Giáo viên Tiểu học gửi 7 vấn đề tới Hội đồng quốc gia giáo dục

03/05/2017 09:21
Vũ Hoàng Sơn
(GDVN) - Nhiều quy định hiện nay đặc biệt ở bậc Tiểu học đã gây ra sự bất hợp lí trong giáo viên, tạo ra sức ì giữa các giáo viên.

LTS: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 26 thành viên với nhiệm vụ tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết về sự nghiệp đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nhân lực.

Chỉ đạo hoàn thiện và triển khai các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ giáo dục quốc gia, chiến lược phát triển giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chiến lược và quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, quyết định các chính sách, biện pháp quan trọng phát triển giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và phát triển nhân lực; nghiên cứu, tư vấn, góp ý kiến về việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, đề án quan trọng thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và những vấn đề chuyên môn khác do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Thông qua Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn (giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) xin gửi gắm tới Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực 7 vấn đề mà theo thầy, ngành giáo dục sớm giải quyết để chất lượng đạt hiệu quả cao nhất. 

Tòa soạn giới thiệu cùng độc giả ý kiến của thầy. 


Thứ nhất, lương tương xứng với sức lao động


Hiện nay, lương của giáo viên đang được cào bằng, do đó chưa tạo được động lực để giáo viên phấn đấu và cống hiến hết mình cho nền giáo dục nước nhà. 

Cụ thể, trong nhà trường, nhiều giáo viên có tâm huyết, luôn nỗ lực phấn đấu tham gia các cuộc thi từ cấp trường đến cấp Quốc gia, đạt được nhiều thành tích trong các phong trào. 

Giáo viên Tiểu học gửi 7 vấn đề tới Hội đồng quốc gia giáo dục ảnh 1
Nên bỏ hoàn toàn việc yêu cầu giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm mà thay vào đó là khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Ngoài ra, trong các công tác của nhà trường, giáo viên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mọi hoạt động từ nhỏ đến lớn đều tích cực để hoàn thành nhưng khi lĩnh lương cũng chỉ bằng với một giáo viên chỉ biết đến trường, hoàn thành các bài dạy, đến lớp và ra về đúng giờ. 

Chính điều này đã gây ra sự bất hợp lí trong giáo viên, tạo ra sức ì giữa các giáo viên.

Thứ hai, bậc Tiểu học cần có bậc lương dành cho giáo viên có trình độ sau đại học


Theo Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 03/11/2015 thì mức lương và cách tính lương giáo viên tiểu học được quy định rất chi tiết và rõ ràng. 

- Giáo viên tiểu học hạng II

Giáo viên Tiểu học gửi 7 vấn đề tới Hội đồng quốc gia giáo dục ảnh 2

Thư thỉnh cầu 9 điểm gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Giáo viên tiểu học hạng II (có mã số là V.07.03.07) đây là những giáo viên tốt nghiệp đại học Sư phạm tiểu học (không phân biệt đại học chính quy hay liên thông Đại học sư phạm Tiểu học) hoặc đại học sư phạm có cùng chuyên môn, giáo viên có trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc, có trình độ tin học đạt chuẩn. 

Đồng thời có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng II thì áp dụng cách tính lương giáo viên tiểu học theo hệ số lương viên chức A1 với hệ số là từ 2,34 đến 4,98.

- Giáo viên tiểu học hạng III

Với giáo viên tiểu học hạng III (có mã số: V.07.03.08) đây là những giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học (cũng không phân biệt liên thông hay chính quy) hoặc cao đẳng sư phạm có cùng chuyên môn, giáo viên có trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc, có trình độ tin học đạt chuẩn, và có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tiểu học hạng III thì sẽ áp dụng cách tính lương giáo viên tiểu học theo hệ số lương viên chức loại A0 với hệ số là từ 2,10 đến 4,89.

- Giáo viên tiểu học hạng IV

Với giáo viên tiểu học hạng IV (có mã số: V.07.03.09) đây là giáo viên tốt nghiệp Trung cấp Tiểu học hoặc trung cấp sư phạm có cùng chuyên môn, giáo viên có trình độ ngoại ngữ bậc 1, có trình độ tin học cơ bản thì sẽ áp dụng cách tính lương giáo viên tiểu học theo hệ số lương viên chức loại B với hệ số là từ 1,86 đến 4,06.

Thế nào là giáo viên chủ nhiệm giỏi?

Với những giáo viên tiểu học có thâm niên trong nghề thì ngoài mức lương được nhận sẽ nhận được phụ cấp thâm niên và 1 số hỗ trợ khác.

Như vậy, hệ số lương hiện nay của giáo viên Tiểu học chưa có khung bậc lương dành cho giáo viên có trình độ sau đại học. Mặc dù, đã có không ít giáo viên đang rất nỗ lực để nâng cao trình độ học vấn đáp ứng yêu cầu đổi mới ngày càng cao của xã hội và của ngành.

Bên cạnh đó có rất nhiều giáo viên đã học nâng chuẩn từ cao đẳng lên đại học vẫn chưa được chuyển ngạch lương kịp thời, gây nhiều thiệt thòi cho giáo viên. 

Tất cả những điều này đã khiến cho nhiều giáo viên nản chí và không thích học nâng cao trình độ chuyên môn. 

Thứ ba, về sáng kiến kinh nghiệm


Giáo viên muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm điều này đã làm cho “phong trào” làm sáng kiến kinh nghiệm nở rộ. 

Đã là “phong trào” thì nhiều cán bộ quản lí và giáo viên không có chuẩn bị, không đầu tư nghiên cứu, không đúc kết cũng như đưa vào áp dụng thực tiễn để đánh giá tính khả thi của sáng kiến kinh nghiệm. Cán bộ quản lí và giáo viên chỉ thực sự lao vào “làm sáng kiến” khi thời hạn nộp đã cận kề. 

Nhiều người cóp nhặt ở đâu đó trên mạng hoặc của đồng nghiệp rồi ghép chỗ này, chỗ kia để thành sáng kiến của mình nộp cho nhà trường. 

Giáo viên Tiểu học gửi 7 vấn đề tới Hội đồng quốc gia giáo dục ảnh 3

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính

Chính vì vậy, hầu hết những sáng kiến mà họ đưa ra đâu phải do đầu tư nghiên cứu, trăn trở từ thực tế nên chẳng ai có thể “áp dụng” vào thực tiễn.

Trong khi đó, các sáng kiến kinh nghiệm được công nhận từ cấp trường đến cấp quận cũng không công bố, phổ biến rộng rãi trong hội đồng nhà trường để các giáo viên khác học tập và thực hiện.

Chưa nói đến khả năng đánh giá sáng kiến kinh nghiệm tại đơn vị. Trước khi nộp về phòng giáo dục, nhà trường tổ chức chấm sáng kiến kinh nghiệm cấp trường, các thành viên trong hội đồng bao gồm: Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn.
 
Bản thân những thành viên trong hội đồng cấp trường cũng không đủ khả năng để có thể đánh giá tính khoa học, tính chính xác của một sáng kiến kinh nghiệm. 

Vì vậy sự sai lệch về điểm số của sáng kiến kinh nghiệm cũng là điều đáng nói: Ban giám hiệu luôn được điểm tối đa, kế đó là các tổ trưởng chuyên môn và sau cùng mới đến những giáo viên còn lại. 

Với cách làm như hiện nay, theo tôi nên bỏ hoàn toàn việc yêu cầu giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm mà thay vào đó là khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học, các sản phẩm phục vụ thiết thực cho công tác dạy và học hoặc tham gia viết bài trên các tạp chí chuyên ngành. 

Thứ tư, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm


Theo thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT về Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục, điều 3 mục 3 để đạt Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, Bằng khen Bộ trưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các hạng phải đạt từ 70% số phiếu đồng ý trở lên tính trên tổng số người tham gia họp hoặc được xin ý kiến.

Dù đây là cuộc bỏ phiếu kín nhưng thực tế đều có lợi ích cá nhân và có phần “cảm tính” từ người bỏ phiếu, những ai “cùng hội cùng thuyền”, “cùng nhóm” thì được tín nhiệm. 

Ngược lại, nếu “không cùng thuyền”, có ý kiến “trái chiều” hoặc không làm “vừa lòng” các thành viên trong Liên tịch nhà trường đều sẽ bị đánh dấu vào ô “không tín nhiệm”. 

Chính điều này đã gây mất đoàn kết trong tập thể, một số giáo viên tuy có thành tích nhưng không thể đạt được các danh hiệu trong ngành giáo dục từ việc bỏ phiếu tín nhiệm mang đậm “tính cách cá nhân”. 

Thử hỏi, nếu giáo viên không được công nhận các thành tích của họ thì liệu ngành giáo dục có bước đột phá hay không?

Thứ năm, tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ

Thực tế hiện nay, các giáo viên muốn được đi học nâng cao trình độ đều gặp rất nhiều những khó khăn nào là thời gian, nào là chưa được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện cho giáo viên được đi học vì những lí do rất đơn giản: không có giáo viên dạy thay, cấp tiểu học chưa cần giáo viên phải có trình độ sau đại học,…

Thứ sáu, về chất lượng giáo dục


Theo Thông tư 22 - Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học, trong đó điều 4 có ghi “Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan.”

Giáo viên Tiểu học gửi 7 vấn đề tới Hội đồng quốc gia giáo dục ảnh 4

Sáng kiến của giáo viên: Cần giảm số lượng ngay cho đỡ tốn kém!

Nhưng ngay từ đầu năm học, các trường đều đưa ra quy định về việc trừ điểm thi đua giáo viên.

Cụ thể như sau: mỗi học sinh có điểm kiểm tra cuối kì dưới trung bình bị trừ 0,5 điểm (trích Quy ước thi đua của một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh).

Chính vì giáo viên sợ ảnh hưởng đến xếp loại của cá nhân nên bắt buộc phải tìm cách để học sinh được lên lớp.

Do đó, xảy ra tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp như hiện nay và tạo ra “chất lượng ảo” trong giáo dục. 

Thứ bảy, cần giải quyết việc giáo viên với “trăm việc không tên”

Đối với giáo viên ngoài công việc giảng dạy họ còn phải làm quá nhiều việc. Nào là, sau thời gian đứng lớp, các thầy cô còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, nhận xét học sinh, tham gia các phong trào, các cuộc thi, họp hành (họp liên tịch, họp tổ chuyên môn, họp đột xuất theo yêu cầu của Ban giám hiệu)...

Nhưng khi đến lớp, nhà trường hoặc Đội Thiếu niên Tiền phong có các phong trào thì giáo viên kiêm luôn công việc kế toán, thủ quỹ như thu tiền Nụ cười hồng, Nuôi heo đất, Kế hoạch nhỏ, tiền học sinh đăng kí tham quan ngoại khóa,… tất cả đều phải làm. 

Thử hỏi, với “hàng trăm việc không tên” như vậy liệu có vừa sức với giáo viên hay không? Học sinh cảm thấy như thế nào và đánh giá giáo viên ra sao khi đến lớp là giáo viên yêu cầu đóng tiền?

Vũ Hoàng Sơn