Giáo viên phải làm gì để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới? (4)

01/01/2019 02:09
Tấn Tài
(GDVN) - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên phải nắm vững kiến thức kỹ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, dạy học phân hóa, dạy học tích hợp.

Đó là quan điểm của Giáo sư Nguyễn Văn Minh và các nhóm nghiên cứu trường Đại học sư phạm Hà Nội khi đề cập đến: những yêu cầu và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Giáo viên phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong chương trình giáo dục phổ thông mới. (trong ảnh: giáo viên ở Đà Nẵng lựa chọn nhiệm sở sau kỳ thi tuyển).
Giáo viên phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe trong chương trình giáo dục phổ thông mới. (trong ảnh: giáo viên ở Đà Nẵng lựa chọn nhiệm sở sau kỳ thi tuyển).

Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì vai trò của người giáo viên cũng có những thay đổi theo hướng đảm nhận nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn.

Giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức.

Coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học, tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông

Yêu cầu hợp tác làm việc với đồng nghiệp chặt chẽ hơn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong các quan hệ xã hội, với cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức xã hội khác...

“Yêu cầu đối với một nhà giáo mới là phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản vai trò của họ”, Giáo sư Minh nêu.

4 vai trò chủ yếu của giáo viên

Cũng theo Giáo sư Minh, để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, giáo viên phải có những vai trò chủ yếu cụ thể sau:

Thứ nhất, giáo viên là nhà giáo dục. Điều này khẳng định vai trò của của nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội và phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy và năng lực hành động trên những luận cứ khoa học và nhân văn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp những thách thức nào? (2)

Ở đây, nhấn mạnh đến hoạt động chuyên biệt trong nghề nghiệp của giáo viên. Giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục với hai nhiệm vụ cốt lõi, giáo dục và giáo dưỡng.

Điều này nhấn mạnh trách nhiệm trang bị cho học sinh kiến thức, cách học để học sinh không ngừng phát triển nhận thức, trí tuệ, có thế giới quan khoa học.

Đồng thời, tạo ra những cơ hội hoạt động và giao lưu trong đời sống lớp học, nhà trường và trong cộng đồng để xây dựng sức khỏe thể chất và tinh thần, những xúc cảm và kỹ năng cần thiết, cơ bản cho nhân sinh quan và thế giới quan.

Thứ hai, giáo viên là người học suốt đời. Mục đích là để nâng cao hiểu biết về xã hội và khoa học trong các lĩnh vực công tác của mình, vừa phát triển năng lực cá nhân và năng lực nghề nghiệp của bản thân để ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh.

Mặt khác, sự phát triển thành thạo nghề sẽ mang lại cho chính giáo viên sự hài lòng, thỏa mãn, tự tin và được sự tín nhiệm.

Năng lực tự học của giáo viên như một chuyên gia trong lĩnh vực học để tự bồi dưỡng và hướng dẫn học sinh, người khác học tập.

Thứ ba, giáo viên là một người nghiên cứu. Giáo viên chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục.

Nói cách khác, giáo viên là người lao động sáng tạo, xây dựng những kiến thức mới về nghề trên cơ sở quan sát, phân tích, suy ngẫm và tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục và hoạt động nghề nghiệp của bản thân và tập thể sư phạm của nhà trường.

Thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa: Cần lường trước khó khăn (3)

Thứ tư, giáo viên là nhà văn hóa  - xã hội. Điều này nhấn mạnh trách nhiệm đóng góp của giáo viên trong cộng đồng nơi cư trú và cộng đồng địa phương, nơi trường đóng như một công dân có ý thức trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa và gương mẫu trong tác phong, lối sống lành mạnh, giản dị và thiện chí.

Nói cách khác, giáo viên sẽ tự giác tham gia vào các phong trào xây dựng văn hóa của địa phương và động viên gia đinh, hàng xóm tham gia.

Giáo viên phải dạy học phân hóa hoặc tích hợp

Để có được vai trò trên, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Minh cũng chỉ ra rằng, giáo viên phải có được các giá trị cốt lõi. 

Giá trị cốt lõi được thể hiện ở ba khía cạnh: Tin tưởng vào khả năng có thể thay đổi của mọi học sinh.

Điều này thể hiện lòng nhân ái, thiện chí và sự lạc quan cần thiết của người làm công việc tiếp xúc với các trẻ em có những sự khác nhau ở hoàn cảnh và khả năng. Có trách nhiệm nâng đỡ, thúc đẩy sự phát triển của những trẻ em đó.

6 lưu ý quan trọng trước khi dạy 2 môn tích hợp

Tin tưởng, khát khao về khả năng tác động sư phạm của bản thân. Nó thể hiện sự tự tin, niềm tin vào khoa học sư phạm và quyết tâm hoàn thiện năng lực sư phạm bản thân.

Mong muốn xây dựng xã hội văn minh vì con người. Điều này thể hiện ý thức trách nhiệm xã hội và nguyện vọng cải tiến, đổi mới thực tại cho tốt hơn với toàn xã hội nói chung và những người mà mình quan tâm.

Để có được vai trò nói trên, với chức năng mới, người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục, có phẩm chất nhân cách tốt đẹp để giáo dục học sinh bằng nhân cách của mình.

Có năng lực giáo dục biểu hiện ở năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục.

Có năng lực dạy học biểu hiện ở việc nắm vững kiến thức kỹ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, dạy học phân hóa, dạy học tích hợp các khoa học.

Có năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Có năng lực tự phát triển nghề nghiệp bằng tự học, tự nghiên cứu.

Có năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề giáo dục bằng nghiên cứu khoa học. Đó chính là những lĩnh vực cấu thành phẩm chất nghề nghiệp của người giáo viên trong nhà trường phổ thông hiện đại.

Tấn Tài