Giáo viên cũng khó mà hiểu được ngôn ngữ trong sách của GS.Hồ Ngọc Đại

29/09/2016 08:44
Thùy Linh
(GDVN) - Sách giáo khoa, ngoài xác định đường hướng sư phạm đúng thì ngữ liệu cực kỳ quan trọng, mà để đạt được nguyên lý đưa ra thì cần quá trình chọn lọc.

LTS: Khi đọc bộ sách Tiếng Việt lớp 1 – chương trình Giáo dục công nghệ của GS.Hồ Ngọc Đại đang được phổ cập ở hơn 40 tỉnh thành, ngày 28/9/2015, tác giả Trần Hương Giang đã gửi thư tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bức thư này chứa nhiều nước mắt và sự lo lắng cao độ cho tương lai của trẻ em, tòa soạn đã đăng tải nguyên văn bức thư trong bài viết “Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?”.

Đến nay, thêm một năm học mới nữa đã bắt đầu nhưng mối lo ấy không hề giảm đi mà còn tăng cao hơn.

Trước vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi - Nguyên trưởng khoa Tiếng Nga, trường Đại học Hà Nội xung quanh bộ sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Phóng viên: Ông nhận định như thế nào về chương trình công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại?

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi: Tôi đã từng viết bài phản biện Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại. Nhìn chung, đây là một quan điểm giáo dục tiên tiến, phù hợp xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới, bắt đầu ở nhiều nước từ cuối TK XIX – đầu XX. 

Theo quan điểm này, mục tiêu của giáo dục hiện đại, của nhà trường hiện đại, của bài học hiện đại không phải là truyền thụ tri thức kinh nghiệm có sẵn mà là dẫn dắt trẻ em từng bước bằng “việc làm” (thao tác với đối tượng cụ thể) để từ đó chúng tự tìm ra những kiến thức, những khái niệm khoa học trừu tượng. 

Qua đó phát triển tư duy sáng tạo làm công cụ tự chiếm lĩnh kiến thức. Đó chính là tự học để tự phát triển các “năng lực người” của chính mình. 

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (Ảnh: Thùy Linh)
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (Ảnh: Thùy Linh)

Mục tiêu Công nghệ giáo dục quy định cấu trúc và nội dung bài học nhất quán trong bộ sách giáo khoa của GS.Hồ Ngọc Đại tuân thủ nguyên tắc: “Thầy thiết kế - trò thi công”. 

Công nghệ có nghĩa là “chuỗi việc làm” trên lớp, từng bước thiết kế của thầy và thi công của trò được miêu tả và hướng dẫn làm rất cụ thể, dễ hiểu để trẻ thông qua hoạt đông tự phát hiện ra kiến thức nhờ đó rèn luyện tinh thần tự học để trẻ học suốt đời.

Quá trình học trở nên sinh động, thú vị nữa.

Đó là ưu điểm nổi bật của bộ sách giáo khoa này.

Ưu điểm của Công nghệ giáo dục là vậy nhưng nhiều phụ huynh lại lo lắng khi trẻ em học chương trình này, theo ông, nhược điểm mà bộ sách này gặp phải là gì?

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi: Theo tôi đó là một khó khăn khách quan trong thực hiện đường hướng sư phạm tiên tiến và một nhược điểm chủ quan của bộ sách.

Thứ nhất, về khó khăn khách quan khiến chúng tôi vẫn băn khoăn, và phụ huynh thì lo lắng đó là sau mỗi cấp học, học sinh Công nghệ giáo dục sẽ ở trong mối tương quan thế nào với học sinh học theo quy trình truyền thống vẫn đang cố gắng “đổi mới căn bản và toàn diện”? 

Giáo viên cũng khó mà hiểu được ngôn ngữ trong sách của GS.Hồ Ngọc Đại ảnh 2

Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?

(GDVN) - Những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục hãy xem xét lại nội dung của chương trình Giáo dục công nghệ trước khi áp dụng trên diện rộng như hiện nay.

Nói là “khó khăn khách quan”, vì Nhà nước, cụ thể là Bộ GD&ĐT chưa cùng các chuyên gia của Công nghệ giáo dục này đưa ra những chuẩn cụ thể sau mỗi cấp học về các kiến thức và kỹ năng cần đạt được, tiếp cận giáo dục hiện đại về triết lý giáo dục chứ không phải chỉ về các thiết bị đắt tiền. 

Theo nhận thức của tôi, Bộ chỉ cần quản lý điều đó – tức các chuẩn đầu ra của từng cấp, còn dạy và học theo  chương trình-giáo trình nào, nên để cho nhà trường và giáo viên quyết định. 

Ở các nước tiên tiến, ngay cho cấp tiểu học đã có đến 5-6 chương trình khác nhau mà phụ huynh phải cùng các chuyên gia tư vấn lựa chọn cái phù hợp nhất cho con em mình. 

Chừng nào chưa có những bộ chuẩn như vậy thì nền giáo dục nước nhà còn gặp khó khăn trong quá trình hội nhập giáo dục thế giới hiện đại. 

Thứ hai, về nhược điểm của bộ sách này, cũng là chung cho những bộ sách giáo khoa đang trong quá trình thử nghiệm, theo quan điểm riêng của chúng tôi, đó là vấn đề tài liệu sư phạm được chọn lọc và ngôn ngữ dùng trong sách. 

Tài liệu sư phạm phải được chọn lọc phù hợp tâm lý lứa tuổi và các chuẩn mực giáo dục – điều này không phải làm được ngay một lúc, tài liệu thì đầy, nhưng những ai đã biên sách giáo khoa đều biết: lựa chọn được ngữ liệu hay phù hợp với mục đích sư phạm đâu phải dễ dàng, cho nên sách giáo khoa còn phải chỉnh sửa trong 5 – 7 năm! 

Ngôn ngữ trong sách của GS.Hồ Ngọc Đại lại hơi quá đà.

Giáo viên cũng khó mà hiểu được ngôn ngữ trong sách của GS.Hồ Ngọc Đại ảnh 3

Bênh thầy Hồ Ngọc Đại, giáo viên trường Thực nghiệm lên tiếng

(GDVN) - Sau nhiều ý kiến trao đổi từ bạn đọc, tòa soạn đã nhận được ý kiến trao đổi của thầy cô giáo trường Thực nghiệm về Chương trình Công nghệ giáo dục mới.

Có thể GS. Hồ Ngọc Đại ủng hộ quan điểm ngôn ngữ trong sách giáo khoa phải như trong đời thường. 

Nhưng theo tôi, ngôn ngữ trong sách giáo khoa phải chuẩn, vậy mà ngôn ngữ trong sách của GS.Hồ Ngọc Đại quá đời thường khiến giáo viên không hiểu được huống hồ trẻ con. 

Do đó, bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện trong quá trình thử nghiệm.

Đối với sách giáo khoa ngoài xác định đường hướng sư phạm đúng thì ngữ liệu cực kỳ quan trọng, mà để đạt được nguyên lý đưa ra thì cần quá trình chọn lọc.
 
Do vậy, việc phụ huynh phàn nàn về chương trình là tất yếu, những người làm sách cần tỉnh táo để khắc phục.

Bởi ngữ liệu chỉ có thể hoàn thiện qua quá trình thực tế.
 
Xin trân trọng cảm ơn Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi.

Thùy Linh