Góc khuất của Đề án học tiếng Anh với người bản xứ

03/10/2018 07:39
Phan Nguyễn
(GDVN) - Vì sự bất minh trong tỉ lệ ăn chia giữa những người có trách nhiệm liên quan và sĩ số lớp học quá đông dẫn đến việc học của học sinh kém hiệu quả...

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết của tác giả Phan Nguyễn về những góc khuất trong Đề án học tiếng Anh với người bản xứ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011- 2020” là một chủ trương đúng đắn của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Tuy nhiên, vì sự bất minh trong tỉ lệ ăn chia giữa những người có trách nhiệm liên quan và sĩ số lớp học quá đông dẫn đến việc học của học sinh kém hiệu quả, phụ huynh mất tiền không đáng có và chỉ tạo cơ hội làm giàu thêm cho các cấp quản lí.

Học tiếng Anh với người bản xứ, miếng mồi ngon và nóng hổi!

Ngày 31/01/2012, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 448/QĐ-UBND nhằm thực hiện Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011- 2020” [1].

Có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Tuy nhiên, quá trình triển khai trong những năm qua thiếu sự thanh tra, giám sát của các ban, ngành hữu quan nên đến nay (2018), loại hình dịch vụ học tiếng Anh với người bản xứ mọc lên như nấm sau mưa [2].

Học tiếng Anh với người bản xứ là một ý tưởng tốt nhưng triển khai có nhiều bất minh ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ảnh mang tính minh họa: Sggp.org.vn
Học tiếng Anh với người bản xứ là một ý tưởng tốt nhưng triển khai có nhiều bất minh ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ảnh mang tính minh họa: Sggp.org.vn

Chúng tôi nhận thấy, Đề án này là một sân chơi gồm 4 gương mặt chính thức: Sở Giáo dục - Đào tạo, Phòng Giáo dục Đào tạo, Ban giám hiệu các trường và thỉnh thoảng có sự tham gia của lãnh đạo của một số quận, huyện.

Một sân chơi bao gồm những vị “tai to mặt lớn” như thế thì chủ trương nào mà chẳng hợp lí?!.  

Kéo theo, đó là sự khuất tất trong thu - chi, chất lượng đội ngũ giáo viên bản xứ rồi đến những hợp đồng giảng dạy, có lẽ chỉ có giáo viên trong cuộc mới rõ.

Để minh chứng cho điều này, chúng tôi xin viện dẫn một số cơ sở như sau:

Thứ nhất, về việc thu, chi: Mỗi trường hiện nay có một mức giá hoàn toàn khác nhau, thường dao động từ 100 - 300 ngàn/học sinh/tháng với thời lượng 2 tiết/tuần.

Từ con số này, chúng tôi tạm tính giá của mỗi tiết dạy vào khoảng từ 600 ngàn đồng - 1,4 triệu đồng.

Góc khuất của Đề án học tiếng Anh với người bản xứ ảnh 2Hiệu trưởng không dự giờ hết một tiết học, giám sát tiếng Anh liên kết thế nào?

Đi tìm lời giải cho vấn đề này, chúng tôi tiến hành khảo sát một số Trung tâm Anh ngữ hiện đang cung cấp nguồn cho các trường trên địa bàn Thành phố.

Trao đổi với chúng tôi, thầy B.V.H (Giám đốc trung tâm X - chúng tôi đề nghị không nêu tên - có Trung tâm đóng trên địa bàn quận Bình Tân) cho biết, mức hợp đồng với các trường có giá từ 18 - 20 USD cho một giờ dạy 60 phút.

Như vậy, theo đa số hợp đồng một giờ dạy là 60 phút chứ không phải 45 phút ở bậc phổ thông và 35 phút ở bậc tiểu học.

Chính sự nhập nhèm giữa giờ và phút là cơ hội để một số nhà quản lí đánh tráo khái niệm và ăn cắp thời gian của học sinh, ở bậc trung học là 15 phút, còn tiểu học là 25 phút.

Chúng tôi thử làm một phép toán đơn giản, sau khi ăn cắp thời gian của học sinh (từ 15-25 phút, tùy vào cấp học) và trừ hết chi phí cho giáo viên bản ngữ, giáo viên trợ giảng (người Việt) thì số tiền vẫn dôi dư khoảng 100 triệu đồng/tháng cho một trường có quy mô khoảng 2000 học sinh tham gia Đề án, chưa tính khoản chi “hoa hồng” của các trung tâm gửi lại hàng tháng. (khoản này gần như bắt buộc phải có!)

Thứ hai, về chất lượng: Đề án học tiếng Anh với người bản ngữ (tức người Anh) nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều giáo viên đến từ các cộng đồng khác nhau. Chính vì vậy nên trình độ giáo viên cũng rất chênh lệch rất nhiều [3].

Với lại, việc thẩm định năng lực của giáo viên bản ngữ cũng chỉ dừng lại ở hồ sơ, báo cáo của các cấp có thẩm quyền mà thôi.

Góc khuất của Đề án học tiếng Anh với người bản xứ ảnh 3Trường mầm non Rạng Đông dạy tiếng Anh liên kết bằng giáo viên không có hồ sơ

Từ đó, nảy sinh những mâu thuẫn nội tại như: hai trường tiểu học của hai quận cách nhau không xa nhưng lại có giá thu học phí khác nhau là 100 ngàn đồng và 170 ngàn đồng/tháng/học sinh.

Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao có sự chênh lệch xa nhau về mức thu học phí giữa các trường như vậy? Vì chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất đảm bảo, vị thế của trường, hay...?!

Thứ ba, ở mỗi lớp học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ đều có một giáo viên của trường sở tại trợ giảng.

Tùy theo mỗi nơi, mỗi mức thu và… lòng trắc ẩn của Ban giám hiệu mà những giáo viên này được trả một khoản tiền bồi dưỡng nhất định. Cá biệt, một vài trường còn cấn trừ vào tiết nghĩa vụ của giáo viên.

Thứ tư, chúng tôi có thể khẳng định, học sinh chẳng tiến bộ bao nhiêu khi thời lượng học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ chỉ 2 tiết/tuần cho một lớp có sĩ số thường trên 40 em.

Những tiết học như thế này, học sinh không học lại ngữ pháp mà chủ yếu là học giao tiếp với giáo viên bản ngữ. Tuy nhiên, với sĩ số lớp đông như vậy thì thử hỏi, một tiết các em nói được bao nhiêu câu? [4].

Cứ vào lớp là nghe âm thanh nhao nhao như vịt kêu, nhức hết cả đầu. Học sinh thì tự do nói chuyện, giáo viên bản ngữ cứ thao thao bất tuyệt cho hết giờ rồi về.

Chỉ tội phụ huynh, cứ nghe con mình được học với giáo viên bản ngữ thì tự hào lắm và cứ như thế mà đóng tiền”, một giáo viên trợ giảng quận Tân Phú (đề nghị không nêu tên) ngán ngẩm chia sẻ.

Và thực tế, số học sinh có khả năng giao tiếp tiếng Anh với người bản ngữ chỉ đếm đến đầu ngón tay. Trò chuyện với một vài học sinh ở cấp Trung học phổ thông có khả năng nghe, nói tiếng Anh khá, chúng tôi mới vỡ lẽ là các em được đi học thêm ở trung tâm từ bé [5].

Như vậy, có thể thấy rằng, sự bất minh và kém hiệu quả của việc triển khai Đề án học tiếng Anh với người bản ngữ tồn tại dai dẳng bấy lâu nay ở các trường.

Tuy nhiên, cho đến nay, người dân thành phố một phần vì thiếu thông tin, một phần dù có tỏ ra nghi ngờ và phản ứng nhưng họ vẫn chỉ nhận được sự im lặng của các cơ quan quản lí!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.congbao.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-tong-hop/De-an--Pho-cap-va-nang-cao-nang-luc-su-dung-tieng-Anh-cho-hoc-sinh-pho-thong-va-chuyen-nghiep-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh-giai-doan-2011---2020-

[2] http://www.sggp.org.vn/no-ro-trung-tam-ngoai-ngu-o-tphcm-chat-luong-tha-noi-135477.html

[3] https://news.zing.vn/trung-tam-ngoai-ngu-tuyen-giao-vien-nuoc-ngoai-nhu-tro-khoi-hai-post841710.html

[4] https://news.zing.vn/tay-ba-lo-day-tieng-anh-o-trung-tam-nhu-cuoi-ngua-xem-hoa-post774502.html

[5] https://news.zing.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-hoc-10-nam-van-khong-noi-duoc-tieng-anh-post744654.html

Phan Nguyễn