Giáo viên và tháng lương ngày Tết

17/01/2019 13:00
THANH AN
(GDVN) - Cuộc sống phía trước tất nhiên là ai cũng hy vọng nên vì thế giáo viên cũng luôn hy vọng vào những năm tháng đang tới sẽ đủ đầy hơn.

Những cán bộ, công viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì chuyện ký và nhận lương của mình hàng tháng là công việc rất bình thường.

Thế nhưng, tháng lương cận ngày Tết cổ truyền có lẽ có nhiều cảm xúc nhất đối với mọi người.

Bởi, nhìn vào bảng lương, nhìn vào số tiền mình sẽ được nhận thì nhiều người nghĩ đến những ngày đang tới với rất nhiều nỗi niềm khác nhau.

Năm nay, vì Tết Nguyên đán rơi vào những đầu tiên của tháng 2 dương lịch, chính vì thế mà các đơn vị, cơ quan nhà nước được lĩnh cả lương tháng 1 và tháng  2 cùng một lúc.

Và, trường học nơi chúng tôi đang công tác cũng vậy. Chúng tôi được lĩnh 2 tháng lương để chuẩn bị cho những ngày Tết sắp tới.

Cuộc sống giáo viên nhiều nơi còn khó khăn (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)
Cuộc sống giáo viên nhiều nơi còn khó khăn (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

Trong lúc giờ ra chơi, mấy anh em giáo viên chúng tôi đang ngồi uống nước dưới căn tin nhà trường thì cô thủ quỹ cầm bảng nhận lương đến và yêu cầu  chúng tôi ký vào để ngày mai kho bạc chuyển lương vào tài khoản.

Nói đến lương, có lẽ ai cũng có tâm trạng vui mừng bởi điều này đã thuộc về tâm lý của mỗi con người.

Vậy nhưng, ký xong rồi, trên khuôn mặt nhiều giáo viên hiện lên vẻ lo âu, căng thẳng.

Bởi, đa phần giáo viên trường chúng tôi là giáo viên có tuổi công tác trên dưới 10 năm nên lương hàng tháng chỉ dao động trong khoảng từ 4-6 triệu đồng.

Trong khi đó, đa số giáo viên đều phải vay tiền ngân hàng nên tháng nào cũng phải trừ tiền trả nợ ngân hàng qua lương. Vậy nên, dù nhận 2 tháng lương mà đa phần anh em giáo viên trong trường chỉ còn nhận được khoảng 5- 7 triệu đồng.

Ngày thường, số tiền đó dùng để chi tiêu thì cũng rất bình thường nhưng ngày Tết thành ra nhiều người đăm chiêu, nghĩ ngợi.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên Sài Gòn có tiền Tết vài chục triệu đồng

Một anh bạn đồng nghiệp ngồi kế bên chúng tôi buông lời não nề: Hôm nay mới là giữa tháng 1, vậy là giữa tháng 3 mới nhận lại lương, còn đúng 2 tháng nữa mà tôi chỉ còn có 7 triệu đồng, lại còn thêm cái Tết nữa, làm sao để trang trải cho 60 ngày đang tới đây?

Một đồng nghiệp khác cũng lên tiếng: Ông là người sở tại, Tết thì vợ chồng sang nhà nội mấy ngày, nhà ngoại mấy ngày là hết Tết, lo gì.

Tôi đây mới khổ, quê thì ở xa, Tết không về được, cha mẹ ở quê thì già yếu nên còn phải dành dụm gửi về biếu cho cha mẹ mấy đồng gọi là.

Chẳng lẽ đi cả năm, Tết không về quê được mà lại im thì còn ra cái gì nữa. Nhưng, gửi rồi, vợ chồng tôi không biết chi tiêu ra sao đây?

Vợ chồng giáo viên cả, không dạy thêm, dạy nếm, hàng tháng chỉ trông vào mấy đồng lương, Tết đến còn phải quà cáp, quần áo cho con cái, rồi mua sắm nữa.

Một anh bạn khác cũng buột miệng lên tiếng: Cũng là giáo viên mà giáo viên ở thành phố họ sống sung túc, nhà đẹp, xe đẹp, con cái học hành đàng hoàng.

Mấy hôm nay, tôi đọc báo thấy nhiều trường thưởng Tết lên đến mấy chục triệu đồng, thấy mà ham.

Bọn mình dạy ở quê khổ thật, cái gì cũng thiếu thốn, hàng tháng chỉ trông chờ vào đồng lương.

Nói ra thì người ta bảo giáo viên hay kêu ca nhưng phải công nhận một điều là anh em giáo viên trường mình khổ thật.

Nhiều người lương thì ít mà còn phải trả tiền thuê nhà hàng tháng thì không biết xoay sở ra sao? Làm thêm thì chẳng biết làm gì ở chốn miệt vườn này…

Có lẽ từ lâu rồi, câu chuyện lương giáo viên chúng ta đã được nghe rất nhiều.

Không đi làm thêm, tất cả nhà giáo chúng tôi sẽ sống bằng gì?

Thực tế vẫn có nhiều thầy cô sống ổn định được bằng đồng lương giáo viên nếu có dạy thêm hoặc có vợ hay chồng giáo viên làm ở lĩnh vực ngành nghề khá.

Nhưng, đa phần cuộc sống giáo viên hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những thầy cô đang phải công tác xa quê.

Chính vì khó khăn, lúc thì lo cưới vợ, cưới chồng, lúc thì sinh con, bệnh tật, mua xe cộ…thành ra giáo viên đa phần đều phải vay nợ ngân hàng.

Hàng tháng, chỉ còn lãnh được vài triệu tiền lương để trang trải cuộc sống một cách tằn tiện nhất có thể nhưng nhiều người vẫn thiếu trước, hụt sau.

Lương giáo viên hiện nay nếu so với một số ngành nghề khác thì có phần cao hơn một chút vì có phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp.

Các ngành nghề khác có phụ cấp công vụ nhưng có những ngành chỉ có một mình lương theo hệ số.

Nhưng, thực tế đa phần các ngành nghề khác có thêm các nguồn thu nhập khác ngoài lương.

Giáo viên thì ngoài những đồng lương ra thì chẳng có nguồn nào.

Chỉ trừ một số giáo viên dạy các môn chính, giáo viên ở thành phố thì có thu nhập thêm từ việc mở lớp dạy thêm nhưng con số này không nhiều, chỉ chiếm một tỉ lệ rất ít.

 Có lẽ vì vậy, mà tháng lương ngày Tết của giáo viên cũng thêm nhiều nỗi niềm hơn và lo toan cũng nhiều hơn.

Cuộc sống phía trước tất nhiên là ai cũng hy vọng nên vì thế giáo viên cũng luôn hy vọng vào những năm tháng đang tới sẽ đủ đầy hơn.

Cuộc sống của đa số người thầy sẽ không còn canh cánh nỗi lo ngày Tết.

THANH AN