điểm về những câu chuyện vừa qua. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Thành tích như mơ

Những chuyện nóng giáo dục gần đây cho thấy, giáo dục đang rối như mớ bòng bong. Kém quá thì lo, mà giỏi quá thì lại sợ. Sợ vì không tin rằng cái thành tích đạt được đó là thành tích thật. 

Chẳng hạn, tổng kết cuối năm, thấy trường nào cũng quá ư xuất sắc, các nhà giáo dục đâm… phát hoảng. 

Ở thành phố, các con toàn là học sinh giỏi cả. Không may mà được học sinh tiên tiến thì bố mẹ có thể xấu hổ không dám đi họp phụ huynh. 

Theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, việc đề xuất cứu giáo viên, tuy có xuất phát từ sự tử tế, thì cũng không nên thực hiện. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, việc đề xuất cứu giáo viên, tuy có xuất phát từ sự tử tế, thì cũng không nên thực hiện. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Có trường hợp, cả khối mấy trăm em thì chỉ có một em tiên tiến, còn lại là giỏi và xuất sắc hết. 

Rồi lại chuyện xét duyệt hồ sơ vào lớp 6, trongsố 4000 hồ sơ thì khoảng 1000 bộ đẹp lung linh không tì vết. Không chỉ tất cả các môn các con đều đạt 10 điểm hết mà lại còn vô số giải thưởng. 

Nếu nhìn ra bên ngoài, chắc hiếm có nơi nào trên thế giới lại có thể sản sinh ra những bộ hồ sơ hoàn hảo như ở xứ này. Giá như quốc tế đánh giá chất lượng giáo dục bằng độ đẹp của các bộ hồ sơ, thì Việt Nam phải chiếm ngôi đầu bảng. 

Nhưng oái oăm ở chỗ, không phải ai cũng đồng tình như vậy. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng giáo dục Tiểu học Việt Nam đứng thứ 91, sau nước Lào 7 bậc, dù ta có những bộ hồ sơ Tiểu học đẹp như mơ.  

Cứu giáo viên?

Hai chuyện giáo dục trên đây chưa hết nóng thì lại đến chuyện thí điểm bỏ chế độ công chức, viên chức, gọi tắt là bỏ biên chế ngành giáo dục lại làm dư luận ầm ĩ. 

Nhiều người cho rằng, lương đã thấp mà giờ còn bỏ biên chế thì chết. Thậm chí có người gay gắt, ngành nghề cao quý, công việc khó khăn vất vả mà biên chế cũng không có là sao? 

Nhưng ít người chịu trầm mình lại để nhìn, bao nhiêu thầy cô của các trường tư thục không có biên chế người ta vẫn sống khỏe, dạy tốt.

Giải cứu thầy cô, hay cứu học trò, sao các nhà giáo dục cứ hoảng lên thế? ảnh 2

“Giải cứu giáo viên Tiểu học” đã hạ thấp sự cao quý của nghề giáo

Rồi vùng xa xôi hẻo lánh khó khăn, lẽ ra phải làm việc có kỳ hạn, hết 3 năm thì được về nơi thuận lợi, chứ dùng biên chế để cột chặt thì hóa ra lợi dụng sự hy sinh, sao gọi là ưu đãi? 

Chuyện biên chế nhà giáo chưa hết nóng thì lại sang chuyện giải cứu giáo viên. Giáo dục tệ hại là do giáo viên lương không đủ sống. 

Giáo viên hiện đời sống khó khăn, cần phải được giải cứu. Ô hay, lương bổng giáo viên là chuyện của Nhà nước, dân chỉ biết đóng thuế nuôi Nhà nước còn tính toán chi tiêu cân đối ra sao thì Nhà nước phải lo, phải có trách nhiệm, sao lại đổ cho dân? 

Mà giáo viên là người đã trưởng thành, nhiều người đầu đã bạc phơ, nay không thể tự cứu mình thì còn dạy được cho ai nữa? 

Nếu giáo viên để gia đình học trò giải cứu, thì đứng trên lớp sẽ ăn nói ra sao với học trò? Nói các em hãy noi gương thầy cô đây, khi gặp khó khăn thì cứ kêu to lên sẽ có người giải cứu? 

Không thể như vậy được. 

Thầy dạy trò, trước hết là dạy bằng sự gương mẫu. Trò học được gì chưa biết, nhưng nhìn thầy sống ra sao thì sẽ học ngay được cách hành xử của thầy.

Thầy tự trọng thì trò sẽ tự trọng. Thầy chủ động thì trò sẽ chủ động. Thầy nhận tiền giải cứu giáo viên thì trò sau này cũng không nghĩ được gì xa hơn thế.

Mà chưa kể, nếu thầy chấp nhận chịu giải cứu thì hóa ra tự nhận mình là kẻ thất bại, không dám chịu trách nhiệm với lựa chọn của đời mình, không biết xoay xở ra sao khi gặp khó khăn. Giờ đành phải nhờ phụ huynh giải cứu. 

Nếu vậy thì thầy sẽ lấy tư cách gì để dạy trò về lòng tự trọng, về tinh thần vượt khó vượt khổ, về việc mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình nữa. 

Cứu phụ huynh?

Rồi sau phụ huynh chung sức cứu thầy, thì ai sẽ cứu phụ huynh đây? Giải cứu giáo viên là trách nhiệm của dân hay trách nhiệm của nhà nước?

Dân sinh ra nhà nước, lúc khó khăn nhà nước ở đâu? Hay giải cứu thầy cô thực chất là giải cứu nhà nước? Ngân sách cạn rồi, nợ công kịch trần rồi, nên phải cứu chăng?

Hiện nay có 11 triệu người chờ nhận lương mỗi tháng. Trong đó có hơn 3 triệu người có ngồi đó cũng như không, vì việc duy nhất họ làm là sáng cắp ô đi chiều cắp ô về. 

Giải cứu thầy cô, hay cứu học trò, sao các nhà giáo dục cứ hoảng lên thế? ảnh 3

Thầy cô có phải là lợn hay dưa hấu đâu mà ...giải cứu

Sao không cắt bớt họ đi, chứ cứ cắp ô đi rồi lại cắp ô về thì vừa hỏng ô mà lại vừa phí cả đời mình để tiền lương của họ sẽ dồn sang cho giáo viên, bác sĩ.

Như vậy có phải là tốt hơn không và lúc đó khỏi phải nhờ phụ huynh ứng cứu. 

Dân đang quá mệt mỏi với cuộc sống dân. Trước đây cứu các tập đoàn nhà nước, rồi cứu các đại gia bất động sản đã bở hơi tai.

Mới từ đầu năm đến nay lại phải vào cuộc cứu tỏi, cứu hành, cứu dưa, cứu lợn. Con vừa nghỉ hè lại tính chuyện giải cứu giáo viên. Quanh năm đi cứu thế này, dân sức nào chịu được. 

Vậy nên cái việc đề xuất giải cứu giáo viên này, tuy có xuất phát từ sự tử tế, thì cũng không nên thực hiện chút nào.

Mỗi người cần phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Gặp khó khăn thì phải tự tháo gỡ thay vì chờ giải cứu. Thầy cô lại càng phải như vậy. 

Nếu không, thầy cô sẽ không còn gì để dạy học trò. Cố tình giải cứu thầy cô là đẩy thầy cô đến nước đánh mất lòng tự trọng. Như vậy là gây hại cho các thầy cô, chứ không phải là cứu các thầy cô đâu.

Hay là cứu trò?

Xét trong tương quan giữa thầy và trò, tôi lại thấy học trò bây giờ mới cần được giải cứu trước hết. Chương trình quá nặng, học sáng học chiều mà không biết để làm gì. 

Tất cả chỉ phục vụ chỉ tiêu thành tích. Mà chỉ tiêu thành tích để làm gì ngoài chuyện để báo cáo lên trên?

Rồi báo báo để làm gì thì không ai rõ. Học trò chỉ chạy theo vòng báo cáo đó là đủ mệt bở hơi tai. Trên hô một tiếng là sự học quay cuồng suốt cả một năm, để báo cáo. 

Giải cứu thầy cô, hay cứu học trò, sao các nhà giáo dục cứ hoảng lên thế? ảnh 4

Giáo dục không đơn thuần là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế!

Vậy nên, người được ưu tiên ứng cứu ở đây phải là học trò.

Đầu tiên phải cho các con biết, con học để làm gì, các con hướng đến việc trở thành con người nào, một cách mạch lạc rõ ràng. 

Rồi từ đó dạy con học cái gì, học thế nào sao cho khoa học, sao cho sáng tạo, sao cho hiệu quả.

Chứ bắt con người ta đi học mấy chục năm mà chỉ để lấy thành tích báo cáo, thì đúng là đầy đọa, đúng là phải cứu thật.

Rồi phải cứu các con để làm sao các con có một tuổi thơ lành mạnh, phải được học được chơi thứ mình thích, rồi còn có được thời gian để phát triển cá nhân.

Chứ nếu ở trường thì quay cuồng với học việc thi, về nhà hở chút thời gian lại gia sư và học thêm, hết học thêm thì lại nuôi nhốt trong bốn bức tường thì con trẻ không bế tắc, không trầm cảm mới là chuyện lạ. 

Chúng ta là giáo viên, chúng ta là phụ huynh, chúng ta ở trong guồng máy đó, chúng ta góp tay tạo ra nó thì chúng ta không thấy.

Chứ giờ bạn cứ thử tưởng tượng mình đến một hành tinh nào đó khác, ở đó người ta bắt trẻ con học từ sáng đến chiều, tối lại học thêm, xong lại nhốt vào cái hộp, thì bạn sẽ thấy đó là một sự đày đọa.

Bạn sẽ có ý nghĩ xông vào giải cứu tụi nhỏ ở đó ngay lập tức. 

Nhưng đó là chuyện ở hành tinh khác, còn ở mình thì không thế, ở mình thì nó ngược lại, thế mới ngược đời. 

Nhưng không cứu thì rơi vào bế tắc. Phải chăng cái số dân mình nó thế, cứ phải giật gấu vá vai, cứ phải cả nước cứu nhau thì mới là dân Việt? 

Nghĩ vậy, lại phải tính chuyện cứu.

Nhưng mà cứu ai? Ai cứu? 

Tốt nhất là mỗi người tự cứu mình trước hết. Thầy tự cứu thầy. Trò tự cứu trò. Gia đình tự cứu việc học của con mình...

Nếu làm được vậy thì mọi việc đang trong mớ bòng bong bỗng nhiên lại có thể gỡ ra được. Còn không, cứ trông chờ được người khác cứu, thì trước sau gì cũng sẽ rơi vào bế tắc. 

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. 

Tiến sĩ Giáp Văn Dương