Giáo dục không cần sinh ra một lớp người chỉ giỏi sao chép

06/07/2017 07:11
Trần Sơn
(GDVN) - Để phát huy tính tính sáng tạo của học sinh, trước hết mỗi thầy cô cần thay đổi về tư duy giáo dục. Giáo dục không cần tạo ra một lớp người thụ động, bắt chước

LTS: Ngày nay, nền giáo dục của chúng ta đa số thầy cô dạy theo kiểu bắt chước, từ đó dẫn đến tình trạng học sinh thụ động trong quá trình học tập và nghiên cứu. Vậy nguyên nhân của vấn đề là do đâu? 

Tòa soạn xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết của tác giả Trần Sơn về vấn đề này.

Có thể ý kiến của bản thân là chủ quan, nhưng với kinh nghiệm hai mươi năm trong nghề tôi nhận thấy rằng: đa số phương pháp dạy học của các thầy cô hiện nay chủ yếu là để học trò nhớ kiến thức một cách máy móc, khi làm bài kiểm tra, bài thi, chỉ cần chép lại giống như vậy là được điểm cao.

Hình ảnh minh họa cho niềm mong mỏi đổi mới sáng tạo trong học tập của các em (Ảnh: nhandan.com.vn)
Hình ảnh minh họa cho niềm mong mỏi đổi mới sáng tạo trong học tập của các em  (Ảnh: nhandan.com.vn)


Minh chứng ư? Đó là việc các lớp dạy thêm của không ít thầy cô khi chỉ dạy học sinh làm các bài tủ, đề kiểm tra, đề thi rồi sau đó họ sẽ chấm lại chính những bài của mình đã dạy trước đây.

Đó là những thầy cô mang nặng tư tưởng áp đặt, không chấp nhận cách nghĩ khác, đáp án khác khi mà mình đã ấn định từ trước cho học sinh, không chấp nhận học sinh có tư tưởng “phản biện” lại.

Có những thầy cô khi dạy sai kiến thức nhưng không dám công khai xin lỗi học sinh để đính chính, mà lại cố bao biện “vụng chèo khéo trống”, họ không cho các em có quyền trao đổi lại, thật đúng là “bảo hoàng hơn cả vua”.

Có những thầy cô còn coi sách giáo khoa là khuôn mẫu “tuyệt đối”, không có tinh thần khoa học để kiểm chứng khi thấy kiến thức trong sách còn “vướng mắc”. Họ không biết rằng, từ hơn hai ngàn năm trước Mạnh Tử đã từng nói: “Tin tất cả vào sách thà đừng có sách còn hơn”.

Còn có các thầy cô tin rằng: câu tục ngữ “cá không ăn muối các ươn”, “con cãi cha mẹ trăm đường con hư” là chân lý hoàn toàn đúng. Họ trung thành với kiểu dạy học truyền thống “thầy giảng, trò nghe”, “thầy đọc, trò chép”.

Ngay từ thời cổ đại, Khổng Tử - nhà giáo dục nổi tiếng của Trung Hoa đã nói: “Nếu kẻ nào dạy cho một góc mà không biết suy ra ba góc còn lại thì không dạy nữa”. Nghĩa là: người học không nên chỉ biết mỗi việc lặp lại kiến thức mà phải phát triển kiến thức được dạy đó, tức là sáng tạo.

Giáo dục không cần sinh ra một lớp người chỉ giỏi sao chép ảnh 2

Giáo viên vào mùa copy

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng chỉ dạy về việc học tập: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo thêm vào”. Trong câu nói trên, Bác Hồ không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự học mà còn đề cao vai trò của việc thảo luận trong học tập.

Người cho rằng: việc trao đổi qua lại về nội dung học tập là rất cần thiết. Đây là cách học tập rất biện chứng vì có trao đổi, thảo luận mới giúp người học mở rộng, đào sâu vấn đề để từ đó tìm ra nguồn gốc kiến thức và ghi nhớ lâu hơn.

Do đó, để phát huy tính được tính sáng tạo của học sinh trong học tập, trước hết mỗi thầy cô giáo cần phải thay đổi về tư duy giáo dục. Giáo dục không cần tạo ra một lớp người thụ động, bắt chước; sau đó mới đến việc đổi mới nội dung cũng như phương pháp dạy học.

Muốn vậy, các thầy cô giáo cần phải tôn trọng sự khác biệt trong nhận thức và cá tính của mỗi học sinh, không nên tự nghĩ mình là “duy nhất đúng”, khuyến khích các em có “tư duy phản biện”, mạnh dạn nêu ra các ý kiến với những bài khó, để từ đó các em nắm bắt được kiến thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn.

Để làm được điều này, các thầy cô cần mềm mỏng, hạ thấp cái tôi của bản thân khi học sinh có những cách nghĩ khác, thậm chí ngược lại với cách nghĩ của mình, rồi từ đó hướng học sinh đến cái chân lý, cái cao thượng. 

Điều đó thể hiện bản lĩnh cũng như tấm lòng bao dung của người giáo viên. Phải chăng, đó cũng là biểu hiện của một triết lý giáo dục tự do và khai phóng?

Trần Sơn