Giải pháp đào tạo trực tuyến hiệu quả trong kỷ nguyên 4.0

05/06/2018 07:11
Thùy Linh
(GDVN) - Muốn phát triển hình thức đào tạo E – Learning thì cần kiểm soát chất lượng của các khóa học, các video được phát tán trên mạng.

Chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn hiện nay là tích cực triển khai các hoạt động xây dựng một xã hội học tập, mọi công dân đều có cơ hội được học tập và hướng tới học bất kỳ thứ gì, bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu và học tập suốt đời.
 
Để đáp ứng những nhu cầu về giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển đa dạng và phong phú, cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục – đào tạo truyền thống, đào tạo trực tuyến (E-Learning) đã ra đời.
 
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ (Đại học Thương mại) khẳng định, công nghệ E-Learning sẽ hỗ trợ đắc lực trong học tập và giảng dạy trong kỷ nguyên mới, đáp ứng xu thế hội nhập về giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
 
Theo đó, cô Lệ chỉ ra, vai trò của E – Learning với hoạt động giáo dục và đào tạo có thể được kể đến như sau:

Thứ nhất, giảm chi phí của xã hội trong việc tiếp cận tri thức nhân loại.

E-learning là một phương pháp hiệu quả và khả thi, tận dụng tiến bộ của phương tiện điện tử, internet để truyền tải các kiến thức và kĩ năng đễn những người học là cá nhân và tổ chức ở bất kì nơi nào trên thế giới tại bất kì thời điểm nào.

Thực tế, các khóa học có chi phí chỉ bằng 1/10 hoặc thậm chí thấp hơn, đó là điều giúp họ thu hút được nhiều học viên cho mình hơn.

Muốn phát triển hình thức đào tạo E – Learning thì cần kiểm soát chất lượng của các khóa học, các video được phát tán trên mạng. (Ảnh minh họa: FPT)
Muốn phát triển hình thức đào tạo E – Learning thì cần kiểm soát chất lượng của các khóa học, các video được phát tán trên mạng. (Ảnh minh họa: FPT)

Thứ hai, tăng mức độ tương tác và hợp tác giữa người dạy và người học. Người học có thể trao đổi với nhau về việc học của mình đơn giản như các bài thảo luận, thực hành, bài tập được giao, phần bài tìm hiểu thực tế,…

Bên cạnh đó, người học có thể dựa vào mạng internet để có thể làm cho việc học của mình bớt căng thẳng hơn theo hình thức “vừa học vừa chơi”.

Thứ ba, tăng hiệu quả của hoạt động học tập. Hiệu quả ngoài việc đáp ứng cho nhu cầu của người học, công nghệ thông tin giúp cho người học có thể tự định hướng cho việc học của mình qua việc tự lựa chọn dịch vụ, khóa học theo nhu cầu của bản thân.

Và nhờ có không gian “ảo”, lớp học “ảo” mà người học cũng rất linh hoạt cho người học cả về thời gian và không gian tiếp cận – Học bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào...

Giải pháp đào tạo trực tuyến hiệu quả trong kỷ nguyên 4.0 ảnh 2Tiến sĩ Trần Minh Đức chỉ ra thách thức nguồn nhân lực trong thời đại 4.0

Tuy nhiên, đi kèm với nó phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin,truyền thông và đó đang là khó khăn của hầu hết những nước đang phát triển.
 
Từ đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ đề xuất một số giải pháp phát triển hình thức đào tạo E – Learning hướng tới xã hội học tập tại Việt Nam. 

Cụ thể, theo vị này, để Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” có thể được thực hiện thành công vang dội, các Bộ ban ngành ở Việt Nam cần chú trọng một số biện pháp sau:

Một là, tích cực tuyên truyền về lợi ích của học tập và xã hội học tập. Tổ chức xây dựng các nhóm, đơn vị, gia đình, dòng họ học tập bằng các hình thức tuyên dương, khen tưởng tại cơ sở.

Huy động nguồn học liệu nhàn rỗi (sách báo cũ) để hình thành các “Tủ sách hiếu học” tại các địa phương khó khăn, khó có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin.

Hai là, mạnh dạn đầu tư cho công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.

Giải pháp đào tạo trực tuyến hiệu quả trong kỷ nguyên 4.0 ảnh 3Làm sao phát triển đào tạo từ xa trong hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam?

Hiện tại, nên đầu tư cho các xã (phường) vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn về kinh tế số lượng máy tính cũng như lắp đặt internet tại đó (bưu điện, nhà văn hóa,…) để người dân có cơ sở tìm tòi, học hỏi giúp nâng cao nhận thức cũng như khả năng làm kinh tế của họ.

Đối với các vùng đô thị, thành phố lớn, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo xây dựng các bài giảng, các khóa học trực tuyến chất lượng giúp người học (sinh viên) có thể tiết kiệm thời gian, kinh phí tham gia học tập.

Đồng thời, phổ biến cho người học thấy được lợi ích và chất lượng của các khóa học từ xa, trực tuyến để họ yên tâm, mạnh dạn đăng ký.

Ba là, kiểm soát chất lượng của các khóa học, các video được phát tán trên mạng. Việc này rất cần đến trách nhiệm của doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo về việc xây dựng khóa học trực tuyến.

Các khó học này cần được thẩm định, đánh giá chất lượng tốt trước khi phổ biến tới người học. 

Đặc biệt, hiện nay ở Việt Nam việc truy cập, đăng tải các video cả tốt và cả xấu trên mạng rất nhanh và có khả năng phát tán rộng thì Bộ Thông tin và truyền thông cần có cơ chế để hạn chế những video độc hại đối với người tiếp cận. 

Đồng thời, cần hướng dẫn cho người sử dụng internet những trang web chính thống để họ không bị phân tán. 

Có như vậy, công nghệ thông tin nói chung và E – Learning nói riêng sẽ thực sự mang lại lợi ích tích cực cho hoạt động học tập, tự học tập của người dân Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thùy Linh