Giáo dục 2014 – ngựa hoang hay ngựa chiến?

03/02/2014 07:12
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Tính từ năm 1954, khi một nửa đất nước thoát khỏi ách thực dân phong kiến, thế là Giáo dục đã tròn 60 tuổi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong các mốc của đởi người, Khổng Phu Tử cho rằng “lục thập nhi nhĩ thuận”. “Nhĩ” là cái tai, “nhĩ thuận” là thuận tai, ấy là nói nôm na, dân giã, còn theo các bậc cao nho thì khi tròn một hoa giáp (60 tuổi) người ta mới đạt đến mức hoàn hảo về tri thức và sự lịch làm trong cuộc sống. Cũng chính vì thế nên nhìn thấy hay nghe thấy điều gì, dẫu có bức xúc đến mấy người ta cũng không quá bận tâm, bởi ở tuổi ấy người ta dễ nhận ra căn nguyên của sự việc.

Năm con ngựa, lại nhớ câu “mã đáo thành công” để nói về sự thành đạt của con người, ít ai ứng dụng nó cho một tập thể, dẫu sao người viết cũng vẫn muốn ngành Giáo dục năm 2014 sẽ là một năm “mã đáo thành công”.

Có thể nói năm 2013 đối với Giáo dục, vui nhiều mà buồn cũng không ít. Vui vì cuối cùng Đảng và Nhà nước cũng nhận thấy không thể để Giáo dục cứ phải chạy ăn từng bữa, cứ phải dành mọi tâm  huyết cho “nồi cơm” từng nhà, từng trường. Vui vì đã có một Nghị quyết 29 của TƯ, một nhận thức từ cấp cao nhất đến mỗi thầy cô giáo, rằng không thể không đổi mới,  không thể “đánh bóng” mãi câu khẩu hiệu “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Có hai điều mà người viết tâm đắc đó là quan điểm chỉ đạo: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội” và mục tiêu tổng quát của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”. Tuy nhiên để nghị quyết đi vào cuộc sống chặng đường trước mắt sẽ đầy gian khó, khó nhất lại chính là sự “thông minh” của người Việt.

Những con người, những dân tộc sinh ra trong khổ đau thường có những số phận đặc biệt. Người Do Thái là một ví dụ, sống lang thang không tổ quốc mấy nghìn năm, dân tộc ấy đã phải đấu tranh quật cường để tồn tại, chính nhờ sự “lang thang” ấy họ tiếp thu được tinh hoa của nhân loại ở mọi vùng miền và biến nó thành tài sản của dân tộc mình. Phải chăng đó là lý do khiến dân tộc này sản sinh ra các vĩ nhân có tầm nhìn xa hơn, cao hơn đồng loại như Jesus, Albert Einstein, Karl Marx…

Dân tộc Việt cũng có một số phận bi thảm không kém người Do Thái, hàng nghìn năm bị đô hộ, luôn bị ngoại bang tìm cách đồng hóa, cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến từ khắp đông, tây, nam, bắc để dựng nước và giữ nước đã giúp người Việt tích lũy kinh nghiệm, truyền từ đời này sang đời khác, bổ xung thêm vào đặc tính di truyền giống như là “biến dị tập nhiễm” trong sinh học. Điều không may là chúng ta thích nghe người đời khen ngợi là dân tộc thông minh, nghe mãi rồi tự nhiên thấy đúng là dân mình thông minh thật. Một khi đã là một dân tộc thông minh thì không cần nhọc công rèn luyện, đi thi tầm cỡ “ao làng” chắc chắn có huy chương vàng, thế là được rồi, chuyện cao xa để dành cho hậu thế.

Những vĩ nhân của dân tộc như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu… xuất ngoại tìm đường cứu nước không nhiều, không như người Do Thái, cả dân tộc họ “xuất ngoại’ dù rằng đó là điều bất đắc dĩ. Mỗi năm hàng vạn học sinh đi du học nhưng bao nhiêu người quay về góp sức với quê hương?  Hệ quả là sự thông minh của người Việt vẫn chỉ quanh quẩn lũy tre làng, còn lâu lắm người Việt mới trở thành công dân toàn cầu, sự thông minh của người Việt mới chỉ ở mức “nhìn xa, trông rộng”, đạt đến tầm “nhìn cao, trông rộng” chắc còn cần nhiều thập kỷ nữa. Có vẻ như chúng ta đang “bị” quen với lối sống “think inside the box” (suy nghĩ trong khuôn khổ) trong khi khắp thế giới người ta nhấn mạnh phong cách “think out of box” (không bao giờ suy nghĩ dập khuôn).

Liệu Giáo dục có dám đi đầu trong phong cách “think out of box”? Liệu năm con ngựa, Giáo dục có trở thành loài ngựa phóng khoáng tung vó trên thảo nguyên hay vẫn chỉ là ngựa chiến không đóng móng là không thể cất bước?

Nhân xem chương trình Táo quân của VTC ngày ông Táo chầu trời, thấy Táo Giáo dục dọa tát “rơi răng” Táo Y tế, người viết không khỏi phiền lòng. Người phương tây có câu: “không được đánh phụ nữ, dù đánh bằng một bông hồng”, chẳng lẽ trong con mắt một số người “giáo đức” lại còn thua y đức? Người viết không có ý trách dàn diễn viên vì họ chỉ nói theo kịch bản, vấn đề là ở người cầm bút và những người có trách nhiệm duyệt chương trình. Giáo dục tuy có xuống cấp nhưng cũng không đến mức thiếu văn hóa như mấy vị ở VTC đang nghĩ. Phê phán không đồng nghĩa với bôi nhọ, nhất là với những người phê phán được học hành tử tế.

Đầu năm lẽ ra không nên nhắc đến chuyện buồn, nhưng mà “ôn cố tri tân”, nhìn lại để mà tin tưởng bước đường tương lai, tin vào quyết tâm đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà. Chậm trễ đổi mới là có tội với dân, với nước, nói như Nguyễn Trường Tộ: "nhất thất cước thành thiên cổ hận" (Lỡ một bước chân, nghìn thu mang hận). 

Điều đáng mừng là vừa qua, những góp ý của các bậc lão thành, của các nhà giáo dục đã được lãnh đạo ngành lắng nghe, tuy chưa thể nói là thật sự thấu hiểu nhưng nó cũng cho thấy xu thế tất yếu: lãnh đạo xa dân, đưa ra những quyết sách không hợp lòng dân thì mọi chủ trương, đường lối cầm chắc thất bại.

Nhân ngày đầu xuân, đôi lời nhắn gửi, gọi là tâm huyết của người thầy đã chạm đến cái ngưỡng của Đỗ Phủ: “thất thập cổ lai hy”.  Mong rằng bạn đọc sẽ không tiếc một chút thời gian cùng người viết góp  tiếng nói cổ vũ cho sự nghiệp trồng người. Nhất là góp một tiếng nói cảm thông với những thầy cô quanh năm vẫn chỉ là đèn dầu và giáo án, càng cảm thông với những đứa trẻ ăn đói, mặc rét nhưng vẫn không bỏ trường, bỏ lớp.

Giá như vài ba năm nữa, tất cả các cháu vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đều được học trong những ngôi trường bán trú, đều được nhà nước và cộng đồng ít nhất cũng cho đủ gạo ăn, để  sau này lớn lên thành đạt các cháu sẽ cảm thấy thấm thía tình yêu gia đình, đồng bào, tổ quốc.

Cũng xin gửi lời chúc Báo Giáo dục Việt Nam một năm mạnh dạn hơn nữa, trí tuệ hơn nữa, đẳng cấp hơn nữa, trở thành một trang báo trẻ về tuổi đời nhưng già dặn về chuyên môn. Xin thay cho lời kết bằng mấy câu “văn ngang”

Ngựa phi lá đổ, chiều đông muộn

Én về mưa bụi, sáng xuân nay

Mắt kém tay run, khua vài chữ

Xin gửi tri âm, chén rượu đầy.

Tác giả: TS. Dương Xuân Thành