Giáo viên đâu chỉ có mình áp lực hồ sơ sổ sách

14/04/2019 06:22
MAI CÔNG TÌNH
(GDVN) - Nhiều giáo viên do chịu nhiều áp lực mà sinh ra chán nản, nản chí không còn muốn cống hiến hết sức lực của mình cho sự nghiệp.

LTS: Không chỉ chịu gánh nặng từ nhiều hồ sơ, sổ sách, giáo viên còn phải chịu đựng nhiều những áp lực khác.

Trong bài viết này, nhà giáo Mai Công Tình sẽ chỉ ra những áp lực đó.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường.

Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm áp lực cho giáo viên. Việc làm này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của giáo viên cũng như cán bộ quản lý.

Tuy nhiên từ thực tiễn giáo dục hiện nay có thể thấy giáo viên không chỉ có mình áp lực về hồ sơ sổ sách mà còn đang phải chịu nhiều áp lực khác.

Đầu tiên đó là áp lực về thành tích, đặc biệt đối với các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Đầu năm học khi đăng kí thi đua, các nhà trường đăng kí thi đua với Phòng Giáo dục và Đào tạo thường đăng kí ở mức cao như: lao động tiên tiến, cờ thi đua, bằng khen các cấp…

Biếm họa bệnh thành tích, nguồn: thethaovanhoa.vn.
Biếm họa bệnh thành tích, nguồn: thethaovanhoa.vn.

Để đạt được các tiêu chí thi đua này các nhà trường lại cho giáo viên, các tổ chuyên môn đăng kí danh hiệu thi đua cá nhân trong năm học.

Tuy nhiên do các quy định về thi đua nên để đạt được thành tích chung của nhà trường các giáo viên cũng phải đạt được các mức tương ứng.

Chẳng hạn như để đạt trường chuẩn quốc gia giai đoạn 1 phải có từ 20% giáo viên dạy giỏi từ cấp huyện trở lên, học sinh cũng phải mỗi trường có ít nhất 50% tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục khá, giỏi, trong đó có 15% là loại  giỏi…

Do vậy dù có nhiều giáo viên không muốn nhưng vì thành tích chung của nhà trường nên cũng phải đi thi và bằng mọi cách để đạt được thành tích theo chỉ tiêu đã đăng kí.

Còn để có tỉ lệ học sinh đạt yêu cầu nhiều nhà trường đã giao khoán cho từng giáo viên trong năm học phải dùng mọi biện pháp để có kết quả như thế.

Nếu không đạt được chỉ tiêu đã đăng kí sẽ bị hạ thi đua, không được xét tăng lương trước hạn…Vì áp lực thành tích mà nhiều giáo viên đã cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.

Giáo viên đâu chỉ có mình áp lực hồ sơ sổ sách ảnh 25 bất cập giáo dục tại cơ sở, Bộ cần có biện pháp mạnh

Ngoài áp lực thành tích thì nhiều giáo viên còn bị áp lực về thời gian. Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp thì nhiều công việc khác cũng làm mất rất nhiều thời gian của họ.

Do phải giảng dạy kín thời gian nên các cuộc họp ở các nhà trường thường phải thu xếp vào những buổi nghỉ trong tuần.

Trong khi đó các cuộc họp lại nhiều theo quy định. Rồi thời gian tham gia tập huấn, dự giờ đồng nghiệp, tham gia hoạt động tập thể… Tối về giáo viên lại còn bận bịu với soạn bài, chấm bài đã làm cho giáo viên gần như không có ngày nghỉ.

Một áp lực nữa đó là áp lực về kinh tế. Với đồng lương của mình thì một gia đình mà cả hai vợ chồng đều là giáo viên nếu phải nuôi con nhỏ nữa thì cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy nhiều giáo viên đã tranh thủ làm thêm nhiều việc khác để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, như đã nói trên do áp lực thời gian dành cho chuyên môn và các việc liên quan chiếm thời gian nhiều nên để làm thêm được việc khác cũng gây nhiều khó khăn cho họ.

Hơn nữa đôi khi vì quá chú tâm đến việc kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống nên nhiều người đã xao nhãng chuyên môn gây ảnh hưởng đến chất lượng lên lớp.

Không chỉ có áp lực trong nhà trường, người giáo viên đôi khi còn phải chịu nhiều áp lực từ phía ngoài xã hội.

Từ xưa đến nay người thầy giáo, nghề giáo luôn được mọi người trong xã hội đặc biệt coi trọng. Nhưng cũng chính vì thế người thầy giáo, nghề giáo cũng luôn được đòi hỏi cao.

Mọi cử chỉ hành động, lời ăn tiếng nói đều phải chuẩn mực để mọi người nhìn vào và noi theo.

Vì vậy họ luôn phải giữ gìn hình ảnh của mình. Không những vậy, hiện nay nhiều gia đình do công việc đã gần như “giao khoán” con em mình cho nhà trường, cho giáo viên.

Để rồi khi kết quả giáo dục không được như kì vọng thì người thầy giáo cũng là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Nhiều giáo viên do chịu nhiều áp lực mà sinh ra chán nản, nản chí không còn muốn cống hiến hết sức lực của mình cho sự nghiệp. Nó giống như một tảng đá nặng đang kéo người ta xuống vực sâu.

Vì vậy mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp lãnh đạo và toàn xã hội hãy cùng tháo gỡ, cởi bỏ được các áp lực hữu hình cũng như vô hình đang đè nén người thầy giáo.

Có như vậy chất lượng giáo dục của chúng ta mới thực sự đi lên và người giáo viên mới thực sự yên tâm công tác và cống hiến.

MAI CÔNG TÌNH