Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6

10/12/2017 08:24
Thanh Vĩnh
(GDVN) - Bài viết là những dòng tâm sự của một bà mẹ với con trai là học trò lớp 6 bày tỏ những lo lắng về các vấn đề trong giáo dục hiện nay.

Năm nay Cò học lên cấp 2, cấp trung học cơ sở theo cách gọi bây giờ, nghĩa là Cò đã lớn thêm hẳn một cấp đấy.

Mẹ rất vui vì thấy Cò đang lớn lên. Nhưng mẹ cũng rất băn khoăn về chuyện học hành của Cò và trẻ con bây giờ.

Băn khoăn, cả lo lắng nữa về nhiều chuyện lắm. Ví như chuyện tên gọi cấp học ở nước mình hiện nay.

Nhà nước mình cải cách mãi, vậy mà ngay cái tên cấp học phổ thông sau bao năm cải cách lại chỉ thấy... rắc rối thêm chứ chả có gì hay hơn cách gọi cũ (ngày mẹ còn là trẻ con, các cấp học phổ thông đơn giản được gọi lần lượt là cấp 1 (tức tiểu học ngày nay), cấp 2 (trung học cơ sở), cấp 3 (trung học phổ thông).

Ngày ấy phổ thông hệ 10 năm, cấp 1 gồm từ lớp 1 đến lớp 4, cấp 2 từ lớp 5 đến lớp 7, cấp 3 từ lớp 8 đến lớp 10.

Đơn giản thế nhưng xem ra vẫn đủ ý nghĩa.

Ảnh minh họa: Pinterest
Ảnh minh họa: Pinterest

Bây giờ phải 12 năm mới tốt nghiệp phổ thông, nếu thi mà đỗ ngay đại học, cao đẳng thì chả phải bàn thêm, nhưng nếu không may “dẫm phải vỏ chuối”, phải “mài mông” ôn thi năm nữa (các sĩ tử nhà ta gọi cái năm học đó là “lớp 13”) thì quả là mệt.

Nhọc nhằn thế mà chưa chắc mười người đi thi đã đỗ được vào đại học được đến vài ba người.

(Thời mẹ đi thi đại học, trong giới “sĩ tử” còn lưu truyền câu ca “Cổng trường đại học cao vòi vọi/ Chín đứa đi thi trượt cả… mười" để mô tả sự khó nhọc của việc thi đỗ đại học).

Ấy thế mà cái “chốn thiêng” ấy (bậc đại học) ở ta bây giờ lại bị nhiều người tếu táo gọi là “phổ thông cấp 4” đấy Cò.

Vì sao bị gọi thế, là có nguyên nhân cả, mẹ sẽ nói kỹ với Cò điều này khi nào Cò lớn hơn nhé!

Cò lên trung học cơ sở, nhà mình thật vui. Nhưng việc Cò đi học hằng ngày bỗng trở thành “một vấn đề” khi mà đường đến trường phải băng qua nhiều ngã năm ngã ba ùn ùn xe cộ chạy như phát rồ, mà mắt Cò thì cận rí cận rị.

Bố bảo, nhiều người cũng bảo mẹ: Mua cái xe đạp, hơn triệu bạc chứ mấy để Cò tự đạp đến trường.

Nhưng mẹ sợ (tai nạn giao thông như cơm bữa) mẹ xót Cò (còn bé tí mà phải tự chạy xe đạp đến trường) nên mẹ vẫn cứ đưa đón Cò hằng ngày.

Có hôm mẹ đi công tác trưa không về kịp, Cò đã mạnh dạn men theo vỉa hè phố đi bộ gần 3 km về nhà dưới nắng.

Hôm ấy, mặc dù rất mệt (bằng chứng là cái áo đồng phục Cò mặc đẫm đìa mồ hôi) vậy nhưng Cò vui như vừa được điểm 10, mẹ cũng thấy Cò “ra dáng” hẳn lên.

Nhưng mà việc một đứa trẻ 11 tuổi đi bộ an toàn hơn đi xe đạp là việc trên lý thuyết, chứ đường xá giao thông nhất là ý thức người tham gia giao thông ở ta bây giờ ngó mà phát ốm.

Báo chí hằng ngày đưa tin tai nạn giao thông nhan nhản trong đó có không ít học sinh là nạn nhân nên mẹ càng sợ.

Nỗi sợ ấy (tệ thay) thường xuyên lấn át cả niềm vui của mẹ là Cò đã lớn hơn, đã là học trò trung học cơ sở.

Mẹ cũng như vô khối người, đều thấy: Học trò bây giờ vất vả quá, khổ sở nữa.

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 2Giáo dục cải cách liên tục gây tốn kém và hoang mang

Hôm mới đây, “dân làng mạng” xôn xao chia sẻ bức thư của một chị học trò lớp 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh thống thiết gửi tới “các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo”, nói rằng chị ấy “ghét việc học”.

Chị ấy thấy “kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC”. Mẹ đã đọc thư của chị ấy đăng trên mạng. Và mẹ thấy tim mình quặn đau! Rất đau!

Từ khi nào, người lớn đã khiến trẻ con phải khổ sở, đau, mệt, sợ hãi, tuyệt vọng vì học như vậy?

Mà cực nhọc như vậy để rồi được gì, hay sẽ là kết cục như chị ấy nói trong thư rằng:

… Rồi sau tất cả, khi chúng cháu rời ghế nhà trường, đối diện với cuộc sống thật, chúng cháu lại lơ ngơ, hoang mang vì hoàn toàn không có những kỹ năng sống cần thiết…

Bức thư của chị học trò lớp 9 chuẩn bị lên lớp 10 hệ trung học phổ thông ấy khiến mẹ suy nghĩ mãi.

Mẹ, và dám chắc ai ai cũng nhận thấy bây giờ trẻ con phải học rất nhiều, chương trình giáo dục của nước ta bây giờ có nhiều môn học.

Nhưng có môn dường như chỉ là để “kể cho đủ đầu việc” chứ hiệu quả thì lại là chuyện khác!

Tuy thế, tất cả đều được lý giải rất hay là: Để đào tạo ra thế hệ trẻ có đủ Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Các môn: Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục công dân, đặc biệt là môn Lịch sử - một môn học theo mẹ là rất quan trọng, là một môn khoa học cơ bản, một môn học bản lề trong hệ thống giáo dục phổ thông, lại bị xem là môn... phụ.

Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, không thể quên chuyện cả một hội đồng chỉ có đúng… một thí sinh chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp!

Đã thế, cũng cách đây chưa lâu, dư luận đã nóng rẫy lên bởi chuyện Bộ Giáo dục có “sáng kiến” tích hợp ba môn: Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục Quốc phòng - An ninh thành… một môn có tên “Công dân với Tổ quốc” .

Việc này đã bị nhiều nhà chuyên môn, xã hội và các thầy cô tâm huyết với môn Lịch sử chỉ trích dữ dội.

Có người cáu quá, đã đặt tên cho cái môn học tích hợp từ ba môn (nếu được tích hợp) mà thành ấy là “môn lẩu”.

Mẹ xem thời khóa biểu các môn học lớp 6 của Cò thấy có môn Công nghệ, nghe tên rất “oách”, lại được phân học hẳn 2 tiết/tuần, trong khi môn Lịch sử lại chỉ có 1 tiết/tuần...

Mẹ liền lấy sách giáo khoa môn này xem một lượt.

Mẹ trộm nghĩ, cái môn Công nghệ lớp 6 với kiến thức hầu như là khoa học thường thức cũng là cần thiết (vì dạy cho đứa trẻ 11 tuổi biết về vải vóc, ăn mặc nấu nướng rồi cách chi tiêu đơn giản trong gia đình…) nhưng chả lẽ môn Lịch sử, hay Mỹ thuật hoặc Âm nhạc (dạy cho con người biết về lịch sử dân tộc/thế giới, về cái đẹp của cuộc sống góp phần làm đẹp tâm hồn, hoàn thiện nhân cách con người…) lại không cần thiết bằng?

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 3Cái kim trong “bọc” VNEN đã lòi ra

Từ bao giờ, trong nhiều người (cả thầy cô, cả cha mẹ học sinh và… học sinh) đã thường trực trong suy nghĩ sự phân biệt môn chính môn phụ để rồi việc dạy và học của chúng ta cũng đi theo tư duy đó? (đã đi học tại sao lại có môn chính môn phụ nhỉ?? Mẹ tự hỏi mình thế).

Thế nên, mấy môn “phụ” thôi thì “học cho có”, thày cô lên lớp cho đủ giờ được phân công, học trò học được gì chả thành vấn đề.

Đằng nào những Giáo dục công dân; Âm nhạc; Mỹ thuật... có thi học sinh giỏi các cấp, hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông đâu, việc gì mà phải lăn tăn...

Chứng minh cho điều này đó là các lớp học thêm các cấp, chỉ học mỗi Toán, Văn, Lý, Hóa; Ngoại ngữ;

Còn bao giờ học đến lớp 12, để chuẩn bị kỳ thi vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... thì học trò sẽ tập trung ôn luyện theo các khối A, B, C, D...

Bên cạnh chuyện “dạy lệch”, còn là “dạy tủ”, kiểu “luyện gà nòi” để có đội tuyển “đấu” với xung quanh trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp.

Việc học đã “lệch”, theo “tủ”, nên kiến thức bị hổng, lệch là chuyện tất, lẽ dĩ… nhiên!

Thế nên cũng là dễ hiểu khi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, thậm chí cấp quốc gia mà môn văn hoặc các môn xã hội khác lại phải “cố lắm mới đạt điểm trung bình”?!

Những kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp gần đây, đặc biệt là năm 2011, việc hàng ngàn bài thi Lịch sử của học sinh bị điểm quá kém, thậm chí nhiều bài điểm 0 phải chăng chính là hậu quả từ quan niệm môn chính, môn phụ, từ lối dạy và học tủ, học lệch này?

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 4Thời gian biểu của tiểu siêu nhân và chuyến học thêm vi hành của một người thầy

Dạy và học như thế, làm sao có được những thế hệ trẻ hoàn thiện, toàn diện như khẩu hiệu mà ngành Giáo dục đang nêu cao?

Đã thế, về cơ bản, dạy và học ở ta vẫn nặng về thày giảng, đọc; trò nghe, chép rồi học thuộc và trả bài, thụ động, cứng nhắc.

Mọi thứ bó tròn, ít được thực hành, không có thực nghiệm, ít có cơ hội cho sự sáng tạo độc lập trong tư duy học sinh...

Môn Văn là môn học phát huy sự độc lập tư duy học trò, có người cho rằng “không có môn học nào lại theo chúng ta đi hết cả cuộc đời như môn ngữ Văn”.

“Văn học là nhân học”. Theo đó, người học Văn mà thẩm thấu được những giá trị của văn chương sẽ dễ có tâm hồn trong sáng, hướng thiện.

Để từ đó, biết yêu thương, trân trọng con người, yêu và trân trọng cái đẹp, biết ghét rồi từ bỏ cái xấu, cái ác mà hướng tới Chân, Thiện, Mỹ, biết vì mình, vì cả mọi người...

Vậy mà bây giờ mẹ thấy đầy rẫy những cuốn bài tập làm văn mẫu với hàng vài trăm bài văn mẫu.

Còn dạy - học Văn ư? Là thầy đọc và trò chép. Cố học thuộc lấy một vài bài mẫu để trả bài, để bảng điểm học bạ được “đẹp”.

Thậm chí, trước mỗi lần thi học kỳ, thầy cô còn “luyện” cho trò vài “đề tủ”, dặn kỹ các trò khi thi, “trúng tủ” thì cứ thế, cứ thế mà… chép?!

Nhiều giáo viên dạy Văn mà không một chút mảy may đam mê, giờ học Văn mà xơ cứng, máy móc, nhạt nhẽo đến… buồn ngủ; dạy - học văn mà không cho thấy cái hay cái đẹp, sự bay bổng, lãng mạn, xúc cảm tâm hồn thăng hoa cùng buồn vui trang sách như bản chất của môn học.

Buồn thay, thực tế dạy - học Văn ở ta đang phần nhiều là như thế đấy. Vô cảm, vô hồn, vô… trách nhiệm!

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 5Khối thầy cô dạy văn "tắc tị" khi soạn một dàn bài mới

Phải chăng vì dạy và học Văn như thế mà bạo lực học đường, thói hư tật xấu, sự vô cảm… trong người trẻ bây giờ gia tăng?

Sách giáo khoa được xem là “điểm tựa” vững chắc, là “chuẩn” kiến thức đã được duyệt qua bao cấp mà khi đến với học trò cũng còn khối điều phải bàn lại.

Điều lạ là, dù cơ quan quản lý, và các chuyên gia đã cố gắng để cải cách; thế nhưng đến tận bây giờ nước ta vẫn chưa có được một bộ sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu dạy - học đạt chuẩn, phù hợp với thực tế, hướng tới nền giáo dục tiên tiến.

Đã thế, kiến thức trong sách giáo khoa thì lại là cả một vấn đề với những sai sót, nhầm lẫn (từ lỗi chính tả, lỗi ngọng e-lờ (L), en-nờ (N), cho đến cách lấy ví dụ với chi tiết không phù hợp, thậm chí phản cảm, kiểu:

"Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay".

Ví dụ (kèm hình minh họa) rợn người này chỉ được phát hiện ở sách Phép cộng trừ phạm vi 100 dành cho lớp 1 sau khi tập sách này đã lưu hành trên thị trường cả chục năm giời?!

Hay bài đồng dao trong cuốn sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2012 (số đăng ký KHXB: QĐ.87-2011/CXB/36-04/MT ngày 12/10/2011) viết:

“Ở với ai/ Với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại/  Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng...” rồi: “Ao gì/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm.” kèm theo bài đồng dao rất dễ khiến tâm hồn trẻ con bị nhiễm độc này là hình… quả đấm!

Chưa hết, cũng sách này, còn có bài Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng, với nội dung thật nhăng cuội, bạo lực, phản cảm:

“Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro/ Ông Nhăng bảo để mà kho/ Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng”.

Huhuhu… Mẹ khóc đây, Cò ơi! Làm sao mà mẹ, các cha mẹ học trò và cả xã hội có thể yên tâm trước những bài học dạy cho trẻ lại  phi giáo dục, phi nhân tính như vậy chứ.

Việc học bây giờ có lẽ chỉ tập trung vào cái đích: Học tiểu học làm sao để lên được trường chuyên lớp chọn cấp trung học cơ sở.

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 6Con học trường tốt mới thành người tài giỏi, có đúng vậy không?

Học trung học cơ sở làm sao để vào được trung học phổ thông, mà vào trường trung học phổ thông chuyên mới “oai”, mới tốt.

Học trung học phổ thông xong rồi làm sao phải đỗ đại học (trong khi, rõ ràng, đại học không phải là cái đích cuối cùng, càng không phải là cái chuẩn để đánh giá về trình độ, năng lực của một con người nói chung, một học trò phổ thông nói riêng).

Thực tế luôn cho thấy: Để trưởng thành, con người ta còn có nhiều con đường, nhiều cách thức phấn đấu thay vì cứ nhất nhất phải đỗ đại học.

Nhưng vì sao cứ phải đỗ vào đại học thì mới “oách”, mới “chuẩn”, là bởi không đỗ thì “nhục cho tao lắm” - như một bác gần nhà mình rên rẩm mắng nhiếc con trai bác ấy vì tội thi trượt!

Tại sao các bậc cha mẹ vẫn cho rằng con không đỗ vào đại học thì “nhục” là bởi, họ sợ “mất mặt”, sợ thua kém bạn bè, cũng là sợ tương lai con em mình phải nhọc nhằn, vất vả...

Con người ta đỗ đại học, còn mày tại sao không?

Họ riết róng con cái như thế mà không thấy là chính họ vô lý, bởi chính họ khi còn đi học và ngay cả trong công việc hiện tại, cũng đâu đã giỏi giang toàn vẹn tất cả, đâu đã thi là đỗ đại học.

Mẹ thấy nhiều trường sáng choang khẩu hiệu Mỗi ngày đến trường là một ngày vui  nhưng làm sao các con vui đúng nghĩa từ này được khi áp lực học hành đè nặng?

Mẹ biết có gia đình, con mới học tiểu học, nhưng hễ đi học mà mang về điểm thấp dưới 9 là ăn đủ.

Đòn roi, xỉ mắng đủ kiểu, đến nỗi bạn nhỏ đó vốn rất ngoan, không biết dối trá, sau đó đã xé vở giấu bài điểm kém, rồi tự tô, tự phê điểm cho mình nhằm đối phó với đòn roi cha mẹ?!

Thật vô lý, đáng trách cho bậc cha mẹ, rất thương cho bạn nhỏ đó phải không Cò.

Thế nên, mẹ chả căng thẳng như thế với Cò đâu.

Dù mẹ muốn, rất muốn Cò học giỏi, được điểm tốt (vì mẹ cũng thích thành tích mà); nhưng mẹ hiểu, chính mẹ, cũng như ti tỉ ông bố bà mẹ khác, dù đã là người lớn từ lâu, nhưng đâu phải đã hoàn thiện mọi mặt; đâu phải hôm nào cũng làm tốt mọi việc; đâu phải làm việc gì cũng hoàn hảo!

Vậy thì tại sao những người lớn lại cho mình cái quyền bắt ép các công dân nhỏ tuổi - như Cò - vốn luôn được xem là “tương lai của gia đình và xã hội” nhất nhất phải giỏi giang, đi học hôm nào cũng phải được điểm 9, 10?

Nói thế cũng không có nghĩa là mẹ đồng tình với thói lười nhác không chịu học hành rèn luyện đâu đấy.

Mẹ sẽ rất, rất buồn, cả giận nữa nếu Cò không chăm ngoan.

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 7Các bậc cha mẹ, hãy để con được thò đầu ra cửa sổ

Ở đây, mẹ chỉ muốn nói rằng: Ngay cả điểm số cũng chưa nói lên điều gì, nhất là với một học trò tiểu học!

Sự áp đặt, ép buộc thô thiển sẽ làm chai cằn tâm hồn tuổi thơ, làm xáo trộn thậm chí làm hỏng nhân cách một con người, và nhiều khi gây hậu quả khó lường.

Mẹ đọc báo, xem tivi thấy đưa tin trẻ con tự tử, trẻ con trầm cảm, tự kỷ, mắc bệnh tâm thần… phải đi điều trị vì áp lực học hành, hay thống kê gần đây cho biết những năm gần đây, tại Việt Nam, tình trạng học sinh, sinh viên bị stress, tự tử không còn là chuyện hiếm gặp, đặc biệt trong giai đoạn thi chuyển cấp và thi đại học…  mà giật mình thon thót Cò ạ.

Một cái tệ bây giờ là việc “chạy trường” Cò ạ! Cò còn bé nên có thể chưa hiểu mấy chuyện này đâu.

Đại loại là bây giờ người lớn gặp nhau, thường “buôn” chuyện con mình học trường gì lớp gì?

Ai có con vào trường chuyên, lớp chọn, trường quốc tế… thì hãnh diện ra mặt, khoe rất tự tin. Còn ai không được như thế bỗng thấy mình… thật “muỗi”, thật kém cỏi.

Mẹ chợt nhận ra, chao ơi, các con bây giờ học trường nào lớp gì chính là “một trong những niềm vinh dự lớn” cho các cha mẹ đấy.

Các cha mẹ hầu như ai cũng thích oai, thích khoe nên ngấm ngầm ganh đua nhau, từ việc “chạy” thầy “chạy” điểm, cho đến “chạy” trường “chạy” lớp...  

Một người quen của mẹ có con học trên Cò 3 lớp. Hết tiểu học bác ấy “chạy” cho con vào trường trung học cơ sở chất lượng cao (vì khi thi vào chị ấy thiếu tận 1,5 điểm).

Kết cục, là suốt mấy năm theo học trường chất lượng cao ấy, chị ấy chỉ làng nhàng lực học ở lớp “cận chuyên”.

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 8Con sợ học quá mẹ ơi!

Để giữ được cái “mác” có con học trường chất lượng cao, mẹ chị ấy phải tốn kém không ít tiền bạc...

Thế đấy Cò ạ! Chỉ khổ trẻ con.

Tuổi thơ và việc học hành - một quyền lợi, nghĩa vụ, là trách nhiệm cũng là niềm hạnh phúc của trẻ thơ đã bị người lớn nhào nặn, biến tướng, đánh cắp...

Và nhiều khi đã bị biến thành món trang sức đặc biệt cho các bậc phụ huynh. Mẹ cũng ối lần được hỏi về việc Cò học trường nào.

Và khi nhận được câu trả lời của mẹ, người hỏi đều tỏ vẻ ngạc nhiên (?!) và nói luôn, vẻ rất thành thạo, rằng: Ô đó không phải là trường chuyên (đã đành), và lớp đó cũng không là lớp chọn (đúng rồi).

Lớp chọn 1, chọn 2 ở trường này, trường này... là lớp này lớp này cơ... Rồi người đó nhìn mẹ bằng ánh mắt... cực lạ lùng.

Thú thật lúc đó, trước cái nhìn đó, mẹ cũng hơi “cay mũi”. Vì mẹ cũng thích oai mà! Nhưng ngẫm lại, đã sao nào!

Việc Cò học trường nào cũng quan trọng đấy (môi trường mà), nhưng cái chính là Cò có tự giác học tập, rèn luyện hay không kìa!

Tất nhiên, được học trong môi trường thày giỏi, bạn chăm ngoan thì còn gì bằng.

Nhưng nếu thật sự nỗ lực, chăm chỉ, lại được thày cô tận tâm dạy dỗ, bố mẹ sát cánh động viên, thì dù không học trong trường chuyên, lớp chọn, Cò vẫn sẽ học giỏi. Mẹ tin thế!

Mà việc học lớp chọn hay trường chuyên cũng đâu đã hoàn toàn là “đỉnh”.

Vì từng có người đã thẳng thừng cho rằng: Trường chuyên lớp chọn ở một góc nhìn khác, vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của bệnh thành tích của giáo dục Việt Nam.

Ở đó, người ta tập trung vào việc đào luyện “gà nòi” cho các cuộc thi học sinh giỏi và nâng cao tỷ lệ đỗ đại học!

Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến học lệch trầm trọng.

Thế nên mới có chuyện, học sinh giỏi Toán quốc gia mà không biết ông Nguyễn Huệ với vua Quang Trung là một hay… hai người?!

Cũng câu hỏi đó, một học sinh khác rụt rè đáp: Hình như, đó là… hai anh em?! Ôi chao ơi!

Vậy mà năm nào ngành giáo dục nước nhà cũng “thi đua dạy tốt, học tốt”, cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” cơ đấy! 

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 9Biết học thêm không hiệu quả tại sao phụ huynh vẫn phải cho con theo học?

Mà kể cũng lạ, Bộ Giáo dục và Đào tạo lâu nay quyết tâm Nói không với tiêu cực trong thi cử và căn bệnh thành tích trong giáo dục nhưng hiệu quả thì sao?

Thậm chí, nhiều người đang hoài nghi, lo lắng: Cuộc vận động “hai không” này dường như bị… phá sản!

Mẹ biết, Công ước quốc tế đã khẳng định, công nhận quyền trẻ em từ lâu, nhưng rõ ràng, ngay việc học hành của con trẻ bây giờ cũng đâu phải cho mình, vì mình, mà là do cha mẹ, người lớn quyết định.

Trẻ con bây giờ, bằng việc học của mình đang cõng trên lưng “danh dự”, “uy tín”, “thương hiệu” của gia đình, dòng họ, nhà trường nữa đấy. Thật quá sức! Thật nặng nề làm sao.

Các con bây giờ phải học nhiều quá. Cái cặp sách trên lưng các con to uỵch, chứa nào sách giáo khoa, vở viết, sách - vở bài tập, sách nâng cao, sách tham khảo... (có môn nguyên sách tham khảo đã vài cuốn - chả biết các con có kịp giở đến không chứ nói gì đến đọc và học), rồi máy tính, hộp bút, nước uống, đồ ăn vặt nữa…

Mẹ nhìn mà chóng hết cả mặt. Về sách tham khảo lại phải nói thêm, đó là có nhiều quyển cô giáo phân phát cho các trò mang về, cha mẹ nhìn giá sách ở bìa mà nộp tiền cho cô, nhưng hình như cả năm học khéo các con chỉ giở đến sách ấy đôi lượt.

Cô đã bán, là phải mua. Mẹ cùng nhiều cha mẹ khác không muốn mua cũng không được, vì có lần chỉ mới rón rén hỏi ướm cô giáo là “Cháu có nhiều sách tham khảo rồi, không mua sách cô phát cho có được không?” đã nhận được từ cô giáo một vẻ mặt “lạ”.

Thôi thì mua cho xong, kẻo cô… ghét lây sang con mình thì gay hơn!

Sách vở lèn chặt khiến cái cặp sách to lấp mày lấp mặt con trẻ, nói dại chả may vấp ngã khéo các con không đứng dậy nổi vì bị cặp sách đè mất.

Nhiều buổi, mẹ đưa Cò đến trường, thở dài nhìn theo Cò cùng các bạn còng lưng cõng cặp chạy cho kịp giờ học kẻo vào muộn.

Vào muộn sẽ làm lớp mất điểm thi đua, thế nào cũng bị ăn… mắng (Mẹ đã thấy rồi nhé, hồi Cò học tiểu học, mà thấy mấy lần kia) chứ chả chơi. Khổ!

Trẻ con bây giờ phải học nhiều quá! Học chính khóa, học thêm. Ngày học, đêm học, sáng học, chiều học, tối… học tiếp.

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 10Các cuộc thi trá hình đang hoành hành trong trường học

Học ở trường, học ở nhà thày cô, học ở các trung tâm (ngoại ngữ, tin học, năng khiếu nghệ thuật...).

Cũng không loại trừ có nhà với lý do vì không có thời gian, trình độ bảo ban cháu học nên trăm sự nhờ cô kèm thêm; còn thì lâu nay, việc dạy - học thêm đã thành nỗi bức xúc dai dẳng trong lòng số đông phụ huynh.

Có nhận định rằng: Dạy thêm học thêm cũng chính là hệ quả của một nền giáo dục đã tồn tại quá nhiều bất cập, không thích ứng với thay đổi của đời sống xã hội, một chương trình học của bậc phổ thông quá nặng nề, ôm đồm và không thực tiễn.

Mẹ cứ băn khoăn một điều: Ừ thì dạy thêm học thêm. Nhưng trẻ lớp lớn đi học thêm còn có tý lý do, chứ lạ nhất là học trò “nhí” mới lớp 1, lớp 2 đã phải đìu ríu đi học thêm.

Học thêm cái gì nhỉ? Có vô khối cha mẹ cũng hỏi nhau thế, nhưng chả ai dám kêu.

Dù việc này đã bị Bộ Giáo dục ban hành hẳn một thông tư (số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012) quy định chi tiết về dạy thêm học thêm.

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc (năm 2016) đã đã ban hành văn bản nghiêm cấm không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức, đảm bảo cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông được nghỉ hè trọn trong tháng 6 và tháng 7 năm 2016 (Trừ học sinh lớp 12 ôn thi trung học phổ thông Quốc gia;

Rồi năm 2017 ban hành văn bản số 549/SGDĐT-CTHSSV về việc “Hướng dẫn tổ chức nghỉ hè cho học sinh, sinh viên năm 2017; theo đó, các nhà trường nghỉ hè từ 1/6/2017 đến hết tháng 7/2017, có hướng dẫn tổ chức dạy thêm - học thêm. 

Ngoài ra nghiêm cấm các nhà trường, các giáo viên tổ chức dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào”.

Ấy thế nhưng, mùa hè 2017 vừa qua, “phớt lờ” lệnh cấm, việc dạy thêm học thêm ở tỉnh ta vẫn diễn ra “rầm rộ” (báo chí nhận định).

Bị báo chí và dư luận phản ánh, đã có điểm dạy - học thêm bị xử phạt. Nhưng có hề chi, để “hợp pháp” việc này, nhà trường, giáo viên có đầy cách “lách” nhé.

Ví dụ: Một buổi trò mang từ lớp về tờ đơn được đánh máy sẵn, nội dung đại ý: Gia đình tôi đồng ý tự nguyện cho con đi học thêm… ở lớp...  trường...!!

Cha mẹ trò chỉ việc điền và ký tên cho con mang nộp cho cô. Đây nhé, cha mẹ học trò, học trò tự nguyện xin được học thêm chứ nhà trường có ép đâu?!

Không tin thì đơn đây, đọc đi! Hay có cô giáo tuyên bố: Tôi dạy cho con cháu trong nhà, dạy không thu tiền, thì đâu có phạm lệnh cấm?!

Có người lại “lý luận” rằng vì lương giáo viên thấp, nên phải dạy thêm để có thu nhập…?!

Một điều lạ nữa là, học sinh nào đi học thêm (ở nhà thầy cô) thì điểm kiểm tra thường cao, và ngược lại, có em vì không đi học thêm đã gần như “không biết gì” để làm bài kiểm tra, và tất nhiên là “xơi” “ngỗng”, “vịt”, “ghế tựa”... Vậy là sao nhỉ!?

Thế nên, bây giờ trẻ con gần như không có nghỉ hè, khoảng 25/5 hằng năm tổng kết năm học, thì từ 10 - 15/6 trở ra là đã lại cặp sách trên vai đi học thêm).

Phải chăng các quy định, chế tài nói trên bị vô hiệu hóa. Nếu không làm sao dạy thêm - học thêm vẫn “như nấm sau mưa” vậy.

Ôi chao! Vậy thì còn đâu kỷ cương, Cò nhỉ!

Mẹ còn biết, có những bạn nhỏ được cha mẹ cho là “có tài âm nhạc” nên ngoài giờ học kiến thức là phải “ngồi thiền” tập đàn đến bỏng đầu ngón tay đấy dù bạn ấy giãy lên phản đối.

Nhưng cũng có bạn có năng khiếu và rất yêu thích hội họa, nhưng bị cha mẹ quyết liệt ngăn cấm, với tuyên bố (giống lời đe dọa kèm định hướng):

Vẽ vời gì, liệu mày có kiếm được cơm ăn từ cái trò bôi bẩn giấy ấy không! Học Toán Lý Hóa đi, rồi thi vào Đại học Tài chính - Kế toán cho tao. Sau này may còn có cửa mà sống”!

Bạn nhỏ đó, mẹ biết, thi thoảng vẫn trốn cha mẹ được một buổi vào ngày chủ nhật, để đến lớp học vẽ… Thương thế! Sao cha mẹ bạn ấy không chịu hiểu cho bạn ấy nhỉ?

Và sao cha mẹ bạn ấy không đọc báo để biết rằng hiện nay nước ta có hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ, cả thủ khoa đang thất nghiệp; cử nhân đi lái taxi, đi làm thợ là không hiếm!

Với cái cặp sách trên lưng, sấp ngửa chạy “sô” từ lớp học chính khóa nọ tới chỗ học thêm kia, thế nhưng, cuối cùng, sau tốt nghiệp trung học phổ thông, học trò ở ta cũng chỉ là thi vào trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hay đi học nghề thôi mà, mẹ đâu đã thấy có học trò nào ở nước mình, sau 12 năm khổ nhọc học tập ấy mà thành ngay người tài.

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 11Những chuyện rất buồn ở trường chuẩn quốc gia

Học là một chuyện, còn thu về được kiến thức gì… thì lại là chuyện khác?!...

Bởi có một thực tế khiến mẹ (và bất cứ ai quan tâm đến giáo dục) cũng đều lấy làm lạ là dạy và học nhiều thế (học trò khổ sở, trầm cảm vì học).

Vậy nhưng trong các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng… không ít thí sinh trầy trật thi mà kết quả chỉ được tận... 8 điểm (thậm chí thấp hơn) cho cả… ba môn thi, nhiều bài thi còn nhận điểm liệt.

Rồi nữa, thời gian qua, liên tục có những bác nông dân nước mình chế tạo ra máy móc, công cụ tiên tiến, giúp ích cho con người, mới đây có bác còn lai tạo được giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội giúp nông dân có thêm mùa bội thu.

Ghê gớm hơn nữa là có bác nông dân còn chế tạo được cả máy bay... Vậy thì những kỹ sư, tiến sĩ,... những người học nhiều, bằng cấp đầy mình ở ta đi đâu cả rồi?

Họ đang làm gì nhỉ mà không thấy có công trình hay sáng chế nào để giúp đời?

Phải chăng người Việt mình sính bằng cấp, nhăm nhăm học để làm… quan, để làm giàu, chứ chưa đề cao việc học để làm người, để làm việc và đó chính là một nguyên nhân khiến nước mình chậm phát triển?

Mẹ thấy nghi ngại, sợ cái lối dạy và học bây giờ đấy Cò ạ!

Nói thế, nhưng không có nghĩa là mẹ bảo Cò và các bạn nhỏ bây giờ không học, thậm chí các con phải học tập thật nghiêm túc là khác.

 Vì sao, vì xã hội đã tiến bộ rất nhiều, thời đại bây giờ là thời đại của khoa học công nghệ tiên tiến, thời của toàn cầu hóa, thế giới phẳng… không học làm sao nắm bắt, làm sao làm chủ, làm sao sinh tồn.

Giáo dục qua câu chuyện của một người mẹ với con học lớp 6 ảnh 12“Con bò học dốt lắm hả mẹ? Cô nói con ngu như bò mẹ ạ”

Chưa nói đến chuyện bây giờ, trên thế giới xuất hiện thế hệ những con người, được gọi là những “công dân toàn cầu”.

Họ hầu hết là những người trẻ, phần đông trong số họ đều giỏi giang, có tài, nhiệt huyết.

Họ không chỉ thực hiện bổn phận của mình với đất nước mà còn làm việc vì toàn nhân loại.

Để trở thành “công dân toàn cầu” không hề đơn giản chút nào.

Theo Tổ chức Oxfam, thì: "các bạn trẻ cần được trang bị các kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng và giá trị mà họ cần để đảm bảo hạnh cho bản thân, cho mọi người và đóng góp tích cực cho đất nước cũng như thế giới.

Các kỹ năng này bao gồm khuyến khích sự tự tin, lòng tự trọng, kỹ năng tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và giải quyết khủng hoảng.

Ngoài ra cũng cần đào tạo cho lớp trẻ khả năng trình bày quan điểm của mình cũng như biết lắng nghe ý kiến của người".

Với cách dạy và học phổ biến như hiện nay, đến bao lâu chúng ta mới có được những công dân Việt như mong muốn, trước khi có được những công dân Việt/toàn cầu.

Mẹ biết, Nhà nước mình coi giáo dục là quốc sách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để cụ thể hóa chủ trương này, đồng thời, Bộ chủ quản cũng nhận ra nền giáo dục của ta có nhiều vấn đề, nên những năm gần đây, đã nỗ lực tìm cách cải tiến.

Nhiều chương trình, chủ trương, biện pháp được đưa ra, như: Cuộc vận động Hai không, xây dựng môi trường giáo dục thế chân kiềng: Nhà trường + gia đình + xã hội với Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, Mỗi thày cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực, vv... với mục đích cải thiện linh hoạt các hoạt động thường ngày của nhà trường nhằm làm cho nền giáo dục ở ta trở nên nhẹ nhàng, vui tươi hơn, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.

Có thể điểm tên một số việc mà Bộ đã làm, như trong năm học 2011 - 2012, là chủ trương giảm tải chương trình học.

Ngày đó, việc này được xem là tín hiệu vui.

Tuy nhiên, như Phó Giáo sư Văn Như Cương (sinh thời) từng nhận xét thì "Việc giảm tải dường như khá rụt rè, chưa mạnh dạn. Cần giảm đi 30% chương trình thì mới có thể tạo ra một sự thay đổi thực chất".

Đã vậy, việc triển khai cũng lúng túng, chậm chạp.

Mẹ nhớ, khi đó, năm học mới đã bắt đầu được hơn 3 tuần, mà ngay giáo viên các trường trung học cơ sở, tiểu học ở Thủ đô Hà Nội cũng còn chưa biết mặt mũi tài liệu giảm tải ra sao thì nói gì đến các tỉnh xa.

Lại có nơi đã nhận được tài liệu nhưng vẫn phải chờ... phương án thống nhất. Khi đó, báo chí nước mình đã nói rất nhiều về sự chậm chạp, bất cập này.

Còn từ đó đến nay là hàng loạt biện pháp khác nhằm cải tiến giáo dục ở ta. Cơ mà, nhiều biện pháp cứ bày ra rồi lại thu vào bởi không thấy hiệu quả như mong muốn.

Gần đây nhất, là ồn ào chuyện dạy và học theo phương pháp VNEN.

Bởi sau một thời gian khá dài thực nghiệm lại cho thấy, trái với những hân hoan buổi đầu, phương pháp này cũng không mang về hiệu quả như trông đợi. Buồn thế chứ!

Và mẹ lại nhớ đến khẩu hiệu: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui thường được trưng to tướng ngay cổng nhiều trường học mà lòng cứ băn khoăn không yên. Bao giờ điều đó không chỉ là khẩu hiệu nhỉ?!

Đến đây, mẹ nhớ đến ông Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại - một nhà giáo dục lớn, rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đã nói, đại ý:

"Ngày xưa học để làm quan, làm giàu. Bây giờ học để sống bình thường. Học để sống bình thường cao cả hơn làm quan, và đó là điều vĩ đại".

Nhưng có bao nhiêu bậc cha mẹ nhận chân được điều giản dị mà vĩ đại đó.

Trong khi, trẻ con bây giờ phải gò lưng mà học. Học nhiều thế, mà vẫn thiếu kiến thức để làm người.

Cứ nhìn không ít anh chị tuổi đã 18, 20, có người đã tốt nghiệp đại học mà lắm khi vẫn ngô nghê, thiếu kiến thức, kỹ năng sống/ ứng xử, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thực hành... là thấy ngay điều đó.

"Gà công nghiệp", "đứa trẻ to xác, nhiều tuổi" là những biệt danh mà mọi người dành gọi họ.

Công bằng mà nói, để đến mức như vậy, lỗi không hoàn toàn do các anh chị ấy, bởi mẹ biết, suốt ngày học và học, có khi gần nửa đêm mới đi học thêm về đến nhà.

Ăn vội cho xong bữa, tắm táp cũng cho xong lần để còn chuẩn bị sách vở, rồi còn phải chợp mắt để ngày mai lại vào guồng cũ như hôm trước… thì còn thời gian nào cho họ tiếp xúc với xã hội, với cuộc sống bên ngoài lớp học, để thực hành, trau dồi kỹ năng tối thiểu của con người.

Đã thế, đáng lo sợ thay, xã hội bây giờ đang báo động đỏ vấn nạn tội phạm vị thành niên, bạo lực học đường…

Vậy thì ai đã sai ở đây? Rõ ràng, đó là trách nhiệm của mỗi người lớn, của toàn xã hội, của nhà trường, của gia đình, của các thày cô giáo rồi.

Rõ ràng, người lớn phải tìm cách thay đổi hiện trạng này rồi.  

Phải làm sao để mỗi ngày đến trường của trẻ con là một ngày vui; làm sao để học sinh ngày nay không bị “biến thành chuột bạch”, thành "con tin của nền giáo dục" (chữ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại), phải làm sao để con trẻ được sống hạnh phúc từng ngày của tuổi thơ! (Trẻ con rất xứng đáng và có quyền được hưởng điều đó).

Khó thay, mà cần kíp lắm thay! Phải không Cò!

Thanh Vĩnh