Giáo viên "phát điên phát rồ" vì các loại cuộc thi

04/05/2015 07:19
Đỗ Quyên
(GDVN) - Càng những trường có "danh tiếng” mật độ tổ chức các cuộc thi càng nhiều bởi như thế mới chứng tỏ “đẳng cấp" và góp phần “làm đẹp” báo cáo thành tích.

LTS: Thêm một bài viết về những vấn đề giáo dục của cô giáo Đỗ Quyên, gửi từ một trường tiểu học ở Nam Trung Bộ đến tòa soạn.

Cô giáo tâm sự chuyện người thật, việc thật về những cuộc thi trong giáo dục và đặt ra câu hỏi “Đến bao giờ mới chấm dứt những việc làm hình thức này, để thầy cô toàn tâm toàn ý vào dạy còn các em chỉ lo chuyên tâm vào học”?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này.

Giáo viên ngày càng “bội thực” với các cuộc thi. Một thực tế cho thấy các cuộc thi của giáo viên, học sinh được tổ chức trong năm học đang lấy hết quỹ thời gian dành cho việc dạy và học của cả thầy và trò. Nó là nguyên nhân gây nên sự mệt mỏi, áp lực và góp phần kéo tụt chất lượng giáo dục của nhà trường.

Càng những trường có “danh tiếng” mật độ tổ chức các cuộc thi càng nhiều bởi như thế mới chứng tỏ “đẳng cấp” hơn hẳn những trường khác và sẽ góp phần “làm đẹp” cho các báo cáo thành tích của Ban giám hiệu sau mỗi kỳ tổng kết.

Những cuộc thi “cân não” của giáo viên

Chỉ tính riêng cuộc thi dành cho giáo viên thì năm nào thầy cô cũng phải dự thi giáo viên dạy giỏi cấp trường mà tỉ lệ đậu gần như 100%. Cách tổ chức cũng bài bản nhưng không kém phần nhiêu khê như những cuộc thi ở cấp cao hơn.

Vòng một, giáo viên phải nộp sáng kiến kinh nghiệm hoặc giải pháp hữu ích (cái này chủ yếu lên mạng "copy" về). Vòng hai là bài thi năng lực trên máy tính mà nội dung phần lớn là các đường lối chủ trương chính sách của ngành (có đầy trong tài liệu mở ra chép). Vòng ba trình diễn hai tiết dạy (dạy tới dạy lui vài lần đến nhừ như cháo).

Thời gian các trường tổ chức hội thi coi như học trò cũng được “xả hơi” vì cô thầy còn bận học bài, bận chỉnh sửa sáng kiến kinh nghiệm và bận mượn lớp để dạy thử…Sau cuộc thi trường, nếu thầy cô nào được chọn đi thi cấp thị, cấp tỉnh thì việc chuẩn bị lại càng ráo riết hơn.

Chỉ tính riêng cuộc thi dành cho giáo viên thì năm nào thầy cô cũng phải dự thi giáo viên dạy giỏi cấp trường mà tỉ lệ đậu gần như 100%. Ảnh minh họa, nguồn Internet
Chỉ tính riêng cuộc thi dành cho giáo viên thì năm nào thầy cô cũng phải dự thi giáo viên dạy giỏi cấp trường mà tỉ lệ đậu gần như 100%. Ảnh minh họa, nguồn Internet

Lớp chủ nhiệm sẽ luân phiên thầy cô khác vào dạy hỗ trợ người vài tiết cho giáo viên có thời gian học bài, chuẩn bị…Sau thi giáo viên dạy giỏi đến thi chủ nhiệm giỏi. Giáo viên cũng phải trải qua những vòng thi từ cấp trường đến cấp thị, cấp tỉnh như thế…

Xong kì thi chuyên môn lại đến kì thi đồ dùng dạy học.

Những đồ dùng làm ra dù được giải hay không cũng cứ nằm im lìm trong phòng thiết bị mà ít được lấy ra sử dụng cho việc giảng dạy hàng ngày.

Bởi người làm luôn mang tâm trạng đối phó, bắt buộc hơn là sự say mê, sự cần thiết từ thực tế, vì thế sản phẩm làm ra chỉ đáp ứng yêu cầu thi cử mà ít có sự ứng dụng thiết thực.

Những cuộc thi của thầy nhưng núp bóng học trò

Vài năm trước đây, học sinh thường phải tham gia giải Toán, tiếng Anh trên mạng. Việc giúp các em qua vòng tự luyện đôi khi là thầy cô giáo tự làm.

Gần đến những vòng thi, thầy cô tải một số vòng thi các năm của các địa phương khác về hướng dẫn cho các em làm đến thuộc lòng cả đề, cả đáp án.

Nhiều em bước vào phòng thi nhưng đã thuộc làu làu một số dạng bài, có em may mắn “trúng tủ” đọc đề chưa đầy 5 phút đã đàng hoàng bước ra.

May thay năm học này, không còn tổ chức các cuộc thi Toán, tiếng Anh trên mạng nữa nhưng vẫn còn đầy những cuộc thi không chính thức như giao thông thông minh, nha học đường, ý tưởng trẻ thơ, sáng tạo thanh thiếu niên…

Nhiều em bước vào phòng thi nhưng đã thuộc làu làu một số dạng bài. Ảnh minh họa
Nhiều em bước vào phòng thi nhưng đã thuộc làu làu một số dạng bài. Ảnh minh họa

Những đứa trẻ mới ở độ tuổi 6,7 nhưng phải làm mỗi vòng thi tới 30 câu hỏi về giao thông mà đến người lớn còn lắc lư trầy trật. Đã giao chỉ tiêu về lớp, về trường, thầy cô chủ nhiệm nào dám không cho học sinh tham gia?

Thế rồi ở trường không có thời gian, máy móc không đủ đáp ứng, đêm về cô thầy tự làm thay các em. Đến vòng thi, học sinh đàng hoàng ngồi thi đôi khi có sự hỗ trợ của giáo viên coi thi để giúp các em qua vòng.

Mệt mỏi hơn cả có lẽ là cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng”. Cả năm phát động không có được một sản phẩm nào mang nộp nhưng giáo viên sợ quy trách nhiệm: “không đôn đốc các em tham gia, làm công tác chủ nhiệm không tốt…”.

Giáo viên "phát điên phát rồ" vì các loại cuộc thi ảnh 3

Con giáo viên: "Con không muốn nghèo như ba mẹ"

(GDVN) - Nhiều thầy cô bước ra khỏi cổng trường người làm tư vấn viên bảo hiểm, người bán hàng đa cấp, phục vụ tiệc cưới, thợ chụp hình, thậm chí là anh xe ôm...

Vì thế, thầy cô giáo phải gồng mình, “vắt óc” tìm tòi và ra sức làm. Sau đó cho một nhóm học sinh đứng tên và lên thuyết trình.

Ngoài ra còn một số cuộc thi như “Tìm hiểu biển đảo”, “Nha học đường”, “Ý tưởng trẻ thơ”…thầy cô cũng tải bài trên mạng và hướng dẫn cho các em viết để nộp. Học sinh nhỏ, viết vài trang giấy cũng mất mấy tiết học chưa xong.

Giáo viên mệt mỏi, áp lực với những cuộc thi của chính mình, những cuộc thi núp bóng học trò mà không còn nhiều thời gian dành cho việc dạy.

Học sinh cũng bị cuốn theo những cuộc thi mà biết chắc các em cũng không học được nhiều kiến thức từ những cuộc thi ấy.

Những thầy cô có tâm với nghề luôn tự hỏi: “ Đến bao giờ mới chấm dứt những việc làm hình thức này đây, để thầy cô chỉ lo chuyên tâm vào dạy còn các em chỉ lo chuyên tâm vào học”?

Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan ngênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục...viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.

Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh...); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.

Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.

Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

Đỗ Quyên