Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ 4 động lực để thành công

23/04/2019 06:49
Vũ Ninh
(GDVN) - Hơn 1200 học sinh của ngôi trường 43 năm tuổi đời chăm chú nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những kiến thức trong học tập và cuộc sống.

Ngày 22/04/2019, báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ; Trường Trung học Phổ thông Phong Châu tổ chức buổi hội thảo: "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0".

Trường Trung học Phổ thông Phong Châu là ngôi trường có bề dày truyền thống 43 năm xây dựng và phát triển.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ 4 động lực để thành công ảnh 1Không học đại học con đi du học hoặc xuất khẩu lao động có được không thầy?

Đến nay trường đã có 30 lớp với 1240 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên hơn 80 thầy cô.

Không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thành tích giảng dạy và học tập của trường cũng rất ấn tượng:

Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng những năm gần đây trên 70%; Trường nằm trong top 200 trường có điểm thi đại học cao nhất trong toàn quốc;

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt được nhiều thành tích cao.

Trở lại buổi hội thảo, mặc dù điều kiện thời tiết nắng nóng nhưng hơn 1200 học sinh của trường cấp 3 Phong Châu vẫn rất trật tự và chăm chú lắng nghe từng lời chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Nhiều bài học, triết lý sống được vị Giáo sư đáng kính lồng ghép qua những câu chuyện dung dị và gần gũi.

Suốt gần 3 tiếng đồng hồ Giáo sư đã cung cấp những kiến thức cơ bản để giúp các em học sinh có thể hiểu được bản chất của "cuộc cách mạng long trời lở đất 4.0".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền lửa cho các em học sinh trường Trung học Phổ thông Phong Châu (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng truyền lửa cho các em học sinh trường Trung học Phổ thông Phong Châu (Ảnh: Vũ Ninh)

Cùng với đó là những thách thức và cơ hội đặt ra cho các em trong bối cảnh cách mạng 4.0: Máy móc đang dần thay thế sức lao động của con người; điện toán đám mây; công nghệ in 3D; cơ hội trở thành công dân toàn cầu; lợi thế của công nghệ thông tin.

Em Nguyễn Thị Hương hào hứng với câu chuyện về chàng thanh niên Trịnh Văn Mười (Mười Bơ) đã thay đổi cả bộ mặt Tây Nguyên bằng cây bơ.

Hương cũng đang ấp ủ nguyện vọng theo đuổi ngành sinh vật học. Những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng như tiếp thêm lửa để em vững tin vào con đường mình đã chọn.

"Buổi hội thảo rất bổ ích vì cung cấp cho chúng em nhiều kiến thức quý báu. Bản thân em rất hâm mộ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói riêng và gia đình khoa bảng Giáo sư Nguyễn Lân nói chung.

Ngày hôm nay được gặp thầy ngoài đời thực như thế này là một niềm may mắn đối với chúng em".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho giáo viên trường cấp 3 Phong Châu (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách cho giáo viên trường cấp 3 Phong Châu (Ảnh: Vũ Ninh)

Tâm trạng hân hoan và say mê của Hương cũng là tâm trạng chung của hơn 1200 học sinh trường cấp 3 Phong Châu.

Phần hỏi đáp giữa Giáo sư và các em học sinh diễn ra trong không khí vui tươi, sôi nổi.

Em Phạm Minh Lý học sinh lớp 10A4 hỏi: "Thưa Giáo sư, em mong Giáo sư cho biết động lực nào để Giáo sư có thể học tập và thành công như ngày hôm nay?".

Câu hỏi của Minh Lý cũng là thắc mắc chung của rất nhiều học sinh. Đáp lại, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 4 động lực chính để giúp bản thân có thể đạt được thành công:

"Tôi có 4 động lực chính để bản thân trở nên thành công. Thứ nhất là sức khỏe. Sức khỏe vô cùng quan trọng.

Việc rèn luyện sức khỏe phải bắt đầu từ những thói quen hàng ngày như tập thể dục, không sử dụng bia rượu.

Thứ hai là cái chết nhanh. Chết nhanh là không có sự dày vò của bệnh tật và không bằng mọi giá níu kéo sinh mệnh.

Tôi có người bạn viết di chúc yêu cầu gia đình không đưa đi cấp cứu. Vị ấy là một bác sĩ đáng kính người có thể biết được khi nào mình hết mệnh.

Thứ ba là ít của để dành. Của để dành nhiều lúc nào cũng phải lo nghĩ làm việc, kiếm tiền. Khi chết cũng đâu thể mang đi được.

Thứ tư là nhiều người thương tiếc. Thân sinh tôi là cụ Nguyễn Lân khi qua đời nhiều người thương tiếc, tên cụ được đặt cho một con phố".

Phần hỏi đáp sôi nổi giữa Giáo sư và các em học sinh (Ảnh: Vũ Ninh)
Phần hỏi đáp sôi nổi giữa Giáo sư và các em học sinh (Ảnh: Vũ Ninh)

Một em học sinh hỏi: "Thưa Giáo sư, làm thế nào để biết được đâu là việc mình thích đâu là việc mình đam mê và thành công với đam mê đó?".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời: "Việc đam mê hay là chỉ thích nhất thời còn phải phụ thuộc vào trí thông minh của mình.

Em có thể lên mạng hoặc nhờ cô giáo chủ nhiệm tìm hiểu về 8 trí thông minh là gì?

Tương ứng với những trí thông minh đó, bản thân em phải biết em có thế mạnh và nghiêng về trí thông minh nào?

Nếu công việc của mà em đang theo đuổi phù hợp với trí thông minh của em thì em có khả năng trở thành người tài giỏi".

Trời đổ nắng ngày càng gắt cũng không ảnh hưởng đến sự say mê truyền lửa của Giáo sư và tinh thần ham học hỏi của các em học sinh.

Không chỉ quan tâm đến tri thức và kỹ năng sống, các em học sinh trường cấp 3 Phong Châu còn liên hệ rất nhanh đến cuộc cách mạng 4.0.

Sự tự tin, mạnh dạn và tinh thần ham học hỏi không chỉ đến từ các học sinh lớp 12 mà còn đến từ nhiều học sinh lớp 10.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ 4 động lực để thành công ảnh 5Học sinh cấp 3 hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng làm sao để nhận ra cơ hội?

Em Nguyễn Thành Đạt mạnh dạn đặt ra vấn đề: Kiếm tiền từ game.

Đạt liên hệ với những streamers, youtubers nổi tiếng và thu nhập trăm triệu/ 1 tháng của họ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đánh giá đây là một câu hỏi khá thú vị. Tuy nhiên Giáo sư cũng đưa ra những lời khuyên:

"Tôi thấy rất ít những người chơi game mà kiếm được tiền.

Chủ yếu là những người làm game, lập trình game thì có thu nhập rất tốt.

Việc chơi game mà có tiền chỉ đến từ một số nhỏ nhưng phải chơi thật giỏi. Ngoài ra các em cũng nên bảo vệ sức khỏe của mình, tránh chơi game thâu đêm suốt sáng rất có hại".

Em Trần Đức Huy học sinh lớp 10A4 liên hệ từ quan điểm : "Học để trở thành người tự do" của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Em đặt câu hỏi: "Thưa Giáo sư có thể cho biết thu nhập cũng như điều kiện để đi xuất khẩu lao động?".

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng học để trở thành con người tự do. Trong đó có sự tự do về lựa chọn.

Giáo sư diễn giải đại học không phải là con đường và cái đích duy nhất mà người học hướng đến:

"Các em có thể đi xuất khẩu lao động nếu như cảm thấy việc thi và học đại học là không cần thiết.

Điều kiện để đi xuất khẩu lao động phải dưới 30 tuổi, có đủ sức khỏe và biết một ngoại ngữ ở trình độ A.

Hiện nay có rất nhiều thị trường lao động tiềm năng nhưng tôi khuyên các em nên học tiếng Nhật và đi lao động tại Nhật Bản".

Tập thể giáo viên, cán bộ chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Vũ Ninh)
Tập thể giáo viên, cán bộ chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Vũ Ninh)

Gần 3 tiếng đồng hồ có mặt tại trường Trung học Phổ thông Phong Châu, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giải đáp trọn vẹn nhiều thắc mắc của học sinh.

Những câu chuyện về các tấm gương như Mười Bơ, tỷ phú Lê Văn Xê, chị Lê Thị Thắm giải Nhất tỉnh Thanh Hóa viết chữ đẹp mặc dù không có cánh tay, anh Trần Hồng Giang bị bại liệt nhưng vẫn tự học tiếng Anh và trở thành biên dịch viên….

Những câu chuyện trên đã thắp lửa, gieo đam mê và sự tự tin vào trong lòng các em học sinh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trăn trở: "Các em phải tự hỏi bản thân mình tại sao có những người khuyết tật, những người ít học họ lại làm được và trở nên thành công còn mình lành lặn, được ăn học lại không được như họ?".

Giáo sư cũng hy vọng thông qua buổi hội thảo ngày hôm nay các em học sinh sẽ tìm được cho mình câu trả lời lớn nhất trong đời: Học để làm gì?

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Mọi chi phí hội thảo do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Vũ Ninh